Ngày 28. 11 . 2013, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 6, đã thông qua bản Hiến pháp sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, so với Hiến pháp được ban hành 1992 và được sửa đổi, bổ sung năm 2001, thì Hiến pháp sửa đổi, bổ sung lần này có nhiều sự thay đổi, trong đó vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân về cơ bản vẫn được giữ nguyên, nhưng cũng có một số thay đổi mang tính hình thức và một số sự sửa đổi, bổ sung khác.
Dưới đây là bảng so sánh:
Hiến pháp sửa đổi, bổ sung năm 2013 quy định chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân | Hiến pháp năm 1992, được sửa đổi, bổ sung năm 2001 quy định chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân | |
Điều 107
1. Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp.
2. Viện kiểm sát nhân dân gồm Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các Viện kiểm sát khác do luật định.
3. Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa,bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Điều 108.
1. Nhiệm kỳ của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Việc bổ nhiệm,miễn nhiệm, cách chức, nhiệm kỳ của Viện trưởng các Viện kiểm sát khác và của Kiểm sát viên do luật định.
2. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước. Chế độ báo cáo công tác của Viện trưởng các Viện kiểm sát khác do luật định.
Điều 109
1. Viện kiểm sát nhân dân do Viện trưởng lãnh đạo. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới chịu sự lãnh đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp trên; Viện trưởng các Viện kiểm sát cấp dưới chịu sự lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
2. Khi thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, Kiểm sát viên tuân theo pháp luật và chịu sự chỉ đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân.
|
Điều 137 Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, góp phần bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
Các Viện kiểm sát nhân dân địa phương, các Viện kiểm sát quân sự thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong phạm vi trách nhiệm do luật định.".
Điều 138
Viện kiểm sát nhân dân do Viện trưởng lãnh đạo. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới chịu sự lãnh đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp trên; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các địa phương, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp chịu sự lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Việc thành lập Uỷ ban kiểm sát, những vấn đề Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân có quyền quyết định, những vấn đề quan trọng mà Uỷ ban kiểm sát phải thảo luận và quyết định theo đa số do luật định.
Nhiệm kỳ của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo nhiệm kỳ của Quốc hội.
Viện trưởng, các Phó Viện trưởng và Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân địa phương và Viện kiểm sát quân sự các quân khu và khu vực do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.
Điều 139
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp thì chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước.
Điều 140
Viện trưởng các Viện kiểm sát nhân dân địa phương chịu trách nhiệm báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân và trả lời chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân.
|
Thứ hai, về hệ thống Viện kiểm sát nhân dân, Hiến pháp sửa đổi, bổ sung làn này không sử dụng từ Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các Viện kiểm sát nhân dân địa phương, các Viện kiểm sát quân sự, mà sử dụng từ "Viện kiểm sát nhân dân gồm Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các Viện kiểm sát khác do luật định".Thứ nhất, về mặt hình thức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân được quy định theo các Điều luật mới từ Điều 107 đến Điều 109 thuộc chương VIII (Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân). Còn theo Hiến pháp được ban hành năm 1992 thì được quy định tại các Điều 137 đến 140 thuộc chương X (Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân).
Thứ ba, về nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân được quy định đầy đủ hơn, rộng hơn. Nếu như Hiến pháp trước đây chỉ quy định nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân tối cao"góp phần bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất". Thì Hiến pháp sửa đổi, bổ sung lần này đã quy định Viện kiểm sát nhân dân ngoài nhiệm vụ nêu trên, còn thể hiện cụ thể nhiệm vụ: "bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa,bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân..."
Đại biểu Quốc hội ấn nút thông qua Hiến pháp ngày 28. 11. 2013
Thứ tư, Hiến pháp lần này bỏ bớt 1 Điều luật (chỉ còn 3 Điều), theo đó nội dung của quy định tại Điều 140 Hiến pháp được ban hành năm 1992 "Viện trưởng các Viện kiểm sát nhân dân địa phương chịu trách nhiệm báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân và trả lời chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân"đã được quy định ghép vào Điều 108 của Hiến pháp sửa đổi, bổ sung lần này và chỉ quy định ngắn gọn: "Chế độ báo cáo công tác của Viện trưởng các Viện kiểm sát khác do luật định".
Trên đây là một số thay đổi của Hiến pháp sửa đổi, bổ sung năm 2013 liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân qua sự nghiên cứu của chúng tôi và xét thấy nó liên quan đến chế định Viện kiểm sát nhân dân có tính thiết thực, nên xin được giới thiệu để cùng tham khảo, trao đổi.
Thái Văn Đoàn
Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng