Thứ Hai, 23/12/2024 12:29 CH

Bài giảng của GS, TS., Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh về Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015

Tiếp theo loạt bài giới thiệu nội dung cơ bản, những điểm mới, quan trọng của các đạo luật về lĩnh vực tư pháp, vừa được Quốc hội khóa 13 thông qua tại Kỳ họp thứ 10; sau đây là phần lược ghi bài giảng của Giáo sư, Tiến sĩ, Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng C19 Bộ Công an về nội dung cơ bản của Luật thi hành tạm giữ, tạm giam, sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7 tới đây.


Ngày 25/11/2015, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật thi hành tạm giữ, tạm giam, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2016. Luật thi hành tạm giữ, tạm giam có 11 chương, 73 điều quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục thi hành tạm giữ, tạm giam; tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thi hành tạm giữ, tạm giam.


I. Sự cần thiết của việc ban hành Luật thi hành tạm giữ, tạm giam


- Quy định của pháp luật hiện hành về chế độ quản lý giam giữ đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam chưa cụ thể (đặc biệt là việc thăm gặp thân nhân, người bào chữa của người bị tạm giữ, người bị tạm giam và việc thực hiện các quyền nhân thân của họ nếu không bị hạn chế bởi biện pháp tạm giữ, tạm giam, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tạm giữ, tạm giam…);


- Chế độ ăn, mặc, ở, khám chữa bệnh đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam còn chưa phù hợp với điều kiện thực tế;


- Chưa có quy định về chế độ đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người chưa thành niên, phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người đồng tính hoặc người có khiếm khuyết về giới tính;


- Chưa có quy định cụ thể về việc cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam mang quốc tịch nước ngoài tiếp xúc lãnh sự; việc phân loại giam giữ theo quy định của Nghị định số 89/1998/NĐ-CP ngày 07/11/1998 rất khó để bảo đảm thực hiện được trong thực tế;


- Việc quản lý người bị kết án tử hình gặp nhiều khó khăn do chưa có cơ chế phù hợp; tổ chức bộ máy và cơ chế quản lý trại tạm giam, nhà tạm giữ được điều chỉnh bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, còn chưa có sự thống nhất, gây khó khăn cho công tác quản lý, chỉ huy, chỉ đạo;


II. Quan điểm chỉ đạo


Luật thi hành tạm giữ, tạm giam được xây dựng trên cơ sở các quan điểm chỉ đạo sau đây:


1. Quán triệt và thể chế hoá chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, chính sách của Nhà nước về thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam; đặt trong tổng thể và bảo đảm đồng bộ với quá trình cải cách bộ máy nhà nước, cải cách tư pháp, cải cách hành chính ở nước ta.


2. Tổng kết đầy đủ và toàn diện các quy định của pháp luật về quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam ở nước ta trong những năm qua; kế thừa các quy định còn phù hợp, khắc phục những tồn tại, bất cập, hạn chế, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam hiện nay và trong những năm tiếp theo.


3. Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; bảo đảm các quy định của Luật thi hành tạm giữ, tạm giam có tính khả thi.


4. Tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm pháp luật và thực tiễn quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam của một số nước phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam; bảo đảm phù hợp với pháp luật, thông lệ và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.


III. Bố cục và những nội dung cơ bản của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015


1. Bố cục của Luật


Luật thi hành tạm giữ, tạm giam gồm có 11 chương, 73 điều, trong đó:


Chương I. Quy định chung gồm 09 điều (từ Điều 1 đến Điều 9);


Chương II. Hệ thống tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam gồm 06 điều (từ Điều 10 đến Điều 15);


Chương III. Chế độ quản lý giam giữ gồm 11 điều (từ Điều 16 đến Điều 26);


Chương IV. Chế độ của người bị tạm giữ người bị tạm giam gồm 05 điều (từ Điều 27 đến Điều 31);


Chương V. Chế độ đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi gồm 04 điều (từ Điều 32 đến Điều 35);


Chương VI. Chế độ đối với người bị kết án tử hình đang bị tạm giam gồm 02 điều (Điều 36 và Điều 37);


Chương VII. Bảo đảm điều kiện quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam gồm 04 điều (từ Điều 38 đến Điều 41);


Chương VIII. Kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam gồm 02 điều (Điều 42 và Điều 43);


Chương IX. Khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam gồm 2 mục với 18 điều (từ Điều 44 đến Điều 61), cụ thể như sau:


Mục 1. Khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam gồm 12 điều (từ Điều 44 đến Điều 55);


Mục 2. Tố cáo và giải quyết tố cáo trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam gồm 06 điều (từ Điều 56 đến Điều 61).


