Mới đây, VKSND huyện Phú Hòa phối hợp với TAND cùng cấp mở phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án dân sự có số hóa hồ sơ đối với vụ án Tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn ông Nguyễn Văn Ý (SN 1985) và bị đơn ông Phạm Ngọc Thắng (SN 1966) và bà Phạm Thị Hoa (SN 1968) cùng trú tại thôn Phụng Tường 1, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa.
Hình ảnh phiên tòa số hóa hồ sơ trình chiếu chứng cứ
Nội dung vụ án: Ngày 7/5/2005, ông Nguyễn Văn Ý có nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của vợ chồng ông Phạm Ngọc Hải và bà Nguyễn Thị Nhánh, với diện tích đất 216,3m2, tọa lạc tại thôn Phụng Tường 1, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa với giá chuyển nhượng là 4,5 lượng vàng y, ông Ý đã giao đủ vàng, việc chuyển nhượng hai bên có lập hợp đồng nhưng không có công chứng, chứng thực theo quy định. Về nguồn gốc đất vợ chồng ông Hải, bà Nhánh nhận chuyển nhượng của ông Phạm Tấn Son và ông Phạm Trương (cha ông Son) nhiều lần với tổng diện tích là 216,3m2. Sau khi nhận chuyển nhượng lại từ vợ chồng ông Hải, bà Nhánh, ông Ý có trồng rau lang và chuối, nhưng chưa đăng ký kê khai với chính quyền địa phương, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Lợi dụng lúc ông Ý đi làm ăn xa, vợ chồng ông Phạm Ngọc Thắng, bà Phạm Thị Hoa đã lấn chiếm toàn bộ diện tích đất nêu trên của ông Ý, nên ông khởi kiện yêu cầu ông Thắng, bà Hoa trả lại diện tích 216,3m2 đất đã lấn chiếm.
Bị đơn cho rằng: Nguồn gốc đất mà gia đình bị đơn đang quản lý sử dụng là thuộc quyền sử dụng bà Phan Thị Bác (bà nội bị đơn), từ nhỏ bị đơn ở với bà nội, khi bà mất bị đơn tiếp tục quản lý sử dụng diện tích đất này, bị đơn không có giấy tờ gì để chứng minh bà nội cho bị đơn toàn bộ diện tích đất này và chưa đăng ký kê khai với chính quyền địa phương, toàn bộ diện tích đất này do ông Phạm Trương (bác ruột bị đơn) đứng ra đăng ký, kê khai.
Tại phiên tòa, Kiểm sát viên đã kiểm sát chặt chẽ việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án, các đương sự và những người tham gia phiên tòa. Trên cơ sở nắm chắc nội dung vụ án, các văn bản có liên quan, kết hợp việc trình chiếu tài liệu chứng cứ bằng hình ảnh, Kiểm sát viên chủ động đặt ra nhiều câu hỏi làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án, giúp Hội đồng xét xử nhận định, đánh giá toàn diện, từ đó phát biểu quan điểm giải quyết vụ án có căn cứ và thuyết phục.
Căn cứ các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử chấp nhận quan điểm đề nghị của đại diện Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Việc tổ chức phiên tòa số hóa, công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa dân sự đã mang lại hiệu quả, phục vụ tốt cho hoạt động kiểm sát xét xử tại phiên tòa, bảo đảm tính thuyết phục trong quá trình hỏi và phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa, đồng thời, nhận được sự đồng tình và ủng hộ của những người tham dự. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự cũng như đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Kiểm sát nhân dân.
Thu Trang