Sau hơn tám năm tổ chức thực hiện, Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, làm tiền đề cho việc thực hiện thành công chiến lược cải cách tư pháp. Hoàn thiện một bước về chính sách, pháp luật hình sự, dân sự và thủ tục tố tụng tư pháp, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, đưa nghị quyết đi vào đời sống xã hội.
Ký quy chế phối hợp liên ngành
Tiếp nối những kết quả đã đạt được của việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới; ngày 02/6/2005, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 49-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 với mục tiêu xuyên suốt là xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa... Nhằm tạo sự chuyển biến mang tính đột phá trong cuộc đấu tranh bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Sau khi nghị quyết ban hành, nhiều dự án luật, pháp lệnh liên quan đến lĩnh vực công tác tư pháp đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Nội dung các dự án luật, pháp lệnh đã bám sát và kịp thời thể chế hoá nhiều chủ trương, chính sách của Nghị quyết số 49-NQ/TW về hình sự, dân sự và thủ tục tố tụng tư pháp.
Song song với những kết quả ấy, vẫn còn nhiều trăn trở bởi đâu đó, vẫn có những hạn chế trong quá trình thực hiện Nghị quyết, như: Việc ban hành văn bản hướng dẫn pháp luật còn chậm, rất nhiều chương, điều của Bộ luật hình sự quy định nhưng chưa được hướng dẫn cụ thể để xác định tội danh, hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, nên quá trình thực hiện còn nhiều nhận thức khác nhau, quan điểm xử lí khác nhau…
Trong quá trình triển khai Nghị Quyết 49, các địa phương chưa hoàn chỉnh được về chế định giám định tư pháp, còn nhiều bất cập không theo kịp với xu thế thời đại trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm, như tại Phú Yên không có giám định viên trong lĩnh vực ngân hàng… Nếu có sự ủy quyền của cấp trên trong việc thẩm định còn né tránh, ngại va chạm; giám định viên tư pháp về tài chính cũng mới được bổ nhiệm và bắt đầu hoạt động, chưa ban hành kịp thời văn bản pháp luật quy định rõ về thủ tục, thời gian giám định trong khi thời hạn điều tra vụ án có hạn. Đội ngũ luật sư còn thiếu, một số luật sư trình độ chuyên môn chưa đủ tầm để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bị cáo. Nhiều luật sư có phẩm chất đạo đức kém, lợi dụng nghề nghiệp của mình, làm trái với các quy định pháp luật của Nhà nước. Chưa thực hiện được việc tăng quyền hạn, trách nhiệm tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán để họ chủ động thực thi nhiệm vụ, nâng cao tính độc lập và chịu trách nhiệm trong tố tụng như trong lộ trình đã đề ra. Chưa triển khai được việc bổ nhiệm Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán thời hạn dài hơn hoặc không thời hạn, nhằm nâng cao tính hiệu quả trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm.
Thực tế nơi nào triển khai qúan triệt tốt nhiệm vụ cải cách tư pháp tốt thì nơi đó có nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, tính bảo vệ công lí được cao. Nơi nào triển khai kém thì nên tư pháp yếu hơn, tính dân chủ, tính bảo vệ công lí thấp. Vì tính đúng đắn của hoạt động tư pháp còn bị xâm hại. Tương tự trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp, nơi nào được sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy, cấp trên, sự phối hợp tốt của các ngành tư pháp trong hoạt động cải cách thì nơi đó trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ tư pháp được nâng lên. Uy tín của các ngành tư pháp được nâng cao, công tác cải cách tư pháp được thuận lợi. Ngược lại, nơi nào thiếu sự quan tâm của cấp ủy, cấp trên, các ngành trong hệ thống tư pháp thiếu đoàn kết, thiếu sự thống nhất chỉ đạo của cấp ủy thì nơi đó, công tác cải cách tư pháp triển khai chậm, tính hiệu quả, uy tín thấp.
Trong hoạt động hoàn chỉnh thể chế chính sách pháp luật, phải xuất phát từ những vướng mắc thực tế, phải có sự điều chỉnh luật pháp kịp thời trong khi chưa đệ trình quốc hội thì các ngành tư pháp TW phải kịp thời ban hành hệ thống thông tư liên ngành, hướng dẫn kịp thời các vướng mắc ở cấp dưới thì tính thống nhất của pháp chế mới đạt hiệu quả cao. Tránh được sự áp dụng tùy tiện trong việc vận dụng pháp luật.
Trong xử lí ý kiến quan điểm còn khác nhau khi triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp, thì cấp ủy nơi đó phải kịp thời chủ trì các ngành có ý kiến khác nhau để cấp ủy lắng nghe thảo luận của các bên và có hướng chỉ đạo thống nhất thực hiện, sẽ đem lại tính khả thi và hiệu quả cao.
Trong thời gian tới, tình hình chính trị thế giới và trong nước; tình hình kinh tế xã hội trong nước sẽ diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch trong nước và nước ngoài sẽ tìm đủ mọi cách chống phá nhà nước. Tình hình tội phạm có tổ chức, chống phá cách mạng sẽ có chiều hướng gia tăng sẽ có tác động không ít đến công tác tư pháp và cải cách tư pháp ở nước ta. Vì vậy, công tác tư pháp và cải cách tư pháp rất cần sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trong thời gian tới nhằm thực hiện tốt mục tiêu xây dựng nền tư pháp Việt Nam trong sạch, vững mạnh.
Bảo Châu