Chương X. Trách nhiệm trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam gồm 10 điều (từ Điều 62 đến Điều 71);


Chương XI. Điều khoản thi hành gồm 02 điều (Điều 72 và Điều 73).


2. Những nội dung mới cơ bản của Luật thi hành tạm giữ, tạm giam


Về quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam (Điều 9)


Trong các văn bản pháp luật trước đây về quy chế tạm giữ, tạm giam chưa có quy định rõ ràng, cụ thể về quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam. Do vậy, đã nảy sinh nhiều vướng mắc trong thực tiễn thi hành công tác tạm giữ, tạm giam và cũng chưa có cơ sở để bảo đảm tốt hơn quyền của người bị tạm giữ, tạm giam mà họ đáng được hưởng. Để khắc phục những vướng mắc, bất cập đó, trong Luật thi hành tạm giữ, tạm giam đã quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong quản lý giam giữ. Qua nghiên cứu, thảo luận Quốc hội cho rằng, quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam hiện nay được quy định ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau và cũng đang có sự sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, như Luật khám, chữa bệnh quy định về việc không cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh cho người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự (trong đó có người bị tạm giữ, người bị tạm giam); Luật việc làm quy định về chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp đối với người đang bị tạm giam; Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân mới bổ sung quy định về quyền bầu cử của người bị tạm giữ, người bị tạm giam; Luật Bảo hiểm xã hội quy định về việc tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người bị tạm giam; Bộ luật dân sự quy định về quyền nhân thân, quyền tài sản của công dân (trong đó bao gồm cả người bị tạm giữ, người bị tạm giam)... Do đó, việc liệt kê tất cả các quyền của người bị tạm giữ, người bị tạm giam được hưởng hoặc bị hạn chế đã được quy định trong các luật, bộ luật hiện hành vào Luật thi hành tạm giữ, tạm giam là không khả thi, dẫn đến trùng lặp, chồng chéo và cũng không bảo đảm tính linh hoạt khi phải sửa đổi, bổ sung.


Trên cơ sở đó, tại Điều 9 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam đã quy định cụ thể về những quyền cơ bản nhất của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, còn một số quyền khác được quy định mang tính nguyên tắc được thực hiện nếu không bị hạn chế bởi Luật này hoặc các Luật khác có liên quan (hiện nay quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam được quy định ở nhiều văn bản luật khác nhau và cũng đang có sự sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện, tình hình mới. Theo đó:


- Người bị tạm giữ, người bị tạm giam có quyền: Được bảo vệ an toàn tính mạng, thân thể, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm; được phổ biến các quyền và nghĩa vụ của mình, nội quy của cơ sở giam, giữ; được thực hiện quyền bầu cử theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân theo quy định của Luật trưng cầu ý dân; được bảo đảm chế độ ăn, ở, mặc, đồ dung sinh hoạt cá nhân, chăm sóc y tế, sinh hoạt tinh thần, gửi, nhận thư, nhận quà, nhận sách, báo, tài liệu; được gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự; được hướng dẫn, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền tự bào chữa nhờ người bào chữa, trợ giúp pháp lý; được gặp người đại diện hợp pháp để thực hiện giao dịch dân sự; được yêu cầu trả tự do khi hết thời hạn tạm giữ, thời hạn tạm giam; được khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật; được bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nếu bị giam, giữ trái pháp luật; được hưởng các quyền các của công dân nếu không bị hạn chế bởi luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp các quyền đó không thể thực hiện được do họ đang bị tạm giữ, tạm giam.


- Người bị tạm giữ, người bị tạm giam có nghĩa vụ: Chấp hành quyết định, yêu cầu, hướng dẫn của cơ quan, người có thẩm quyền quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; chấp hành nội quy của cơ sở giam giữ, quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.


