BLTTHS được Quốc hội nước Cộng hoà XHCN Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 26-11-2003, có hiệu lực từ ngày 01-7-2004. Qua hơn 09 năm thực hiện, BLTTHS đã góp phần to lớn, quan trọng vào sự nghiệp bảo chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật, đồng thời giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.
Hình minh họa
Trước những yêu cầu của cải cách tư pháp, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, BLTTHS cũng đã bộ lộ một số mặt hạn chế, chưa đáp ứng được đầy đủ những yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm trong tình hình mới. Qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự và thực tiễn áp dụng Bộ luật tố tụng hình sự có một số qui định đã bộc lộ bất cập hoặc do chưa có sự giải thích, hướng dẫn nên có nhiều khó khăn, vướng mắc trong nhận thức và áp dụng.
1- Theo quy định tại Điều 119 BLTTHS: thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá hai tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá ba tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá bốn tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra… Việc gia hạn điều tra được quy định như sau: đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra một lần không quá 02 tháng; tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn hai lần không quá 5 tháng; tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn hai lần không quá 08 tháng. Như vậy, thời hạn điều tra đối với tội phạm ít nghiêm trọng tối đa không quá 04 tháng; đối với tội phạm nghiêm trọng tối đa không quá 08 tháng; đối với tội phạm rất nghiêm trọng tối đa không quá 12 tháng.
Trong khi đó, tại Điều 120 BLTHS quy dịnh về thời hạn tạm giam để điều tra. Theo đó: thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá hai tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá ba tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá bốn tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra… Việc gia hạn tạm giam được quy định như sau: đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 01 tháng; tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn hai lần không quá 03 tháng; tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn hai lần không quá 05 tháng. Như vậy, thời hạn tạm giam đối với tội phạm ít nghiêm trọng tối đa không quá 03 tháng; đối với tội phạm nghiêm trọng tối đa không quá 06 tháng; đối với tội phạm rất nghiêm trọng tối đa không quá 09 tháng.
Với các quy định nói trên, thời hạn điều tra vụ án và thời hạn tạm giam bị can để điều tra không giống nhau: thời hạn tạm giam ngắn hơn thời hạn điều tra. Từ đó, dẫn đến trường hợp chưa điều tra xong thì thời hạn tạm giam bị can đã hết. Do đó, hoặc CQĐT phải thay đổi biện pháp ngăn chặn, hoặc khi hết tạm giam mà điều tra chưa xong thì cứ ra kết luận điều tra, sau đó VKS trả hồ sơ thì điều tra bổ sung…
2- Điều 224 Bộ luật tố tụng hình sự quy định “ Hội đồng xét xử phúc thẩm gồm ba thẩm phán và trong trường hợp cần thiết có thể có thêm hai Hội thẩm”. Thực tế việc áp dụng quy định này trong thời gian qua ở Phú Yên cho thấy: thành phần Hội đồng xét xử phúc thẩm luôn chỉ có ba thẩm phán, chưa có phiên toà phúc thẩm nào có Hội thẩm tham gia vào thành phần Hội đồng xét xử. Sở dĩ có tình trạng như vậy là vì luật quy định “ trong trường hợp cần thiết có thể có thêm hai Hội thẩm” nhưng đến nay thế nào là trường hợp cần thiết thì chưa có có quan có thẩm quyền nào giải thích. Có quan điểm cho rằng, trường hợp cần thiết ở đây là khi xét thấy vụ án phức tạp, có nhiều bị cáo, có liên quan đến chính sách dân tộc, tôn giáo… Cũng có ý kiến lại lập luận những vụ án có yếu tố nước ngoài thì cần có Hội thẩm tham gia. Việc thế nào là cần thiết xem ra chưa được thống nhất thì lại nảy sinh một vấn đề đáng nói nữa là, ở các Toà án cấp tỉnh còn có Hội thẩm để mà có thể tham gia vào thành phần Hội đồng xét xử phúc thẩm. Còn ở các Toà phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội, Đà Nẵng, Tp.HCM thì lấy đâu ra Hội thẩm để tham gia đây? Bởi vì, theo quy định hiện nay thì chỉ ở cấp huyện và cấp tỉnh mới có Hội thẩm, còn ở cấp trung ương thì không.
3- Điều 313 BLTTHS qui định về quyết định của Viện kiểm sát sau khi kết thúc điều tra đối với những vụ án mà người thực hiện hành vi phạm tội không có năng lực trách nhiệm hình sự: “Sau khi nhận được hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, Viện kiểm sát có thể ra một trong những quyết định sau đây:
1-Tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án;
2-Đình chỉ vụ án và quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh;
3-Truy tố bị can trước Tòa án.”
Theo qui định nói trên thì Viện kiểm sát sau khi kết thúc điều tra không có quyền trả hồ sơ để điều tra lại hoặc điều tra bổ sung. Như vậy là bất hợp lý, bởi Điều 314 BLTTHS qui định Tòa án có quyền trả hồ sơ cho VKS để điều tra lại hoặc điều tra bổ sung. Do đó, đối với những vụ án mà Tòa án trả hồ sơ cho Viện kiểm sát thì Viện kiểm sát phải xử lý như thế nào? Đó là chưa kể đến việc sau khi nhận hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, Viện kiểm sát thấy rằng còn thiếu những chứng cứ quan trọng mà Viện kiểm sát không tự bổ sung được hoặc có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự hoặc có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng các qui định của BLHS, thì Viện kiểm sát cũng không biết giải quyết thế nào, vì luật không qui định cho Viện kiểm sát trả hồ sơ để điều tra bổ sung…
BLTTHS đã có hiệu lực thi hành hươn 09 năm, có rất nhiều quy định chưa được giải thích, hướng dẫn để thống nhất thực hiện cũng như sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Trong khi chưa sửa đổi, bổ sung BLTTHS, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền kịp thời giải thích BLTTHS và ban hành các thông tư hướng dẫn cụ thể việc áp dụng các quy định của BLTTHS nhằm đảm bảo cho việc nhận thức và áp dụng BLTTHS thống nhất, nghiêm chỉnh.
HỒ NGỌC THẢO - VKSND TỈNH PHÚ YÊN