Mới đây, TAND tỉnh Phú Yên đã mở phiên tòa phúc thẩm tuyên xử chấp nhận toàn bộ kháng nghị của VKSND tỉnh Phú Yên hủy phần giải quyết tranh chấp di sản thừa kế đối với quyền sử dụng 1.350m2 đất, thuộc thửa số 176, tờ bản đồ 299TTg của Bản án dân sự sơ thẩm số 24/2017/DSST ngày 14/11/2017 của TAND thị xã Sông Cầu, để giải quyết lại theo thủ tục chung.
Theo nội dung bản án phúc thẩm:
- Nguyên đơn: Ông Võ Mếch, sinh năm 1963, trú ở xã Xuân Hải, thị xã Sông Cầu, trình bày: Năm 1959, cố Nguyễn Thị Kiên lập chúc ngôn để lại cho con trai là cụ Võ Ngạo diện tích 1.350m2 đất, thuộc thửa số 176, tờ bản đồ 299TTg, có giới cận: Đông giáp đất ông Ngô Thuyền, Tây giáp đường bê tông thôn, Nam giáp đất ông Nguyễn Hoa, Bắc giáp đường mòn nhỏ; tọa lạc tại thôn 04, xã Xuân Hải, thị xã Sông Cầu. Năm 1963, cố Kiên chết; cụ Võ Ngạo có vợ là cụ bà Phan Thị Trắp sinh được 06 người con, gồm: Võ Xứng, Võ Thị Xuân, Võ Văn Cư, Võ Thị Đặng, Võ Mếch và Võ Thị Cằn, tất cả còn sống. Năm 1966, cụ Ngạo chết không để lại di chúc, cụ Trắp tiếp tục quản lý sử dụng diện tích đất trên đến năm 2002, cụ kê khai và được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngày 23/01/2003, cụ Trắp lập di chúc để lại toàn bộ diện tích 1.350m2 đất cho ông Võ Mếch; đến năm 2007, cụ Trắp qua đời; nên ông khởi kiện yêu cầu Tòa án công nhận quyền quản lý, sử dụng đối với diện tích đất trên cho ông theo di chúc của cụ Trắp…
- Bị đơn: Ông Võ Xứng, sinh năm 1935, có người đại diện theo ủy quyền là ông Võ Văn Hiếu, sinh năm 1963, cùng trú ở xã Xuân Hải, thị xã Sông Cầu và người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị đơn là ông Lưu Ngọc Cư – Luật sư trình bày: Thống nhất nguồn gốc diện tích đất tranh chấp như nội dung nguyên đơn trình bày; tuy nhiên, cố Kiên lập chúc ngôn cho cụ Võ Ngạo để thờ cúng theo tập tục truyền tử lưu tôn; nên năm 2003, cụ Trắp lập di chúc để lại toàn bộ diện tích 1.350m2 đất cho ông Võ Mếch là không đúng với chúc ngôn của cố Kiên; Năm 1998, cụ Trắp và 06 người con có thỏa thuận ông Mếch về xây dựng nhà ở trên diện tích 1.050,8m2 đất, tại thửa 369, tờ bản đồ 37 (ở gần đó) của cụ Ngạo và cụ Trắp nhận chuyển nhượng từ người khác; ông Xứng và Hiếu (con trai ông Xứng) về xây dựng nhà ở trên diện tích 1.350m2 đất đang tranh chấp, nên đề nghị Tòa án bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, công nhận diện tích đất tranh chấp thuộc quyền quản lý, sử dụng của bị đơn để thờ cúng…
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 24/2017/DSST ngày 14/11/2017 của TAND thị xã Sông Cầu đã tuyên xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, công nhận di chúc của cụ Phan Thị Trắp có hiệu lực…
Không đồng ý với một phần nội dung Bản án sơ thẩm đã tuyên, trong thời hạn luật định, VKSND tỉnh Phú Yên đã ban hành kháng nghị đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên xét xử phúc thẩm, theo hướng hủy phần giải quyết tranh chấp di sản thừa kế đối với quyền sử dụng 1.350m2 đất của Bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho Tòa án nhân dân thị xã Sông Cầu giải quyết lại, vì cho rằng:
- Năm 1959, cố Kiên lập chúc ngôn để lại cho con trai là cụ Võ Ngạo diện tích 1.350m2 đất, thuộc thửa số 176 (đang tranh chấp) có chữ ký của cụ Ngạo và cụ Trắp, có sự xác nhận của chính quyền địa phương; căn cứ Điều 634 và 635 BLDS năm 2015, thì di chúc của cố Kiên là hợp pháp.
- Năm 1963, cố Kiến chết, nên quyền sử dụng diện tíchđất tranh chấp là di sản thừa kế của cụ Ngạo và cụ Trắp (Điều 100 Luật Đất đai năm 2013). Thời điểm cố Kiên lập di chúc, cụ Ngạo và cụ Trắp đã là vợ chồng hợp pháp, nên theo Điều 15 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959 quy định “Vợ chồng đều có quyền sở hữu, hưởng thụ và sử dụng ngang nhau đối với tài sản có trước và sau khi cưới”.
- Năm 1966, cụ Ngạo chết không để lại di chúc, nên phần di sản của cụ Ngạo để lại được chia theo pháp luật. Mặc dù từ năm 1966 đến năm 2003, cụ Trắp là người quản lý, sử dụng diện tích đất này (trong đó có phần di sản của cụ Ngạo để lại); Căn cứ Điều 36 Pháp lệnh Thừa kế số 44 ngày 30/8/1990 của Hội đồng Nhà nước quy định: Đối với các việc thừa kế đã mở trước ngày ban hành Pháp lệnh này, thì thời hiệu mở thừa kế được tính từ ngày công bố Pháp lệnh này (là ngày 10/9/1990).
Như vậy, thời hiệu mở thừa kế của cụ Ngạo được tính từ ngày 10/9/1990; đối chiếu Điều 623 BLDS năm 2015 quy định: “Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế”. Tuy nhiên, ngày 23/01/2003, cụ Trắp đã lập di chúc để lại toàn bộ diện tích đất tranh chấp cho ông Võ Mếch, trong khi thời hiệu để những người thừa kế khác yêu cầu chia di sản của cụ Ngạo để lại vẫn còn, nên di chúc của cụ Trắp không hợp pháp vì đã xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của những người thừa kế theo pháp luật khác của cụ Ngạo.
Đáng chú ý, đây là lần thứ 2 TAND tỉnh Phú Yên xét xử phúc thẩm đối với vụ án này; trước đó vào năm 2016, TAND tỉnh Phú Yên đã xét xử phúc thẩm (lần thứ nhất) cũng đã tuyên hủy toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm (lần thứ nhất) của TAND tx Sông Cầu vì chưa thu thập hết các dữ liệu để làm căn cứ giải quyết vụ án và phát sinh một số tình tiết mới mà cấp phúc thẩm không thể khắc phục được.
Hồng Lê