Có thể nói, việc quy định cụ thể về những quyền mà người bị tạm giữ, người bị tạm giam được hưởng, những quyền mà họ bị hạn chế cũng như nghĩa vụ mà họ phải tuân thủ trong quá trình bị tạm giam, tạm giam; đồng thời, xác định rõ các biện pháp để bảo đảm quyền của người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong Luật thi hành tạm giữ, tạm giam là một bước tiến bộ mới của pháp luật nước ta trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền chủ nghĩa xã hội, thực hiện nguyên tắc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân mà Hiến pháp đã đề ra. Đây là sự cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp mới (Hiến pháp năm 2013) về việc bảo đảm hoặc hạn chế quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân trong các trường hợp cần thiết vì lý do an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.


Về chế độ quản lý giam giữ; chế độ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam; chế độ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi; chế độ đối với người người bị kết án tử hình đang bị tạm giam.


Trên cơ sở các nguyên tắc thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam đã được quy định tại Điều 4 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam, tại các Chương III, Chương IV, Chương V, Chương VI đã quy định cụ thể về chế độ quản lý giam giữ, chế độ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, chế độ đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi và chế độ đối với người bị kết án tử hình đang bị tạm giam. Các quy định này nhằm đảm bảo tốt hơn cho việc quản lý giam giữ, phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử và bảo đảm thi hành án; nhưng cũng đồng thời bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam. Cụ thể:


Tại Chương III gồm 11 điều (từ Điều 16 đến Điều 26) quy định về tiếp nhận người bị tạm giữ, người bị tạm giam; hồ sơ quản lý tạm giữ, tạm giam; phân loại quản lý người bị tạm giữ, người bị tạm giam; chế độ quản lý đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam; thực hiện trích xuất người bị tạm giữ, người bị tạm giam; chuyển giao người bị tạm giữ, người bị tạm giam; việc gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự của người bị tạm giữ, người bị tạm giam; kỷ luật người bị tạm giữ, người bị tạm giam vi phạm nội quy của cơ sở giam giữ, chế độ quản lý giam giữ; quản lý đồ vật, tư trang, tiền, tài sản của người bị tạm giữ, người bị tạm giam; giải quyết trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam bỏ trốn; giải quyết trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam chết.


- Về phân loại quản lý người bị tạm giữ, người bị tạm giam (Điều 18)


Qua khảo sát thực tiễn về công tác tạm giữ, tạm giam tại một số địa phương thời gian qua cho thấy, hầu hết các nhà tạm giữ của Công an cấp huyện cũng như buồng tạm giữ trong Trại tạm giam đều có số lượng phòng hạn chế, trong khi đó một số vụ án có số người bị tạm giữ, tạm giam đông thì việc quy định không tạm giữ, tạm giam chung những người trong cùng một vụ án trong mọi trường hợp là rất khó khả thi. Bên cạnh đó, người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người chưa thành niên khi mới bị tạm giữ, tạm giam thường có biểu hiện tâm lý không ổn định thì Nhà tạm giữ, Trại tạm giam vẫn cần bố trí một đến hai người đã thành niên chấp hành tốt kỷ luật, nội quy tạm giữ, tạm giam cùng sinh hoạt với họ để kiểm soát hành vi, khuyên răn, tránh việc họ tự sát hoặc tự gây thương tích cho mình. Do đó, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam đã quy định người bị tạm giữ, người bị tạm giam được bố trí theo khu và phân loại như sau:


Người bị tạm giữ;


- Người bị tạm giam;


- Người dưới 18 tuổi;


- Phụ nữ;


- Người nước ngoài;


- Người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A;


- Người thực hiện hành vi phạm tội có tính chất côn đồ; giết người; cướp tài sản thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; tái phạm nguy hiểm;


- Người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia;


- Người bị kết án tử hình;


- Người đang chờ chấp hành án phạt tù;


- Người thường xuyên vi phạm nội quy của cơ sở giam giữ;


- Người có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình nhưng chưa được giám định, đang chờ kết quả giám định hoặc đang chờ đưa đi cơ sở bắt buộc chữa bệnh.


