TAND tỉnh Phú Yên vừa xét xử phúc thẩm vụ án “Yêu cầu bồi thường thiệt hại, trợ cấp do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động”, giữa nguyên đơn là anh Huỳnh Hoàng Quân và bị đơn là Công ty cổ phần xi măng Cosevo Phú Yên.
Theo hồ sơ vụ án, anh Quân làm việc cho Công ty cổ phần xi măng Cosevo Phú Yên (gọi tắt là Công ty) từ năm 1999. Đến năm 2003 giữa anh Quân và Công ty ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Tuy nhiên, từ tháng 01 đến tháng 4/2013 Công ty đã tự ý cho anh nghỉ việc không lương. Đến ngày 14/5/2013 Công ty ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với anh kể từ ngày 14/5/2013 nhưng chỉ giải quyết cho anh trợ cấp thôi việc mỗi năm làm việc đương hưởng ½ tháng lương, tổng cộng 13.000.000đ. Anh Quân cho rằng Công ty tự ý cho nghỉ việc không hưởng lương là không đúng, khi chấm dứt hợp đồng chỉ giải quyết trợ cấp thôi việc là không chính xác và còn vi phạm thời gian báo trước là 45 ngày. Do đó, anh yêu cầu Tòa án buộc Công ty phải bồi thường tiền lương những ngày Công ty cho nghỉ không hưởng lương là 13.000.000đ, tiền trợ cấp mất việc 26.000.000đ và tiền vi phạm thời gian báo trước 1,5 tháng 3.900.000đ.
Đại diện Công ty cổ phần xi măng Cosevo Phú Yên thống nhất thời gian ký kết hợp đồng như trình bày của anh Quân nhưng cho rằng từ thời điểm năm 2011 Công ty gặp khó khăn phải thu hẹp sản xuất nên đến cuối năm 2012 đã thông báo cho nhiều công nhân trong đó có anh Quân nghỉ không hưởng lương. Do đó, Công ty không chấp nhận thanh toán tiền lương nghỉ việc vì đã thông báo rộng rãi bằng văn bản và anh Quân không có ý kiến khiếu nại. Chấp nhận khoản tiền trợ cấp mất việc và khoản tiền bồi thường do vi phạm thời gian báo trước 45 ngày.
Án sơ thẩm số 05/2014/LĐST ngày 28/8/2014 của TAND huyện Tuy An chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc Công ty cổ phần xi măng Cosevo Phú Yên phải thanh toán khoản trợ cấp mất việc với số tiền 13.000.000đ (anh Quân đã nhận 13.000.000đ). Không chấp nhận yêu cầu của anh Quân về khoản 05 tháng tiền lương nghỉ không hưởng lương. Sau khi xử sơ thẩm, anh Quân kháng cáo.
HĐXX phúc thẩm TAND tỉnh Phú Yên nhận định: Theo quy định tại khoản 3 Điều 98 Bộ luật Lao động “Trong trường hợp phải ngừng việc, người lao động được trả lương như sau: ...Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động, người lao động hoặc vì các nguyên nhân khách quan khác như thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch hoạ, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế, thì tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định”.
Như vậy, Công ty cổ phần Cosevo Phú Yên cho anh Quân nghỉ việc không lương, hai bên không thỏa thuận tiền lương phải trả trong thời gian ngừng việc là vi phạm Điều 98 Bộ luật Lao động. Xét thấy công ty đang ở trong tình trạng sản xuất kinh doanh khó khăn, do đó Công ty phải trả lương cho anh Quân theo mức lương tối thiểu vùng vào thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động với mức 1.650.000đ là phù hợp. Do thời gian anh Quân nghỉ việc không lương Công ty đã đóng đầu đủ các phí bảo hiểm cho anh phải chịu là 9,5%/tháng nên cần khấu trừ các khoản bảo hiểm này, còn lại Công ty phải thanh toán cho anh Quân số tiền 6.437.000đ về thời gian nghỉ việc không hưởng lương.
Từ đó, HĐXX đã chấp nhận một phần kháng cáo của anh Quân, sửa án sơ thẩm buộc Công ty cổ phần xi măng Cosevo Phú Yên phải có nghĩa vụ thanh toán tiền lương trong những ngày bị cho nghỉ không lương là 6.437.000đ.
TÚ VƯƠNG