Viện KSND tỉnh Phú Yên vừa ban hành kháng nghị phúc thẩm đối với bản án hình sự số 18/2014/HSST ngày 24/9/2014 của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên đã xét xử bị cáo Nguyễn Quang Phong và đồng phạm về tội Trộm cắp tài sản.
Ảnh minh họa
Theo cáo trạng, trong hai ngày 01/01/2014 và 04/01/2014, Nguyễn Quang Phong và Nguyễn Văn Đáo đã trộm cắp 300 lít dầu Dioezen (trị giá 6.122.000đ) của Công ty TNHH Thái Nakorn Patana Việt Nam (Công ty) đem bán được 3.700.000 đ chia nhau tiêu xài.
Tại phiên tòa xét xử ngày 24/9/2014, Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt Nguyễn Quang Phong từ 09 đến 12 tháng tù. Hội đồng xét xử TAND tỉnh Phú Yên đã tuyên phạt Nguyễn Quang Phong 09 tháng tù nhưng cho bị cáo hưởng án treo.
Xét thấy bản án của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên tuyên phạt đối với bị cáo Nguyễn Quang Phong về tội trộm cắp tài sản là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Tuy nhiên, việc cho bị cáo Phong được hưởng án treo là không nghiêm, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi tình hình trộm cắp ngày một gia tăng trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP ngày 06-11-2013 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 60 Bộ luật hình sự: “Không cho hưởng án treo nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Người phạm tội thuộc đối tượng cần phải nghiêm trị quy định tại khoản 2 Điều 3 của Bộ luật hình sự bao gồm: người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, lưu manh, côn đồ, tái phạm nguy hiểm…”. Trong vụ án này, bị cáo Phong là người chủ mưu, khởi xướng, đưa ra phương thức, thủ đoạn thực hiện tội phạm, trực tiếp tiêu thụ tài sản sau khi trộm cắp và là người thực hiện tội phạm tích cực. Để tránh bị phát hiện, bị cáo đã đập phá thiết bị camera theo dõi của Công ty (do đó ngoài việc bị truy tố, xét xử về tội trộm cắp, bị cáo còn bị Công an thành phố Tuy Hòa xử phạt hành chính 3.500.000đ về hành vi hủy hoại tài sản). Do đó, việc cho bị cáo hưởng án treo là trái với quy định tại Nghị quyết nói trên.
Hơn thế nữa, bản án đã phản ánh không đúng diễn biến phiên tòa. Theo đó, Kiểm sát viên trình bày bản luận tội không đề nghị áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “tự thú” đối với bị cáo Phong; đại diện nguyên đơn dân sự chỉ xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Nhưng bản án lại ghi quan điểm của Viện kiểm sát đề nghị áp dụng tình tiết “ tự thú” cho bị cáo Phong và đại diện công ty xin cho các bị cáo hưởng án treo. Từ đó, bản án cho bị cáo Phong hưởng tình tiết “ tự thú” là không đúng, vì khi phát hiện bị mất trộm Công ty đã báo cáo cho Công an Phường 9, thành phố Tuy Hòa và sáng ngày 15-01-2014 khi Công an phường 9 làm việc với Nguyễn Quang Phong và Nguyễn Văn Đáo, Đáo đã khai nhận cùng Phong 2 lần lấy trộm dầu của Công ty, còn Phong không thừa nhận hành vi phạm tội, đến chiều cùng ngày Phong mới thừa nhận các lần phạm tội.Đồng thời, việc đại diện nguyên đơn dân sự xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Phong nhưng bản án lại áp dụng khoản 2 Điều 46 BLHS để giảm nhẹ hình cho bị cáo là không đúng quy định tại Điều 52 Bộ luật TTHS và hướng dẫn tại điểm c mục 5 Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP ngày 04-8-2000 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao “ Hướng dẫn áp dụng một số quy định trong Phần chung của BLHS năm 1999”.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên tịch thu sung công quỹ ½ giá trị chiếc xe mô tô biển số 78F3- 5359 là phương tiện bị cáo Phong dùng trong quá trình phạm tội là không đúng, vì tuy xe này đứng tên Nguyễn Quang Minh (là anh bị cáo Phong) nhưng tại hồ sơ vụ án và trước tòa, bị cáo Phong và anh Minh đều khai đây là xe anh Minh cho riêng bị cáo nên xe này thuộc quyền sở hữu của bị cáo.
Từ đó, Viện KSND tỉnh Phú Yên đã kháng nghị phần hình phạt và phần xử lý vật chứng của bản án hình sự sơ thẩm số 18/2014/HSST ngày 24/9/2014 của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên, yêu cầu Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng xét xử vụ án theo thủ tục phúc thẩm theo hướng không cho bị cáo Nguyễn Quang Phong được hưởng án treo và tuyên tịch thu toàn bộ chiếc xe mô tô biển số 78F3- 5359.
BẢO CHÂU