Thứ Hai, 28/04/2025 05:06 SA

Một số vấn đề về luận tội của Kiểm sát viên tại phiên tòa xét xử án hình sự

Khi thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án hình sự, một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của KSV là trình bày lời luận tội. Theo quy định tại Điều 217 BLTTHS: Sau khi kết thúc việc xét hỏi tại phiên tòa, Kiểm sát viên trình bày lời luận tội… Về thực chất, đây chính là việc bảo vệ quyết định truy tố của Viện kiểm sát, nhằm buộc tội bị cáo theo tội danh mà BLHS quy định, đề xuất quan điểm của VKS về việc áp dụng hình phạt đối với bị cáo. Đồng thời, luận tội là lời buộc tội của VKS đối với bị cáo; mở đầu cho giai đoạn tranh luận tại phiên tòa, là cơ sở để bị cáo, luật sư và những người tham gia tố tụng khác phát biểu ý kiến bào chữa; là căn cứ để Hội đồng xét xử xác định giới hạn xét xử và trực tiếp giúp HĐXX ra bản án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.


Ảnh minh họa

   Theo Từ điển tiếng Việt: “ Luận tội là phân tích, cân nhắc để xét tội ”. Theo Từ điển giải thích thuật ngữ Luật học: “ Luận tội là phân tích tội trạng, đề nghị kết tội bị cáo ”. Trên cơ sở thực tiễn công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, cho thấy: Luận tội là văn bản do VKS xây dựng trên cơ sở bản Cáo trạng và những tài liệu, chứng cứ đã được kiểm tra tại phiên tòa, ý kiến của bị cáo, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự và những người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa nhằm phân tích, đánh giá các tình tiết của vụ án, hành vi của bị cáo, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, từ đó xác định tội danh, hình phạt và các biện pháp tư pháp khác… Trong Luận tội, KSV đề nghị kết tội bị cáo theo toàn bộ hay một phần nội dung Cáo trạng hoặc kết luận về tội nhẹ hơn; nếu thấy không có căn cứ để kết tội thì rút toàn bộ quyết định truy tố và đề nghị HĐXX tuyên bố bị cáo không có tội.

Như vậy, Luận tội là một trong những hoạt động thực hành quyền công tố do KSV thực hiện, là sự buộc tội chính thức của VKS đối với bị cáo, thể hiện quan điểm của VKS về giải quyết vụ án hình sự.    

1-Yêu cầu của luận tội:

Theo quy định tại khoản 3 Điều 23 Quy chế tạm thời về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, Luận tội phải đạt các yêu cầu sau:

- Luận tội phải phân tích đánh giá các chứng cứ của vụ án một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ; đánh giá đúng tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm, hậu quả gây ra, vai trò trách nhiệm và nhân thân của bị cáo, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để đề xuất áp dụng pháp luật và vận dụng viện dẫn các chứng cứ để chứng minh bảo đảm tính logic và sắc bén.

Đây là yêu cầu cơ bản của luận tội. Khi luận tội, các kết luận về hành vi phạm tội của bị cáo phải được viện dẫn chứng cứ chứng minh. Các chứng cứ chứng minh nêu trong luận tội phải là các chứng cứ đã được xem xét, kiểm tra tại phiên tòa. Việc đánh giá tính chất, mức dộ phạm tội, vai trò vị trí, trách nhiệm của bị cáo trong vụ án; việc viện dẫn các căn cứ pháp luật ( điểm, khoản, điều luật áp dụng… ) phải bảo đảm chính xác. Khi đánh giá các chứng cứ, tài liệu trong vụ án phải dựa trên các quy định của pháp luật, không được áp đặt ý chí chủ quan cũng như tính suy đoán buộc tội khi đánh giá chứng cứ.

- Luận tội phải phân tích phê phán thủ đoạn phạm tội của bị cáo; phân tích bác bỏ những quan điểm không phù hợp với vụ án của những người tham gia tố tụng khác để làm sáng tỏ sự thật, bảo vệ chính sách pháp luật, thể hiện tính đấu tranh và tính thuyết phục của bản luận tội. Khi phân tích bác bỏ các quan điểm không phù hợp cũng phải viện dẫn các chứng cứ để chứng minh.

Một bản luận tội bảo đảm được tính có căn cứ, chính xác, khách quan và cụ thể đảm bảo tính thuyết phục. Tính thuyết phục trước hết đối với Hội đồng xét xử về các căn cứ, những chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội cũng như các đề xuất về giải quyết vụ án và đối với những người tham gia tố tụng tại phiên tòa, như bị cáo, người bị hại, người bào chữa, những người tham gia tố tụng khác... Ngoài ra, tính thuyết phục còn thể hiện ở sự đồng tình, ủng hộ của dư luận xã hội.