Không giam giữ chung buồng những người trong cùng một vụ án đang trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, do điều kiện thực tế mà nhà tạm giữ, trại tạm giam không thể đáp ứng được yêu cầu giam giữ riêng hoặc để bảo đảm yêu cầu điều tra, truy tố, xét xử, bảo đảm an toàn cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam thì Trưởng nhà tạm giữ, Giám thị trại tạm giam, Trưởng buồng tạm giữ đồn biên phòng phối hợp với cơ quan đang thụ lý vụ án quyết định bằng văn bản những người được giam giữ chung.


Bên cạnh việc phân loại để bố trí giam giữ theo khu như trên, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam còn quy định người bị tạm giữ, người bị tạm giam sau đây có thể được bố trí giam giữ ở buồng riêng:


- Người đồng tính, người chuyển giới;


- Người quy định tại các điểm e, i và m khoản 1 Điều 18 (Người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A; Người bị kết án tử hình; Người có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình nhưng chưa được giám định, đang chờ kết quả giám định hoặc đang chờ đưa đi cơ sở bắt buộc chữa bệnh);


- Phụ nữ có thai hoặc có con dưới 36 tháng tuổi ở cùng.


Như vậy, có thể thấy Luật thi hành tạm giữ, tạm giam đã bổ sung mới 02 đối tượng trong 12 đối tượng được liệt kê ở trên (điểm l và m khoản 1). Luật cũng đã tháo gỡ được khó khăn, bất cập trong phân loại giam giữ đối với người đồng tính, người chuyển giới (điểm a khoản 4).


Về chế độ quản lý đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam (Điều 19)


Theo quy định của Luật thi hành tạm giữ, tạm giam cơ sở giam giữ phải được canh gác, bảo vệ, quản lý, kiểm tra, giám sát 24/24 giờ trong ngày. Người bị tạm giữ phải ở trong buồng tạm giữ; người bị tạm giam phải ở trong buồng tạm giam. Khi có lệnh của thủ trưởng cơ sở giam giữ thì mới được ra khỏi buồng tạm giữ, buồng tạm giam để thực hiện lệnh trích xuất và các hoạt động khác theo quy định tại khoản 5 Điều 20 của Luật này và nội quy của cơ sở giam giữ. Cũng tại Điều này đã quy định cụ thể về các quyền của người bị tạm giữ, người bị tạm giam bị hạn chế khi bị tạm giữ, bị tạm giam, theo đó, người bị tạm giữ, người bị tạm giam bị hạn chế đi lại, giao dịch, tiếp xúc, thông tin, liên lạc, tuyên truyền tín ngưỡng, tôn giáo. Trường hợp cần thiết thực hiện giao dịch dân sự thì phải thông qua người đại diện hợp pháp và được sự đồng ý của cơ quan đang thụ lý vụ án.


Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu thực tế để đảm bảo hiệu quả của công tác điều tra, xử lý vụ án, đồng thời, phù hợp với điều kiện thực tiễn về cơ sở vật chất, kỹ thuật của các cơ sở giam giữ, Điều 19 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam đã quy định về việc điều chuyển người bị tạm giữ, người bị tạm giam giữa các cơ sở giam giữ.


- Về việc gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự của người bị tạm giữ, người bị tạm giam (Điều 22)


Việc người bị tạm giữ, người bị tạm giam được gặp thân nhân trong quá trình bị tam giữ, tạm giam có ý nghĩa quan trọng. Theo quy định của pháp luật hiện hành,


người bị tạm giữ, người bị tạm giam chỉ được gặp thân nhân nếu được cơ quan thụ lý vụ án đồng ý. Quy định này dẫn đến trong nhiều trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam không được gặp thân nhân trong quá trình bị tạm giữ, tạm giam. Tại Điều 22 đã thay thế quy định này bằng quy định người bị tạm giữ được gặp thân nhân một lần trong thời gian tạm giữ, một lần trong mỗi lần gia hạn tạm giữ. Người bị tạm giam được gặp thân nhân một lần trong một tháng; trường hợp tăng thêm số lần gặp hoặc người gặp không phải là thân nhân thì phải được cơ quan đang thụ lý vụ án đồng ý. Thời gian mỗi lần gặp không quá một giờ.


Mặt khác Luật cũng đã quy định cụ thể về thẩm quyền giải quyết thăm gặp (khoản 2); quy định cụ thể các trường hợp Thủ trưởng cơ sở giam giữ hông đồng ý cho thăm gặp, trong đó cũng đã quy định điểm mới về trường hợp này “người đến thăm gặp cố ý vi phạm nội quy của cơ sở giam giữ, chế độ quản lý giam giữ từ hai lần trở lên” (điểm g khoản 4).


- Về kỷ luật người bị tạm giữ, người bị tạm giam vi phạm nội quy của cơ sở giam giữ, chế độ quản lý giam giữ (Điều 23)


Quá trình xây dựng dự án Luật có ý kiến đề nghị cân nhắc lại biện pháp kỷ luật cùm một chân vì biện pháp này quá khắc nghiệt đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam. Tuy nhiên, Quốc hội cho rằng trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam vi phạm kỷ luật, sau khi đã được cách ly mà vẫn có hành vi chống phá quyết liệt cơ sở giam giữ, có biểu hiện tự sát, gây thương tích cho bản thân hoặc xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác thì việc cùm một chân để ngăn ngừa là cần thiết, vừa bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe của họ hoặc người khác, vừa đảm bảo an toàn kỷ cương, sự tuân thủ pháp luật của cơ sở giam giữ. Quy định này là phù hợp và không trái với Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục khác và các công ước quốc tế khác mà Việt Nam là thành viên.


Như vậy Luật đã quy định cụ thể về trường hợp cùm 1 chân hoặc không áp dụng cùm 1 chân. Theo đó, trong 4 trường hợp không quy định cùm chân thì có 02 trường hợp mới được đưa vào Luật được quy định tại khoản 2 Điều 23.


Tại Chương IV gồm 05 điều (từ Điều 27 đến Điều 31), quy định về chế độ ăn, ở của người bị tạm giữ, người bị tạm giam; chế độ mặc và tư trang của người bị tạm giữ, người bị tạm giam; chế độ gửi, nhận thư, sách, báo và tài liệu của người bị tạm giữ, người bị tạm giam; chế độ chăm sóc y tế đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam; chế độ sinh hoạt tinh thần đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam. Đây là những quy định quan trọng về các vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền của người bị tạm giữ, người bị tạm giam nhằm bảo đảm các quyền cơ bản mà người bị tạm giữ, người bị tạm giam được hưởng theo quy định của Hiến pháp. Kế thừa các quy định về chế độ đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam hiện hành còn phù hợp, những vấn đề có thể quy định cụ thể được (ví dụ chế độ ăn) thì Luật thi hành tạm giữ, tạm giam quy định cụ thể và có cơ chế mở giao cho thủ trưởng cơ sở giam giữ căn cứ vào thực tiễn trong từng thời kỳ có thể điều chỉnh, hoán đổi các loại thức ăn cho phù hợp, bảo đảm dinh dưỡng, đủ calo cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo đúng định mức được quy định trong Luật; còn những vấn đề khác Luật thi hành tạm giữ, tạm giam quy định mang tính chung, nguyên tắc về chế độ, còn về chi tiết giao Chính phủ quy định. Cụ thể như sau:


- Về chế độ mặc và tư trang của người bị tạm giữ, người bị tạm giam (Điều 28)


Luật thi hành tạm giữ, tạm giam quy định theo hướng linh hoạt: Trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam, người bị tạm giữ, người bị tạm giam được sử dụng quần áo, chăn, chiếu, màn và các đồ dùng cần thiết cho sinh hoạt của cá nhân; nếu thiếu thì cơ sở giam giữ cho mượn. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam được cấp xà phòng, kem đánh răng; nếu là phụ nữ thì được cấp thêm đồ dùng cần thiết cho vệ sinh của phụ nữ.


Cán bộ trực tiếp quản lý giam giữ có trách nhiệm hướng dẫn, yêu cầu người bị tạm giữ, người bị tạm giam giữ gìn và bảo đảm vệ sinh; thu hồi đồ dùng đã cho mượn khi người bị tạm giữ, người bị tạm giam ra khỏi cơ sở giam giữ.


Luật thi hành tạm giữ, tạm giam giao Chính phủ quy định chi tiết về chế độ mặc và tư trang của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.


