Viện KSND tỉnh Phú Yên vừa ban hành kháng nghị phúc thẩm đối với bản án hình sự sơ thẩm số 20/2014/HSST ngày 28/10/2014 của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yênđãxét xử các bị cáo Nguyễn Tấn Cần, Diệp Thanh Xuân và đồng phạm về tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng.
Theo hồ sơ, trong thời gian từ tháng 01/2013 đến tháng 3/2013, các bị cáo Nguyễn Tấn Cần, Diệp Thanh Xuân và đồng phạm đã nhiều lần mua gom gỗ của đồng bào dân tộc các tỉnh Tây Nguyên khai thác trái phép rồi bán lại cho Lương Anh Việt đem về Phú Yên tiêu thụ, trong đó các bị cáo Cần và Xuân mua bán hơn 138,4 m3 gỗ trái phép.
Tại bản án hình sự sơ thẩm số 20/2014/HSST ngày 28/10/2014 của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên đã tuyên phạt các bị cáo Nguyễn Tấn Cần, Diệp Thanh Xuân mỗi bị cáo 02 năm 03 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; bốn đồng phạm khác bị xử phạt như sau: Phùng Xuân Úy 04 năm tù, Lê Quang Vĩnh 04 năm 03 tháng tù, Vũ Ngọc Hùng Sinh 02 năm 09 tháng tù, Lương Anh Việt 02 năm 03 tháng tù.
Theo kháng nghị của Viện KSND tỉnh Phú Yên, bản án sơ thẩm đã tuyên phạt các bị cáo về tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Tuy nhiên, việc cho hai bị cáo Nguyễn Tấn Cần, Diệp Thanh Xuân được hưởng án treo là không đúng với quy định của pháp luật và không đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm hiện nay, trong đó có lĩnh vực vực quản lý, bảo vệ rừng. Bởi các bị cáo đã phạm tội nhiều lần; có sự cấu kết chặt chẽ trong việc mua bán trái phép số lượng lâm sản lớn, thuộc trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Án sơ thẩm chỉ áp dụng tình tiết tăng nặng phạm tội nhiều lần đối với các bị cáo, bỏ sót tình tiết tăng nặng phạm tội có tổ chức; lại cho các bị cáo hưởng án treo là trái với quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 01 ngày 06/11/2013 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC “ Không cho hưởng án treo nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Người phạm tội thuộc đối tượng cần phải nghiêm trị quy định tại khoản 2 Điều 3 của Bộ luật hình sự bao gồm: người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, lưu manh, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội; người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả nghiêm trọng; phạm tội đặc biệt nghiêm trọng”.
Cạnh đó, án sơ thẩm nhận định khoản tiền 203 triệu đồng mà bị cáo Lương Anh Việt chuyển khoản cho bị cáo Lê Quang Vĩnh chưa được xác định cụ thể Vĩnh thu lợi bất chính bao nhiêu nên không tịch thu sung quỹ nhà nước là không đúng. Vì theo hồ sơ vụ án và tại phiên tòa, bị cáo Lê Quang Vĩnh thừa nhận bị cáo làm môi giới để bán hồ sơ lâm sản khống nhằm thu lợi; số tiền bị cáo Việt chuyển vào tài khoản của Vĩnh nhiều lần với tổng số 277 triệu đồng, trong đó Việt trả tiền mua hồ sơ lâm sản khống là 203 triệu đồng.
Từ đó, Viện KSND tỉnh Phú Yên đã kháng nghị, đề nghị Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng xét xử vụ án theo thủ tục phúc thẩm không cho Nguyễn Tấn Cần, Diệp Thanh Xuân hưởng án treo và tịch thu sung công quỹ khoản tiền 203 triệu đồng thu nhập bất chính của Lê Quang Vĩnh.
BẢO CHÂU - HỒ LƯU