Thông qua việc trích dẫn và phân tích vụ án, điều luật áp dụng… luận tội có tác dụng tuyên truyền, giáo dục pháp luật, giúp cho bị cáo và những người tham dự phiên tòa ( nhất là qua các vụ án đưa ra xét xử lưu động) hiểu rõ những hành vi nào bị pháp luật ngăn cấm. Từ đó, họ tự điều chỉnh hành vi của mình theo đúng quy định của pháp luật.

Tính phòng ngừa tội phạm của luận tội thể hiện ở việc phân tích những nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh dẫn đến các hành vi phạm tội. Trong đó, có việc phân tích những sơ hở, thiếu sót, vi phạm trong quản lý kinh tế, quản lý xã hội, quản lý con người. Từ đó kiến nghị với các cơ quan, tổ chức, đơn vị rút kinh nghiệm, đề ra biện pháp khắc phục vi phạm cũng như các sơ hở, thiếu sót góp phần đấu tranh phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

- Luận tội phải viết theo mẫu hướng dẫn của VKSNDTC.

Đây là một trong những yêu cầu bắt buộc khi viết luận tội. Luận tội phải được viết theo đúng mẫu hướng dẫn của VKSNDTC, đồng thời phải thể hiện với văn phong trong sáng, mạch lạc, dễ hiểu. Bố cục bản luận tội cần phải chặt chẽ, đảm bảo tính cân đối giữa các phần cũng như tính lôgíc, tránh việc phân tích tính chất, mức độ phạm tội thì rất nghiêm trọng nhưng khi đề nghị xử lý thì lại quá nhẹ. Từ ngữ trong luận tội phải được sử dụng một cách chuẩn xác, đúng thuật ngữ pháp lý, không dùng những từ ngữ thiếu tính mô phạm, tối nghĩa, sáo rỗng hoặc có tính miệt thị, không dùng những từ địa phương. Kinh nghiệm cho thấy: có KSV chuẩn bị luận tội với nội dung rất công phu, đầy đủ nhưng do hình thức thể hiện lại có nhiều thiếu sót nên đã hạn chế đến chất lượng, như bố cục không chặt chẽ, trình bày lộn xộn, trùng lắp, nội dung quá dài, dập khuôn Cáo trạng, kể lể sự việc...

2- Nội dung luận tội:

Luận tội phải có những nội dung cơ bản sau:

a-    Phân tích đánh giá chứng cứ:

Trên cơ sở xem xét, đánh giá một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ vụ án và qua xét hỏi công khai tại phiên toà, luận tội phải phân tích đánh giá chứng cứ nhằm chứng minh:

- Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội;

- Người thực hiện hành vi phạm tội, có lỗi hay không có lỗi, lỗi cố ý hay vô ý, có năng lực trách nhiệm hình sự hay không, mục đích, đông cơ phạm tội;

- Những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và đặc điểm về nhân thân của bị cáo;

- Tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.

Qua việc phân tích đánh chứng cứ, luận tội cần khẳng định nội dung và quyết định truy tố ghi trong Cáo trạng là hoàn toàn đúng hoặc có nội dung gì cần phải thay đổi như: thay đổi tội danh, khung hình phạt nhẹ hơn; rút một phần hoặc toàn bộ quyết định truy tố...

b- Phân tích đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, vai trò, vị trí trách nhiệm của bị cáo:

Đây là nội dung rất quan trọng của luận tội. Trên cơ sở đánh giá chứng cứ, KSV phải phân tích đánh giá chung về tính chất của vụ án, tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội của bị cáo, xác định thủ đoạn, mục đích, động cơ phạm tội; tính chất và mức độ, hậu quả, tác hại do tội phạm gây ra ( như hậu quả, tác hại về chính trị, kinh tế, trật tự an toàn xã hội... ). Cần đánh giá đúng mức, không thổi phồng hay bỏ bớt. Phân tích các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và các đặc điểm về nhân thân của bị cáo. Xác định nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh dẫn đến hành vi phạm tội...

