Là một hệ thống cơ quan trong Bộ máy nhà nước, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) luôn đồng hành cùng với báo chí, được báo chí phản ánh đầy đủ, chân thực trong sự phát triển chung của đất nước. Đặc biệt, từ khi có chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, báo chí không ngừng phát huy vai trò tiên phong trong việc phổ biến, tuyên truyền về chức năng của Viện kiểm sát, về thẩm quyền của Cơ quan điều tra VKSND tối cao; trong việc phối hợp, hỗ trợ thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nói chung và Cơ quan điều tra VKSND tối cao nói riêng. Để phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp, Cơ quan điều tra sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, từ nhiều nguồn thông tin; trong đó báo chí là một kênh ngày càng quan trọng, hữu ích. Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo VKSND tối cao (trong đó có chủ trương đổi mới phương thức thu thập, quản lý và xử lý thông tin), tổ chức, hoạt động của Cơ quan điều tra VKSND tối cao không ngừng đổi mới, phát triển, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.
Từ ngày 01/12/2010 đến 30/9/2013, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã tiếp nhận, thu thập 2490 thông tin vi phạm, tội phạm, cụ thể: Nguồn từ công dân 1.935 thông tin; nguồn từ các cơ quan tiến hành tố tụng 316 thông tin; nguồn từ các cơ quan, tổ chức khác 121 thông tin; nguồn từ báo chí 118 thông tin. Sau khi nghiên cứu, phân loại, Cơ quan điều tra đã xác định 339 tố giác, tin báo về tội phạm thuộc thẩm quyền để tổ chức xác minh, giải quyết theo Điều 103 Bộ luật Tố tụng hình sự, đã kết thúc xác minh 299 tố giác; qua đó ra quyết định khởi tố đối với 91 vụ án hình sự để điều tra, ra quyết định không khởi tố đối với 163 tố giác, tin báo về tội phạm. Ngoài ra, Cơ quan điều tra đã ban hành 185 bản kiến nghị yêu cầu xử lý, khắc phục vi phạm. Việc xác minh tố giác, tin báo về tội phạm và điều tra các vụ án hình sự đảm bảo nhanh, gọn, đề nghị truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; hiệu quả công tác phòng ngừa vi phạm, tội phạm ngày càng được nâng cao...
Các kết quả hoạt động nêu trên của Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã góp phần bảo đảm và hỗ trợ tích cực cho công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, góp phần nâng cao vị thế của ngành. Đạt được kết quả đó, một phần có sự đóng góp đáng kể của báo chí; đồng thời, cũng chính báo chí đã phản ánh kịp thời kết quả, thành tích của Cơ quan điều tra. Bên cạnh những gương điển hình người tốt, việc tốt, báo chí còn phản ánh những hạn chế, bất cập, những hiện tượng tiêu cực trong ngành để kịp thời xử lý, uốn nắn.
Một số nhiệm vụ trọng tâm của Cơ quan điều tra VKSND tối cao trong thời gian tới là: Tiếp tục kiện toàn về tổ chức, bộ máy; đổi mới phương thức thu thập, quản lý và xử lý thông tin vi phạm; phấn đấu tỷ lệ giải quyết tố giác đạt trên 90% trở lên; tập trung điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng trong hoạt động tư pháp; đánh giá đầy đủ tình hình vi phạm, tội phạm trong hoạt động tư pháp để báo cáo Quốc hội tổng hợp vi phạm kiến nghị phòng ngừa... Để đảm bảo thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm trên, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đề nghị các cơ quan báo chí tiếp tục phối hợp tốt một số nội dung sau:
- Tích cực thu thập, khai thác, đăng tải thông tin vi phạm, tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra VKSND tối cao.
- Không ngừng đào tạo về trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho đội ngũ phóng viên, cộng tác viên nhằm nâng cao chất lượng của thông tin.
- Đối với các thông tin nóng, phức tạp cần phối hợp, trao đổi trực tiếp với Cơ quan điều tra để xử lý kịp thời (thiết lập đường dây nóng).
- Đảm bảo bí mật đối với những thông tin quan trọng, nhạy cảm.
- Thường xuyên phối hợp, đăng tải các nội dung về đổi mới tổ chức và hoạt động của Cơ quan điều tra VKSND tối cao đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, về các vụ việc Cơ quan điều tra thụ lý, giải quyết, đặc biệt là những vụ án tham nhũng lớn, những vụ án xâm phạm nghiêm trọng quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
- Tăng cường hoạt động hội thảo, giao lưu giữa các cơ quan báo chí với các cơ quan tiến hành tố tụng.
Nguồn: VKSNDTC.