Chương V. Chế độ đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi gồm 04 điều (từ Điều 32 đến Điều 35), quy định về phạm vi áp dụng; chế độ ăn, ở và quản lý đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người dưới 18 tuổi; chế độ gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự của người bị tạm giữ, người bị tạm giam; chế độ ăn, ở và quản lý đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi.


Đây là những quy định mang tính nhân đạo sâu sắc, nhằm bảo đảm sức khỏe của người mẹ và bảo đảm sự phát triển bình thường của thai nhi, trẻ em và người dưới 18 tuổi. Theo đó, việc tạm giữ, tạm giam đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi được thực hiện theo quy định tại Chương này và các quy định khác của Luật này. Khi người bị tạm giữ, người bị tạm giam đủ 18 tuổi hoặc phụ nữ có con đủ 36 tháng tuổi trở lên thì chế độ tạm giữ, tạm giam được thực hiện theo quy định chung. Cụ thể như sau:


Về chế độ ăn, ở và quản lý đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người dưới 18 tuổi (Điều 33)


Người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người dưới 18 tuổi được bảo đảm tiêu chuẩn định lượng ăn như người bị tạm giữ, người bị tạm giam đã thành niên và được tăng thêm về thịt, cá nhưng không quá 20% so với định lượng. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người dưới 18 tuổi được bố trí giam giữ riêng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 18 của Luật này.


Về chế độ gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự của người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người dưới 18 tuổi (Điều 34)


Luật thi hành tạm giữ, tạm giam quy định người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người dưới 18 tuổi được gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự quy định tại Điều 22 của Luật này với số lần thăm gặp được tăng gấp đôi so với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người đủ 18 tuổi trở lên.


Về chế độ ăn, ở và quản lý đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi (Điều 35)


Người bị tạm giữ, người bị tạm giam là phụ nữ có thai được bố trí nơi ở hợp lý, được khám thai, được chăm sóc y tế, được hưởng chế độ ăn uống bảo đảm sức khỏe; nếu sinh con thì được bảo đảm tiêu chuẩn, định lượng ăn theo chỉ dẫn của y sĩ hoặc bác sĩ, được cấp thực phẩm, đồ dùng, thuốc men cần thiết cho việc chăm sóc trẻ sơ sinh, được bảo đảm thời gian cho con bú trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ. Cơ sở giam giữ có trách nhiệm làm thủ tục đề nghị đăng ký khai sinh. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cơ sở giam giữ đóng trụ sở có trách nhiệm đăng ký và cấp giấy khai sinh.


Người bị tạm giữ, người bị tạm giam là phụ nữ có thai hoặc có con dưới 36 tháng tuổi ở cùng thì được bố trí chỗ nằm tối thiểu là 03 mét vuông (m2).


Cơ sở giam giữ phải tổ chức việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em dưới 36 tháng tuổi. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam có con từ đủ 36 tháng tuổi trở lên thì phải gửi con về cho thân nhân nuôi dưỡng; trường hợp không có thân nhân nhận nuôi dưỡng thì thủ trưởng cơ sở giam giữ đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi có cơ sở giam giữ chỉ định cơ sở bảo trợ xã hội tiếp nhận, nuôi dưỡng. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ định cơ sở bảo trợ xã hội tiếp nhận, nuôi dưỡng. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam sau khi được trả tự do được nhận lại con đang được cơ sở bảo trợ xã hội nuôi dưỡng.


Luật thi hành tạm giữ, tạm giam giao Chính phủ quy định chi tiết về chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em dưới 36 tháng tuổi tại cơ sở giam giữ.


Chương VI. Chế độ đối với người bị kết án tử hình đang bị tạm giam gồm 02 điều (Điều 36 và Điều 37), quy định về phạm vi áp dụng; chế độ ăn, ở và quản lý đối với người bị kết án tử hình.


Chương VII. Bảo đảm điều kiện quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam gồm 4 điều (từ Điều 38 đến Điều 41), quy định về bảo đảm biên chế nhân lực, cơ sở vật chất, kinh phí phục vụ quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; sử dụng vũ khí, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ; cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam; chế độ chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm 


Chương VIII. Kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam gồm 2 điều (Điều 42 và Điều 43), quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khi kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và trách nhiệm thực hiện yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị, quyết định của Viện kiểm sát nhân dân trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam.


Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, tại Chương IX Luật thi hành tạm giữ, tạm giam đã quy định người bị tạm giữ, người bị tạm giam và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan có quyền khiếu nại đối với quyết định, hành vi của cơ quan, người có thẩm quyền trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam nếu có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình; người bị tạm giữ, người bị tạm giam và mọi người có quyền tố cáo với cơ quan, người có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ người có thẩm quyền nào trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Luật giao Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự khu vực, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam của cơ quan, người có thẩm quyền thuộc trách nhiệm kiểm sát của mình. Cụ thể là:


Chương IX. Khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam gồm 2 mục với 18 điều (từ Điều 44 đến Điều 61), cụ thể là:


Mục 1. Khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam gồm 12 điều (từ Điều 44 đến Điều 55);


Mục 2. Tố cáo và giải quyết tố cáo trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam gồm 06 điều (từ Điều 56 đến Điều 61).


Chương X. Trách nhiệm trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam gồm 10 điều (từ Điều 62 đến Điều 71), quy định về trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Y tế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam.


Chương XI. Điều khoản thi hành gồm 02 điều (Điều 72 và Điều 73), quy định về hiệu lực thi hành của Luật và quy định chi tiết


Nguồn: kiemsat.vn

CÁC TIN KHÁC

Tin mới nhất

Thứ 2, 23/12/2024:

07h30:

- Chào cờ và nghe các câu chuyện về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

08h00:

- Họp giao ban Lãnh đạo Viện.

14h00:

- Họp Ủy ban kiểm sát thông qua dự thảo Kế hoạch công tác trọng tâm năm 2025 (tại phòng họp, thành phần: Lãnh đạo Viện, Trưởng phòng; Phó Chánh thanh tra, Phó Trưởng phòng 1, 7 phụ trách).

 

Thứ 3, 24/12/2024: 

08h00:

- Hội nghị trực tuyến giao ban công tác Kiểm sát cuối năm 2024 (tại hội trường, thành phần: Lãnh đạo Viện, Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chuyên viên).

14h00:

- Đ/c Thanh - PVT nghe Phòng 1 báo cáo án.

- Đ/c Liên - PVT nghe Phòng 9 báo cáo án.

16h00:

- Đ/c Viện trưởng và Trưởng phòng 15 làm việc với Thường trực Thành ủy Tuy Hòa.

 

Thứ 4, 25/12/2024: 

08h00:

- Đ/c Viện trưởng họp chuyên đề HĐND tỉnh khóa VIII.

- Đ/c Thanh - PVT nghe Phòng 1 báo cáo án.

- Đ/c Liên - PVT nghe Phòng 9 báo cáo án.

- Đ/c Thảo - PVT nghe Phòng 7 báo cáo án.

14h00:

- Hội nghị toàn thể công chức, người lao động góp ý dự thảo Quy chế về tiền thưởng (tại hội trường).

- Đ/c Thanh - PVT dự Hội nghị tổng kết công tác Tuyên giáo năm 2024 tại UBND TP Tuy Hòa.

 

Thứ 5, 26/12/2024:  

08h00:

- Đ/c Thanh - PVT nghe Phòng 1 báo cáo án.

- Đ/c Liên - PVT nghe Phòng 9 báo cáo án.

15h00:

- Sinh hoạt nữ công quý IV/2024.

 

Thứ 6, 27/12/2024:

08h00:

- Đ/c Thanh - PVT nghe Phòng 1 báo cáo án.

- Đ/c Liên - PVT nghe Phòng 9 báo cáo án.

- Đ/c Thảo - PVT nghe Phòng 8 báo cáo công tác.

14h00:

- Đ/c Thanh - PVT dự Hội nghị tổng kết công tác xây dựng Đảng tại Đảng ủy Khối. 

15h00: 

- Tổng vệ sinh cơ quan (từ 15h00 dọn trong phòng làm việc, hành lang; từ 16h00 tập trung dọn phòng đọc báo, khuôn viên cơ quan). 

 

Thứ 7, 28/12/2024:

Phân công trực cơ quan

 

Chủ nhật, 29/12/2024:

Phân công trực cơ quan