Đối với những vụ án có nhiều bị cáo, phạm nhiều tội khác nhau, luận tội trước hết phải phân tích đánh giá tổng hợp về vụ án, sau đó mới đi vào phân tích vai trò, trách nhiệm của từng bị cáo trong vụ án. Khi phân tích, cần tuân theo trật tự từ bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng trước đến bị cáo phạm tội ít nghiêm trọng sau. Cũng có thể xếp thành nhóm bị cáo để phân tích. Làm rõ bị cáo nào giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu, bị cáo nào bị rủ rê lôi kéo hoặc vai trò đồng phạm của các bị cáo trong vụ án... Đồng thời, kết luận bị cáo đó đã phạm tội gì, tội đó được quy định tại điểm, khoản, điều nào của BLHS.

c- Phân tích những sơ hở, thiếu sót trong quản lý kinh tế, quản lý xã hội để kiến nghị phòng ngừa:

Qua thực tiễn xét xử các vụ án hình sự cho thấy: phần lớn các hành vi phạm tội đều xuất phát từ những sơ hở, thiếu sót của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Do đó, luận tội cần phân tích những sơ hở, thiếu sót đó và có kiến nghị nhằm mục đích phòng ngừa tội phạm.

d- Đề xuất quan điểm, đường lối xử lý vụ án:

Trên cơ sở phân tích đánh giá chứng cứ, tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, vai trò, vị trí trách nhiệm của bị cáo và nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm ở địa phương, ... để đề xuất quan điểm , đường lối xử lý vụ án. Khi đề xuất phải theo các thứ tự sau:

- Đề nghị hình phạt chính đối với bị cáo: Cần đề nghị chính xác điểm, khoản, điều luật cụ thể của BLHS mà bị cáo đã phạm và các quy định khác, như tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự... Nếu bị cáo phạm nhiều tội phải đề nghị hình phạt cho từng tội và tổng hợp hình phạt. Nếu vụ án có nhiều bị cáo thì đề nghị đối với từng bị cáo theo thứ tự như đã nêu ở phần phân tích đánh giá vai trò, trách nhiệm của từng bị cáo.

- Đối với hình phạt bổ sung: Bị cáo bị xét xử về các tội phạm mà theo quy định của BLHS việc áp dụng hình phạt bổ sung là bắt buộc thì phải đề xuất áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo. Đối với các tội mà BLHS quy định có tính chất tuỳ nghi thì phải xem xét, cân nhắc để quyết định.

- Về các biện pháp tư pháp: Cần áp dụng các quy định tại Điều 41, 42, 43, 44 BLHS để đề xuất áp dụng các biện pháp tư pháp, như tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm ... Khi đề nghị bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phải căn cứ thêm vào các quy định của BLDS...

HỒ NGỌC THẢO

CÁC TIN KHÁC

Tin mới nhất

Thứ 2, 28/4/2025:

06h30:

- Đ/c Thanh - PVT dự lễ viếng Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh; dâng hương tại Đài tưởng niệm Núi Nhạn; Nhà trưng bày lưu niệm Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ và Đền thờ liệt sĩ tỉnh.

07h30:

- Chào cờ và nghe các câu chuyện về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

08h00:

- Họp giao ban Lãnh đạo Viện.

08h30:

- Đ/c Viện trưởng và Phòng 15 làm việc với Viện trưởng và Kế toán VKSND cấp huyện.

15h30:

- Đ/c Viện trưởng họp chi bộ.

- Đ/c Liên - PVT nghe Phòng 9 báo cáo án.

 

Thứ 3, 29/4/2025: 

08h00:

- Họp Lãnh đạo Viện.

09h00:

- Họp Đảng ủy.

13h30:

- Đ/c Viện trưởng đi công tác ngoài tỉnh.

15h00:

- Tổng vệ sinh cơ quan (từ 15h00 dọn trong phòng làm việc, hành lang; từ 15h30 tập trung dọn phòng đọc báo, khuôn viên cơ quan).

 

Thứ 4, 30/4/2025 đến thứ 6, 02/5/2025: 

Nghỉ lễ 30/4, 1/5 và nghỉ hoán đổi ngày làm vệc 

Phân công trực cơ quan, trực nghiệp vụ.


Thứ 7, 03/5/2025:

Phân công trực cơ quan

  

Chủ nhật, 04/5/2025:

Phân công trực cơ quan

 

Thông tư liên tịch 02/2025/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC quy định về phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự, quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự khi không tổ chức Công an cấp huyện

Thông tư liên tịch 01/2025/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC-BQP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Điều 3 Nghị quyết số 164/2024/QH15 của Quốc hội thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự

Thông tư liên tịch 01/2025/TTLT-KTNN-VKSNDTC-BCA-BQP quy định về phối hợp giữa Kiểm toán nhà nước, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát trong việc trao đổi, chuyển thông tin và kiến nghị xem xét, khởi tố vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước

Thông tư liên tịch 01/2025/TTLT-BCA-BQP-BTP-BNN&PTNT-BTC-VKSNDTC-TANDTC quy định quan hệ phối hợp trong hoạt động giám định tư pháp trong tố tụng hình sự

Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 54/2019/NĐ-CP ngày 19 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường