TAND tỉnh Phú Yên vừa xét xử phúc thẩm, tuyên sửa án sơ thẩm, giảm hình phạt cho bị cáo Ni E Y Mi (sinh năm 1972, trú tại huyện Sông Hinh) từ 03 năm tù xuống còn 01 năm tù về tội hủy hoại rừng; buộc bị cáo bồi thường thiệt hại cho nhà nước do Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Sông Hinh quản lý hơn 64 triệu đồng. Điều đáng nói trong vụ án này, đây là trường hợp đầu tiên ở Phú Yên, tòa án áp dụng các quy định của BLHS năm 2015 để giảm hình phạt cho bị cáo.
Theo bản án sơ thẩm, tháng 02/2014, vì muốn mở rộng diện tích đất trồng sắn mỳ nên bị cáo Mi đã dùng rựa chặt phá, sau đó đốt cháy 3.321 m2 rừng phòng hộ xung yếu tại tiểu khu 330, xã Eatrol, huyện Sông Hinh.
Xử sơ thẩm tháng 12/2015, TAND huyện Sông Hinh đã áp dụng khoản 3 Điều 189 BLHS hiện hành và các tình tiết giảm nhẹ, tuyên phạt bị cáo Mi 03 năm tù và buộc bị cáo bồi thường thiệt hại cho nhà nước hơn 64 triệu đồng. Sau đó, bị cáo kháng cáo xin hưởng án treo và miễn tiền bồi thường.
Tại phiên xử phúc thẩm mới đây, HĐXX TAND tỉnh Phú Yên xét thấy cấp sơ thẩm đã truy tố, xét xử bị cáo Mi về tội hủy hoại rừng theo quy định tại khoản 3 Điều 189 BLHS hiện hành là có căn cứ. Bản án sơ thẩm đã đánh giá đúng tính chất, mức độ phạm tội của bị cáo và áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để xử phạt bị cáo 03 năm tù là khởi điểm của khoản 2 Điều 189 BLHS là đúng pháp luật. Bị cáo kháng cáo xin hưởng án treo, được Ban nhân dân thôn Buôn Bầu có đơn xác nhận nhưng xét hành vi hủy hoại rừng phòng hộ xung yếu của bị cáo gây hậu quả rất nghiêm trọng nên không thể cho bị cáo hưởng án treo. Về trách nhiệm bồi thường, án sơ thẩm buộc bị cáo bồi thường thiệt hại cho nhà nước nên kháng cáo xin miễn bồi thường là không có cơ sở chấp nhận.
Tuy nhiên, bị cáo có hành vi hủy hoại 3.321 m2 rừng phòng hộ xung yếu nên bị cấp sơ thẩm truy tố và đưa ra xét xử về tội hủy hoại rừng theo quy định tại khoản 3 Điều 189 BLHS hiện hành, có khung hình phạt tù từ 07 năm đến 15 năm. Trong khi đó, tại Điều 243 BLHS năm 2015 quy định về tội hủy hoại rừng đã sửa đổi Điều 189 BLHS hiện hành theo hướng có lợi cho người phạm tội. Theo đó, tại điểm c khoản 1 Điều 289 BLHS năm 2015 quy định: “1. Người nào đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác huỷ hoại rừng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:...c) Rừng phòng hộ có diện tích từ trên 3.000 mét vuông (m2) đến dưới 7.000 mét vuông (m2)”.
Như vậy, cùng là hủy hoại rừng phòng hộ với diện tích trên3.000 m2, theo BLHS hiện hành bị cáo Mi có thể bị xử phạt đến 15 năm tù, nhưng theo BLHS năm 2015 thì chỉ có thể xử phạt bị cáo cao nhất là 05 năm tù. Căn cứ khoản 3 Điều 7 BLHS năm 2015: “Điều luật xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và quy định khác có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành”.
Vì vậy, có cơ sở để áp dụng các quy định của BLHS năm 2015 để giảm hình phạt cho bị cáo. Do đó, tuy bị cáo không kháng cáo xin giảm hình phạt nhưng TAND tỉnh Phú Yên đã tuyên phạt bị cáo Mi mức án nói trên.
GIANG HÀ