Ngày 19/12/2024, VKSND tối cao tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2025 của ngành Kiểm sát nhân dân. Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dự và chỉ đạo Hội nghị.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Đại biểu khách mời tham dự Hội nghị có đồng chí Trần Quốc Vượng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Đồng chí Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; đồng chí Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; đồng chí Phạm Gia Túc, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; đồng chí Nguyễn Hữu Đông, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu khai mạc Hội nghị
Cùng dự Hội nghị có các đồng chí Lãnh đạo đại diện cho các Bộ, ban, ngành Trung ương, gồm: Bộ Công an; Văn phòng Quốc hội; Bộ Tư pháp; Thanh tra Chính phủ; Kiểm toán Nhà nước; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Ban Thi đua, khen thưởng Trung ương; Ban Tổ chức Trung ương; Văn phòng Chủ tịch nước...
Đại biểu tham dự Hội nghị
Đại biểu ngành Kiểm sát nhân dân tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao; các đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao: Đồng chí Nguyễn Duy Giảng, đồng chí Nguyễn Quang Dũng, đồng chí Trung tướng Tạ Quang Khải, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương, đồng chí Hồ Đức Anh. Cùng dự có các đồng chí nguyên Lãnh đạo VKSND tối cao qua các thời kỳ; Kiểm sát viên VKSND tối cao; Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy VKSND tối cao; Lãnh đạo cấp Vụ và tương đương, Kiểm sát viên cao cấp, Điều tra viên cao cấp, Kiểm tra viên cao cấp, chuyên viên cao cấp các đơn vị thuộc VKSND tối cao; các đồng chí Lãnh đạo, Chánh Văn phòng, Kiểm sát viên, công chức thuộc VKSND cấp cao, Viện kiểm sát cấp tỉnh, cấp huyện và Viện kiểm sát quân sự các cấp trong toàn Ngành...
Đại biểu tham dự Hội nghị
Đại biểu tham dự Hội nghị Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến, nối từ điểm cầu VKSND tối cao đến hơn 800 điểm cầu trong toàn Ngành.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Viện trưởng VKSND tối cao cho biết, năm 2024, trên phạm vi cả nước, tình hình an ninh chính trị cơ bản được bảo đảm, tuy nhiên tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp và tăng so với cùng kỳ năm 2023, tiếp tục phát sinh nhiều loại tội phạm với phương thức, thủ đoạn mới, hoạt động có tổ chức, núp bóng doanh nghiệp, sử dụng công nghệ thông tin... Trong bối cảnh đó, toàn ngành Kiểm sát nhân dân đã có nhiều nỗ lực, giải pháp, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để đấu tranh phòng chống tội phạm, giải quyết tốt các tranh chấp, khiếu kiện trong lĩnh vực hành chính, vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, góp phần giữ gìn an ninh, an toàn xã hội, phát triển đất nước. Từ đó, năm 2024, toàn Ngành đã hoàn thành đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, năm sau cao hơn năm trước.
Để đạt được những thành tích trên, ngành Kiểm sát nhân dân đã nhận được sự quan tâm của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương và sự phối hợp của các cơ quan của Quốc hội, các ban, bộ, ngành Trung ương, các cơ quan tư pháp, đặc biệt là sự chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của đồng chí Chủ tịch Quốc hội.
Hội nghị triển khai công tác năm 2025 được tổ chức nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được, những kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế, xác định nguyên nhân và đề ra giải pháp khắc phục nhằm hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu Quốc hội giao và nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao cho Ngành.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và đồng chí Trần Quốc Vượng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư chụp ảnh lưu niệm với Lãnh đạo VKSND tối cao
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và đồng chí Trần Quốc Vượng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư chụp ảnh lưu niệm với Lãnh đạo VKSND tối cao, Lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, nguyên Lãnh đạo VKSND tối cao qua các thời kỳ và Kiểm sát viên VKSND tối cao
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và đồng chí Trần Quốc Vượng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư chụp ảnh lưu niệm với Lãnh đạo VKSND tối cao, Lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, nguyên Lãnh đạo VKSND tối cao qua các thời kỳ, Kiểm sát viên VKSND tối cao và Thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng Viện cấp cao 1, 2, 3
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được xem video clip tóm tắt kết quả công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2024. Theo đó, Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao đã quán triệt, chỉ đạo toàn Ngành tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị, các kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; ban hành các nghị quyết chuyên đề, nhiều kế hoạch và văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, của Quốc hội về cải cách tư pháp, kiểm soát quyền lực, sắp xếp tinh gọn bộ máy và thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKSND.
