Đ/c Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu tại
Lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam và Khai giảng Khóa I ĐHKS HN.
Ngày 20/11/2013, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 - 11 và Khai giảng Khóa I, Đại học Kiểm sát Hà Nội. PGS - TS Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao dự và chủ trì buổi lễ. Cùng dự có đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng Thường trực Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các đồng chí Phó Viện trưởng: Trần Phước Tới, Nguyễn Thị Thủy Khiêm, Lê Hữu Thể, Trần Công Phàn, Nguyễn Hải Phong, Bùi Mạnh Cường. Đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ban Giám hiệu Nhà trường, cán bộ, công chức, giảng viên, viên chức và toàn thể sinh viên Khóa I, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội tham dự buổi lễ.
Đ/c Phạm Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐHKSHN trình bày Diễn văn
Lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam và Khai giảng khóa I Đại học Kiểm sát Hà Nội.
Diễn văn tại Lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam và Khai giảng Khóa I Đại học Kiểm sát Hà Nội do Tiến sỹ Phạm Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Kiểm Hà Nội sát nêu rõ, Trường Đại học kiểm sát Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 614/QĐ-TTg, ngày 24/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát, trước đây là Cao đẳng Kiểm sát, với nhiệm vụ đào tạo trình độ đại học, sau đại học để cung cấp nguồn nhân lực cho ngành Kiểm sát; đào tạo nghiệp vụ Kiểm sát nhằm nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, công chức ngành Kiểm sát theo quy định của pháp luật; tổ chức hoạt động khoa học và công nghệ để xây dựng hoàn thiện chương trình, giáo trình, tài liệu phục vụ các nhiệm vụ trình độ đại học, sau đại học, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân. Đến nay, Trường đã có hơn 43 năm xây dựng và phát triển. Những thành tích đáng tự hào của Nhà trường đạt được trong quá trình xây dựng và phát triển có sự đóng góp to lớn của các thế hệ thầy, cô giáo qua các thời kỳ. Phát huy truyền thống đó, tập thể giảng viên, công chức, viên chức nhà trường đã và đang cố gắng, nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhằm đáp ứng nguồn nhân lực có chất lượng cao cho ngành Kiểm sát và xã hội. Để ghi nhận thành tích đó, Hội đồng thi đua nhà trường đã xét Quyết định công nhận 17 giảng viên đạt danh hiệu “Giảng viên giỏi” năm 2013.
Đ/c Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng VKSND tối cao tặng hoa chúc mừng
Lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam và Khai giảng khóa I Đại học Kiểm sát Hà Nội.
Đ/c Nguyễn Thị Thủy Khiêm, Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng VKSND
tối cao tặng hoa chúc mừng Lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam
và Khai giảng khóa I Đại học Kiểm sát Hà Nội.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình Khẳng định: Hơn 43 năm qua, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội với các tên gọi khác nhau, tiền thân là Cao đẳng Kiểm sát đã có những đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp của Ngành, sự nghiệp bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa. Với việc thành lập Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội và khai giảng Khóa I, Đại học Kiểm sát Hà Nội sẽ mở ra mốc quan trọng mới, chủ động trong việc tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cao của Ngành. Về nhiệm vụ công tác trọng tâm của Nhà trường trong thời gian tới, Đồng chí Viện trưởng chỉ đạo: Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, hướng tới mục tiêu trở thành Trường Đại học ứng dụng tiên tiến, đào tạo thực hành chất lượng, phát triển kỹ năng và sáng tạo của người học, đáp ứng nhu cầu bổ sung cho ngành Kiểm sát, đem lại hiệu quả phục vụ cho hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp theo chức năng, nhiệm vụ của Ngành. Phấn đấu giai đoạn 2013 - 2016: Đào tạo cử nhân Luật gồm các chuyên Ngành: Kiểm sát; Tội phạm học; Điều tra tội phạm; từ năm 2018: Đào tạo thạc sỹ luật và sau đó có thể đào tạo cấp học cao hơn với chuyên môn sâu hơn. Bên cạnh đó vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng công chức ngành Kiểm sát theo quy định của Chính phủ. Triển khai nhiệm vụ nghiên cứu khoa học để xây dựng và hoàn thiện chương trình, giáo trình, trước mắt tập trung xây dựng các giáo trình chuyên ngành Kiểm sát, tài liệu phục vụ các nhiệm vụ đào tạo Đại học, Thạc sỹ, và bồi dưỡng nghiệp vụ. Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng thành tựu khoa học công nghẹ gắn liền với nghiên cứu và tổng kết thực tiễn công tác kiểm sát; gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học; thu hút cán bộ, sinh viên tham gia vào các hoạt động nghiên cứu trường. Có lộ trình và kế hoạch cụ thể để bổ sung hợp lý về cơ cấu, nâng cao cả chất lượng năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực tổ chức quản lý, ý thức trách nhiệm, lập trường quan điểm đạo đức Nhà giáo cho đội ngũ cán bộ, giảng viên; phấn đấu tăng nhanh tỷ lệ giảng viên có trình độ cao. Chăm lo đến đời sống tinh thần và vật chất, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, giảng viên, công chức, viên chức nhằm động viên, khích lệ sự đoàn kết, gắn bó xây dựng Trường trở thành một Trường Đại học vững mạnh toàn diện về mọi mặt. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình lưu ý, bên cạnh việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tăng cường hơn nữa công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho cán bộ, giảng viên, thực hiện tốt cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương về đạo đức tự học và sáng tạo”, phấn đấu mỗi cán bộ quản lý có một sáng kiến, mỗi giảng viên có một đổi mới về phương pháp dạy và học đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển của ngành Kiểm sát nhân dân trong tiến trình cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.
Đ/c Phạm Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐHKSHN trao
Giấy khen công nhận 17 giảng viên đạt danh hiệu “Giảng viên giỏi” năm 2013.
Các đại biểu dự Lễ kỷ niệm
(Nguồn: VKSNDTC).