Ngày 21/6/2018, đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng Thường trực Viện kiểm sát nhân dân tối cao dự và chỉ đạo Hội nghị tập huấn Quy chế tiếp nhận, thu thập, quản lý, xử lý và giải quyết nguồn tin về tội phạm thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Quy chế 565).
Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến, nối từ điểm cầu Viện kiểm sát nhân dân tối cao đến các điểm cầu trong toàn Ngành. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao; lãnh đạo, Điều tra viên, công chức nghiệp vụ Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao; lãnh đạo Viện, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên các Viện nghiệp vụ thuộc các Viện cấp cao; lãnh đạo Viện, lãnh đạo phòng nghiệp vụ, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên các phòng nghiệp vụ Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện.
Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao Nguyễn Hải Phong phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Tiến Sơn, Thủ trưởng Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình bày báo cáo một số nội dung cơ bản của Quy chế 565 ngày 29/12/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tiếp nhận, thu thập, quản lý, xử lý và giải quyết nguồn tin về tội phạm thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Theo đó, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao là một trong các Cơ quan điều tra chuyên trách, có thẩm quyền điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp. Việc phát hiện, xử lý kịp thời vi phạm, tội phạm xảy ra trong lĩnh vực này có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần làm trong sạch bộ máy tư pháp, xây dựng nền tư pháp vững mạnh, hiệu quả, phục vụ công lý, phục vụ nhân dân.
Tố giác, tin báo về tội phạm (nguồn tin về tội phạm) có vị trí quan trọng, là “đầu vào” cho toàn bộ quá trình tố tụng hình sự, là căn cứ để khởi tố, điều tra các vụ án hình sự. Ngày 14/4/2011, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Quy chế 116 về tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền giải quyết của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Qua 07 năm thực hiện, Quy chế 116 đã phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Ngành; nhiều đơn vị, địa phương đã chủ động, tích cực cung cấp thông tin về tội phạm cho Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao; số lượng, chất lượng hoạt động của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao ngày càng được nâng lên.
Đồng chí Nguyễn Tiến Sơn, Thủ trưởng Cơ quan điều tra VKSND tối cao
trình bày báo cáo tại Hội nghị
Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014; Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015; Luật thi hành tạm giữ, tạm giam và các văn bản pháp luật khác cũng có nhiều quy định mới về thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, thẩm quyền kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của Viện kiểm sát, của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, của Công an cấp xã,... cần phải được cụ thể hóa để nhận thức thống nhất và tổ chức thực hiện có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra VKSND tối cao trong tình hình mới. Do đó, ngày 29/12/2017, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ký Quyết định số 565/QĐ-VKSTC ban hành Quy chế tiếp nhận, thu thập, quản lý, xử lý và giải quyết nguồn tin về tội phạm thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Quy chế 565) để thay thế Quy chế 116.
Quy chế 565 gồm 07 chương, 28 điều (tăng 01 chương, 05 Điều so với Quy chế 116), cụ thể:
- Chương I. Những quy định chung, gồm 07 Điều, bổ sung nhiều nội dung mới, như: Đối tượng áp dụng (Điều 2); Giải thích về các từ ngữ: Tiếp nhận, thu thập, quản lý, xử lý nguồn tin về tội phạm và thông tin về tội phạm (Điều 3); thẩm quyền mới về giải quyết nguồn tin về tội phạm (Điều 4); thủ tục đối với người phạm tội tự thú (Điều 6); phát hiện, thu thập thông tin về tội phạm (Điều 7).
- Chương II. Công tác tiếp nhận, thu thập, quản lý, xử lý và giải quyết nguồn tin về tội phạm của Cơ quan điều tra VKSND tối cao (từ Điều 8 đến Điều 11) quy định các hoạt động nghiệp vụ của Cơ quan điều tra VKSND tối cao trong công tác tiếp nhận, thu thập, quản lý, xử lý và giải quyết nguồn tin về tội phạm. Bổ sung một số điểm mới, như: Quy định các hình thức tiếp nhận nguồn tin về tội phạm (Điều 8) để phù hợp với quy định của Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015; quy định về việc tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm (Điều 11) để phù hợp với quy định của BLTTHS năm 2015.
- Chương III. Trách nhiệm và công tác phối hợp giữa các đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKSND cấp cao với Cơ quan điều tra VKSND tối cao trong việc tiếp nhận, thu thập, quản lý, xử lý và giải quyết nguồn tin về tội phạm (Điều 12 đến Điều 18): Bổ sung một số điểm mới, như: trách nhiệm và công tác phối hợp với VKSND cấp cao (Điều 12, 18), với Phòng Quản lý án hình sự thuộc Văn phòng VKSND tối cao (Điều 16).
- Chương IV. Trách nhiệm và công tác phối hợp giữa VKSND cấp tỉnh, VKSND cấp huyện, VKSQS các cấp với Cơ quan điều tra VKSND tối cao trong việc tiếp nhận, thu thập, quản lý, xử lý và giải quyết nguồn tin về tội phạm (Điều 19 đến Điều 22). Bổ sung một số điểm mới, như: Trách nhiệm và công tác phối hợp của VKSQS các cấp, của VKSND cấp tỉnh trong việc tiếp nhận, thu thập nguồn tin về tội phạm xảy ra tại Công an cấp xã, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, Cảnh sát biển, Kiểm ngư, các cơ quan của Công an nhân dân, các cơ quan khác trong Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (Điều 19). Trong đó VKSND cấp tỉnh, VKSQS trung ương là đầu mối tổng hợp, quản lý tình hình xảy ra trong phạm vi quản lý của mình để cung cấp cho Cơ quan điều tra VKSND tối cao.
- Chương V. Công tác báo cáo, thống kê, kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ, gồm 02 Điều (Điều 23, 24). Bổ sung một số điểm mới, như: sơ kết, tổng kết, tập huấn nghiệp vụ công tác tiếp nhận, thu thập, quản lý, xử lý và giải quyết nguồn tin về tội phạm để phù hợp với quy định của Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015.
- Chương VI. Khen thưởng và xử lý vi phạm (Điều 25, 26).
- Chương VII. Điều khoản thi hành (Điều 27, 28).
Cũng tại Hội nghị, Thủ trưởng Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Tiến Sơn giải đáp một số khó khăn, vướng mắc của các đơn vị, địa phương trong việc tổ chức thực hiện Quy chế 565 ngày 29/12/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Một số hình ảnh tại các điểm cầu:
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng Thường trực Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhấn mạnh, Quy chế 565 về tiếp nhận, thu thập, quản lý, xử lý và giải quyết nguồn tin về tội phạm thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao là văn bản pháp lý quan trọng, cụ thể hóa nhiều quy định mới của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự và các văn bản pháp luật khác; trong đó có quy định mới về thẩm quyền của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao; đồng thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về trình tự, thủ tục, trách nhiệm và công tác phối hợp giữa Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Viện kiểm sát các cấp trong việc tiếp nhận, thu thập, quản lý, xử lý và giải quyết nguồn tin về tội phạm thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Đồng chí Phó Viện trưởng Thường trực đề nghị đại biểu tham dự Hội nghị phát huy tinh thần dân chủ, thảo luận, đóng góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm giải quyết khó khăn, vướng mắc nhằm tổ chức thực hiện Quy chế 565 đạt hiệu quả cao.
Nguồn: VKSNDTC