Toàn Ngành thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết án hình sự; xác định “chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm” là nhiệm vụ trọng tâm; cẩn trọng, “không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự và ngược lại”; tăng cường trách nhiệm công tố, gắn công tố với điều tra, bảo đảm các nguyên tắc của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự.
Đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao điều hành phần tham luận tại Hội nghị
Trong công tác kiểm sát hoạt động tư pháp, ngay từ đầu năm, VKSND tối cao đã ban hành Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ đột phá nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự; kiểm sát chặt chẽ bản án, quyết định của Tòa án, việc kháng nghị có tính thuyết phục cao; chú trọng rút kinh nghiệm đối với Viện kiểm sát cấp dưới trong phát hiện vi phạm để thực hiện quyền kháng nghị.
Đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu tại Hội nghị
Về hoạt động của Cơ quan điều tra VKSND tối cao, đơn vị đã chủ động đề ra biện pháp nâng cao chất lượng công tác, góp phần chấn chỉnh hoạt động của các cơ quan tư pháp bảo đảm thực thi đúng pháp luật; phòng ngừa vi phạm, tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp; tăng cường công tác phối hợp giữa Cơ quan điều tra VKSND tối cao với các đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKSND các cấp.
Toàn cảnh Hội nghị
Xác định công tác cán bộ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, quyết định chất lượng công tác của toàn Ngành, Ban cán sự đảng VKSND tối cao đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc sắp xếp bộ máy “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả” theo yêu cầu của Nghị quyết số 18/NQ-TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và Nghị quyết số 181-NQ/BCSĐ ngày 19/11/2024 của Ban cán sự đảng VKSND tối cao. Tập trung đổi mới, tổ chức nhiều loại hình đào tạo, bồi dưỡng nhằm trang bị kỹ năng chuyên sâu, nâng cao chất lượng trong các lĩnh vực công tác.
Trong công tác thanh tra, kiểm tra, ngành Kiểm sát nhân dân đã tăng cường và kiểm soát việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ, nhiệm vụ; chủ động hơn nữa công tác tự kiểm tra, thanh tra, gắn với thực hiện nghiêm Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở. Coi công tác thanh tra là một trong những biện pháp quan trọng trong quản lý, điều hành của người đứng đầu nhằm phòng chống tham nhũng, tiêu cực; chủ động phát hiện sai phạm của cán bộ trong đơn vị, xử lý nghiêm để làm gương.
Năm 2024, công tác hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp hình sự đạt được nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể: Đã tổ chức nhiều đoàn công tác của Lãnh đạo VKSND tối cao và đón tiếp, làm việc với các đoàn công tác cấp cao, cấp vụ của nước ngoài. Đặc biệt, đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao đã tham dự Hội nghị Viện trưởng Viện kiểm sát, Viện Công tố các nước ASEAN - Trung Quốc lần thứ 14 được tổ chức tại Xinh-ga-po; tổ chức đàm phán thành công 02 Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam với Ma - rốc và Xinh-ga-po, nâng tổng số Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự với các nước lên 33 hiệp định.
Về công tác xây dựng, hướng dẫn thi hành pháp luật, cải cách tư pháp, toàn Ngành tích cực tham gia chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội; tiếp tục xây dựng các Đề án theo yêu cầu của Bộ Chính trị. Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện thể chế các quy chế, quy định, quy trình để VKSND thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.
Trong công tác thi đua khen thưởng, toàn Ngành đã triển khai, thực hiện hiệu quả phong trào thi đua yêu nước với chủ đề “Đoàn kết, đổi mới, vượt khó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2024”. Kết quả, có 03 tập thể, cá nhân được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương độc lập, 02 tập thể, 05 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động; 22 tập thể được nhận Cờ thi đua Chính phủ và 12 tập thể, 15 cá nhân nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với công tác bảo đảm, phục vụ, toàn Ngành chủ động trong việc quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài chính công và tài sản công; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công gắn với việc tuân thủ trình tự, thủ tục về đầu tư và chất lượng công trình.
Trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, VKSND tối cao đã ban hành 02 Kế hoạch tổ chức thực hiện, yêu cầu người đứng đầu các cấp Kiểm sát phải trực tiếp chịu trách nhiệm trong triển khai chuyển đổi số và bảo đảm an toàn, an ninh mạng; ban hành Khung kiến trúc Viện kiểm sát số phiên bản 3.0; triển khai các nền tảng số dùng chung toàn Ngành…
Tiếp theo chương trình Hội nghị, dưới sự điều hành của đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những vấn đề sau: Một số giải pháp nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ; nhận diện những tồn tại, hạn chế và đề ra biện pháp khắc phục; những vấn đề cần lưu ý trong hoạt động kiểm sát hoạt động tư pháp năm 2025; công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy…
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Phòng Truyền thống VKSND tối cao
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Quốc hội thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng, kết quả đạt được cũng như những đóng góp quan trọng của ngành Kiểm sát nhân dân trong năm 2024 vừa qua.
