Qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự, Viện kiểm sát nhân dân huyện Phú Hòa nhận thấy trong năm 2014 tình hình tội phạm trên địa bàn huyện Phú Hòa diễn biến phức tạp, có chiều hướng ngày càng gia tăng với tính chất, mức độ phạm tội nghiêm trọng, trong đó nổi lên là tội phạm cố ý gây thương tích, chiếm tỷ lệ cao trong tổng số các vụ án xảy ra trên địa bàn huyện, gây ra tâm lý bất an, lo lắng trong quần chúng nhân dân, làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Theo thống kê của Công an huyện Phú Hòa, từ ngày 01/12/2013 đến ngày 30/10/2014 trên địa bàn huyện Phú Hòa xảy ra 19 vụ cố ý gây thương tích, chiếm tỷ lệ 20,7% trên tổng số tố giác, tin báo về tội phạm Cơ quan điều tra tiếp nhận, trong đó chủ yếu xảy ra trên địa bàn các xã Hòa Trị, Hòa Thắng, Hòa An... Cơ quan điều tra đã khởi tố 11 vụ 24 bị can để xử lý theo quy định pháp luật. Các đối tượng phạm tội cố ý gây thương tích đa số là không có nghề nghiệp ổn định,ở độ tuổi thanh thiếu niên (trong 24 bị can bị khởi tố có 18 bị can phạm tội trong độ tuổi 18-30 tuổi; 03 bị can phạm tội trong độ tuổi 16-18 tuổi và 03 bị can phạm tội trong độ tuổi 30-45 tuổi). Các công cụ, phương tiện đối tượng phạm tội sử dụng để gây án rất đa dạng, như dao, mã tấu, tuýp sắt, gậy gộc, búa, gạch, đá...
Một phiên tòa xét xử bị cáo phạm tội Cố ý gây thương tích
Nguyên nhân dẫn đến các vụ việc đánh nhau gây thương tích chủ yếu xuất phát từ những va chạm, mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống,... Điển hình như vụ Võ Hữu Thành và Trương Thế Dinh phạm tội cố ý gây thương tích xảy ra tại thôn Phú Lộc, xã Hòa Thắng; chỉ vì bị hại nhìn Thành và Dinh mà hai đối tượng này cho rằng “nhìn điểu” nên đã đánh bị hại gây thương tích 13%; hoặc vụ Nguyễn Bảo và đồng phạm, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ, đã bàn bạc dùng hung khí nguy hiểm và xe máy đuổi theo chặn đánh bị hại, thể hiện tính côn đồ hung hãn, coi thường pháp luật…Hầu hết các vụ án, các bị can phạm tội trước đó đều có sử dụng rượu, bia. Một số đối tượng sau khi ăn nhậu, do uống quá nhiều, không làm chủ được bản thân, bị hơi men kích động đã gây sự, cải vã, thách thức lẫn nhau, gây ra những mâu thuẫn căng thẳng, sau đó dùng hung khí nguy hiểm như dao, má tấu gậy gộc, đá… để đánh, đâm, chém nhau gây thương tích. Bên cạnh đó xuất phát từ tâm sinh lý chưa phát triển ổn định của lứa tuổi thanh thiếu niên, thích thể hiện bản thân, chỉ vì bốc đồng nhất thời mà sẵn sàng giải quyết mâu thuẫn bằng vũ lực. Bên cạnh đó là sự quản lý thiếu chặt chẽ của gia đình, nhà trường cũng như ảnh hưởng của nhiều yếu tố như game online, phim ảnh bạo lực… dẫn đến một số thanh thiếu niên rất manh động, liều lĩnh, coi thường pháp luật. Ngoài ra trong quản lý con người, quản lý nhân hộ khẩu ở một số đơn vị cấp xã, thị trấn còn sơ hở, không nắm bắt hết các đối tượng đến tạm trú, tạm vắng; chưa kịp thời xử lý những mâu thuẫn nảy sinh trong nội bộ nhân dân. Công tác theo dõi, quản lý các đối tượng có tiền án, tiền sự cũng như việc tuần tra, canh gác của các tổ dân phố, bảo vệ thôn buôn ở một số địa phương chưa chặt chẽ, chưa thường xuyên. Công tác phòng ngừa xã hội đạt hiệu quả chưa cao; việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm còn hạn chế, chưa huy động được đông đảo nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm; ý thức cảnh giác của nhân dân đối với các hành vi phạm tội còn thấp tạo điều kiện cho các đối tượng xấu thực hiện hành vi phạm tội…
Từ những nguyên nhân nói trên, để công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, tội cố ý gây thương tích nói riêng có hiệu quả, góp phần bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của công dân, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, vừa qua Viện kiểm sát nhân dân huyện Phú Hòa đã có văn bản kiến nghị Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa có biện pháp phòng ngừa vi phạm, tội phạm trên địa bàn huyện trong thời gian đến.
Trần Đình Toản