Năm 2017, TAND huyện Phú Hòa đã thụ lý, giải quyết 290 vụ án ly hôn, tăng 39 vụ so với năm 2016, trong đó Tòa đã hòa giải thành 17 vụ, công nhận thuận tình ly hôn và đưa ra xét xử 164 vụ…
Qua đó cho thấy tình trạng xin ly hôn trên địa bàn huyện Phú Hòa có chiều hướng gia tăng, số vụ đoàn tụ vợ chồng không nhiều, mà đa số là sau khi ở tòa về thì “đường ai nấy đi”...
Qua công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hôn nhân gia đình nhận thấy một trong những nguyên nhân dẫn đến việc ly hôn là thanh niên nam nữ kết hôn nhanh, chưa tìm hiểu kỹ về nhau; có lối sống thực dụng, ích kỷ; khi xảy ra mâu thuẫn trong đời sống vợ chồng, mâu thuẫn với cha mẹ, gia đình hai bên nhưng không biết cách xử sự, không bao dung, tha thứ... Điển hình như trường hợp của chị N và anh V đăng ký kết hôn tại UBND xã Hòa Trị, sau cưới vợ chồng sống chung với mẹ chồng. Chỉ hơn một tháng thì phát sinh mâu thuẫn giữa chị N với mẹ chồng nên chị bỏ về nhà cha mẹ ruột ở huyện Đồng Xuân sinh sống. 08 tháng sau khi về nhà cha mẹ ở chị N sinh con thì anh V không thừa nhận là con chung nên chị viết đơn xin ly hôn, được HĐXX chấp nhận.
Bên cạnh đó, nhiều đôi thanh niên mới chỉ quen nhau qua mạng internet, sau đó hẹn hò, “thề non hẹn biển” bên nhau suốt đời và kết hôn nhau. Nhưng thời gian kết hôn rồi ly hôn cũng nhanh như thời gian tìm hiểu nhau vì vấp phải khó khăn về kinh tế do không có việc làm ổn định, thu nhập thấp không đáp ứng nhu cầu cuộc sống, hay vì không thể “hòa hợp”... Như trường hợp anh N và chị H quen nhau, hẹn hò qua internet, rồi kết hôn, đăng ký kết hôn tại UBND xã Kim Long, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Sau đó, vợ chồng về sinh sống tại huyện Phú Hòa, có 01 con chung. Được một thời gian thì chị H bỏ về quê để gặp người yêu cũ nên anh N viết đơn xin ly hôn với chị H, được Tòa xử chấp nhận.
Cũng có trường hợp vì mâu thuẫn về kinh tế, bạo lực gia đình như đánh đập, ngược đãi, cờ bạc, ngoại tình… mà người phụ nữ phải gánh chịu là nhiều hơn hết, đến khi “ tức nước vỡ bờ” không cam chịu nổi nên đành phải nộp đơn đến Tòa án để xin ly hôn. Điển hình như trường hợp anh T và chị E ở xã Hòa An; vợ chồng kết hôn sinh được 02 con chung, nhưng do máu mê cờ bạc, dẫn đến hậu quả nhà đất “không cánh mà bay”… Chị E làm đơn ly hôn, Tòa án thụ lý, giải quyết nhưng anh T không đến Tòa, HĐXX giải thích pháp luật, chị E rút đơn. Chị làm ăn, dành dụm, mượn tiền của chị em ruột để xây được ngôi nhà khoảng 30 m2 thì anh T tính nào tật nấy, không từ bỏ cờ bạc, về nhà đánh đập, đuổi vợ đi khỏi nhà rồi bán nhà trả nợ bài bạc, chị E đành phải nộp đơn xin ly hôn và được Tòa án chấp nhận.
Theo khoản 1 Điều 4 Luật Hôn nhân và gia đình“Nhà nước có chính sách, biện pháp bảo vệ hôn nhân và gia đình, tạo điều kiện để nam, nữ xác lập hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình…
Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giáo dục, vận động mọi công dân xây dựng gia đình văn hóa; kịp thời hòa giải mâu thuẫn trong gia đình, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên gia đình…”.
Tuy nhiên, trong thời gian qua công tác hòa giải cũng chưa được các bên đương sự, gia đình và xã hội quan tâm đúng mức. Trong khi đó công tác tuyền truyền, giáo dục chính sách pháp luật về hôn nhân và gia đình cũng chưa được thường xuyên, sâu rộng đến người dân, nhất là lứa tuổi thanh niên.
Trong thời gian đến, thiết nghĩ các cấp, các ngành, tổ chức, đoàn thể…cần quan tâm hơn đến công tác hòa giải ở cơ sở; tăng cường công tác tuyền truyền, phổ biến chính sách pháp luật về hôn nhân và gia đình...Đồng thời, thanh niên nói chung, mỗi cặp vợ chồng nói riêng cũng phải hiểu và có trách nhiệm với xã hội, với gia đình và với chính mình trong việc giữ gìn hạnh phúc của gia đình mình.
Lê Trung Hậu