Điểm lại một số kết quả công tác nổi bật của ngành Kiểm sát nhân dân trong năm 2024, đồng chí Chủ tịch Quốc hội đề nghị toàn ngành Kiểm sát phải đổi mới mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa, tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đặt ra trong năm 2025. Trong đó tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt và thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là trong lĩnh vực tư pháp. Chủ động nghiên cứu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư những giải pháp tăng cường năng lực cho Ngành nhằm phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của ngành Kiểm sát trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.
Thứ hai, tiếp tục tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan hữu quan kịp thời xử lý các vụ, việc khiếu kiện đông người, phức tạp, các “điểm nóng”, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tăng cường kiểm sát hoạt động thi hành án dân sự, thi hành án hành chính và kiến nghị xử lý các trường hợp vi phạm trong thi hành. Chủ động kiến nghị, kháng nghị yêu cầu các cơ quan tư pháp khắc phục vi phạm.
Thứ ba, tiếp tục triển khai quyết liệt công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo đúng yêu cầu và tiến độ của Trung ương. Đồng thời, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sau khi sắp xếp, bộ máy tổ chức cán bộ đi vào hoạt động ngay; không để ngắt quãng công việc, khoảng trống về thời gian; không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực; không để ảnh hưởng đến hoạt động tố tụng giải quyết án, giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ.
Thứ tư, thực hiện nghiêm Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội; hoàn thành việc xây dựng dự án Luật Tương trợ tư pháp về hình sự để trình Quốc hội tại kỳ họp diễn ra vào tháng 5/2025.
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin. Tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm công nghệ cao, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài. Chủ động, tích cực trao đổi, đàm phán, ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp hình sự.
Đồng chí Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tin tưởng, với tinh thần đoàn kết, đổi mới, trách nhiệm, kỷ cương, cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Trung ương Đảng và sự ủng hộ, đồng hành của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, ngành Kiểm sát nhân dân sẽ tiếp tục phát huy trí tuệ, bản lĩnh và hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân.
Thay mặt ngành Kiểm sát nhân dân, đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Viện trưởng VKSND tối cao tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch Quốc hội và sẽ cụ thể hoá trong chương trình, kế hoạch hành động trong từng lĩnh vực công tác. Trong thời gian tới, ngành Kiểm sát nhân dân sẽ phát huy kết quả, thành tích đã đạt được và khắc phục những hạn chế, tồn tại để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao nhấn mạnh, năm 2025 là năm đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, cũng là năm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Đồng chí yêu cầu yêu cầu toàn Ngành tiếp tục thực hiện phương châm "Đoàn kết, trách nhiệm - kỷ cương, liêm chính - bản lĩnh, hiệu quả", phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, vượt qua thử thách, đề ra các giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến thực chất, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành.
Trong đó, đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao yêu cầu toàn Ngành triển khai thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm đã được nêu trong Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 12/12/2024 về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2025.
Đồng chí tin tưởng với sự cố gắng, nỗ lực của toàn thể Lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động, ngành Kiểm sát nhân dân sẽ đạt được thành tích cao trong năm 2025, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Viện trưởng VKSND tối cao tặng hoa chúc mừng đồng chí Lê Ngọc Hồng, nguyên Viện trưởng VKSND tỉnh Ninh Bình và đồng chí Vũ Văn Diến, nguyên Viện trưởng VKSND tỉnh Lâm Đồng nghỉ hưu theo chế độ
Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Viện trưởng VKSND tối cao trao Cờ thi đua của Chính phủ cho các tập thể
Đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao trao Cờ thi đua ngành Kiểm sát nhân dân cho các tập thể
Đồng chí Trung tướng Tạ Quang Khải, Phó Viện trưởng VKSND tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương trao Cờ thi đua ngành Kiểm sát nhân dân cho các tập thể
Trước đó, VKSND tối cao đã tổ chức Lễ trao tặng các danh hiệu thi đua năm 2024. Tại buổi Lễ, đồng chí Nguyễn Như Hùng, Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng VKSND tối cao công bố Quyết định số 1594/QĐ-TTg và số 1595/QĐ-TTg ngày 18/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tặng Cờ thi đua của Chính phủ năm 2024 cho 22 tập thể trong ngành Kiểm sát nhân dân; Quyết định số 05/QĐ-VKSTC ngày 16/12/2024 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc tặng Cờ thi đua của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2024 cho 31 tập thể.
Nguồn: VKSNDTC