Phát biểu ý kiến tại Hội thảo góp ý kiến cho dự thảo Luật tổ chức VKSNDTC do Đoàn đại biểu Quốc hội và VKSND tỉnh Thái Bình phối hợp tổ chức vào ngày 09/5/2014, ông Nguyễn Hồng Diên, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh Thái Bình nhận xét, chất lượng của dự thảo luật đã phản ánh kết quả của quá trình nghiên cứu, xây dựng một cách công phu, nghiêm túc, khoa học của Ban soạn thảo và của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Theo ông Diên, nội dung cơ bản của dự thảo đã quán triệt và thể chế hóa các quan điểm của đảng về cải cách tư pháp và cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, nhất là những quy định có liên quan trực tiếp đến tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân. Ghi nhận, đánh giá cao vai trò, sự đóng góp của VKSND trong việc trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhất là đã tham mưu có hiệu quả giải quyết nhiều vụ việc phức tạp, góp phần vào việc giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn; Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Hồng Diên cho rằng, cần bổ sung quy định Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ tham mưu, phục vụ việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương vào dự thảo luật.
Đ/c Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSNDTC phát biểu tại hội thảo.
Các ý kiến tại hội thảo đều thể hiện sự đồng tình với quy định Viện kiểm sát được tổ chức theo hệ thống 4 cấp, trong đó có một cấp mới, đó là Viện kiểm sát cấp cao với chức năng, nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp đối với các vụ, việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp cao. Tuy nhiên, về mô hình VKSND cấp huyện, đa số ý kiến cho rằng cần giữ nguyên như hiện nay để đảm bảo thực hiện có hiệu quả một trong những chủ trương quan trọng của cải cách tư pháp, đó là tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, thực hiện cơ chế công tố gắn với điều tra; bảo đảm yêu cầu xây dựng nền tư pháp gần dân, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận công lý, tiết kiệm thời gian và chi phí cho cả người dân, Nhà nước và xã hội. Trường hợp, có Tòa án sơ thẩm khu vực bao gồm một số huyện mà trong đó, mỗi huyện có một VKSND thì cũng không có sự mâu thuẫn về nguyên tắc tổ chức và hoạt động, bởi lẽ yêu cầu, nhiệm vụ, tính chất hoạt động của hai ngành là khác nhau. Mặt khác, vẫn đảm bảo các hoạt động tố tụng của một cấp xét xử, đó là sơ thẩm khu vực.
Đ/c Nguyễn Hồng Diên, Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy,
Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình phát biểu tại hội thảo.
Về chế định Ủy ban Kiểm sát, theo ông Lại Hợp Mạnh, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Thái Bình thì việc duy trì thiết chế Ủy ban Kiểm sát là rất cần thiết, phù hợp về mặt lý luận và đã được chứng minh qua thực tiễn hơn 50 năm hoạt động của VKSND; thiết chế này đảm bảo sự kết hợp hài hòa, có hiệu quả giữa nguyên tắc tập trung thông nhất, lãnh đạo trong ngành (nguyên tắc đặc thù của ngành Kiểm sát) với nguyên tắc tập trung dân chủ. Ông Mạnh đề nghị bổ sung quy định Ủy ban Kiểm sát VKSNDTC có thẩm quyền hướng dẫn áp dụng pháp luật và hướng dẫn nghiệp vụ công tác kiểm sát; nghị quyết của Ủy ban Kiểm sát VKSNDTC về việc hướng dẫn áp dụng pháp luật, sau khi có ý kiến thống nhất của Chánh án TANDTC và Bộ trưởng Bộ Tư pháp sẽ là văn bản quy phạm pháp luật.
Các đại biểu dự hội thảo.
Đồng tình với quy định, các Kiểm sát viên được bổ nhiệm lần đầu đều có thời hạn là 05 năm, trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc nâng ngạch thì thời hạn là 10 năm để bảo đảm cơ chế kiểm soát chặt chẽ đối với tất cả các Kiểm sát viên; ông Phạm Xuân Nhường, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho rằng, quy định đó, là cơ chế cần thiết để rà soát, đánh giá Kiểm sát viên sau một thời gian thực thi chức trách, nhiệm vụ. Cũng liên quan đến nhiệm vụ của Kiểm sát viên, Chánh án TAND tỉnh Thái Bình Nguyễn Thị Sen đề nghị, nội dung chế định về các công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát không nên quy định quá cụ thể, chi tiết các hoạt động Viện kiểm sát và của Kiểm sát viên mà chỉ tập trung vào các nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm; đề cao và đảm bảo tính chủ động, độc lập của Kiểm sát khi tiến hành các hoạt động tố tụng, nhất là khi tham gia các phiên tòa, trong trường hợp phát sinh những tình huống, tình tiết mới, Kiểm sát viên căn cứ vào quy định của pháp luật để chủ động đưa ra ý kiến...
Phát biểu ý kiến tại hội thảo, TS. Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSNDTC trân trọng cảm ơn sự quan tâm của các đại biểu đối với ngành Kiểm sát nhân dân, đã dành thời gian nghiên cứu dự thảo Luật tổ chức VKSND sửa đổi; tới dự và phát biểu nhiều ý kiến có chất lượng. Viện kiểm sát nhân dân tối cao ghi nhận và sẽ nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật. Phó Viện trưởng Trần Công Phàn cũng đã cung cấp thêm một số luận cứ khoa học và luận cứ thực tiễn về những vấn đề cơ bản trong tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân, đã được kế thừa, phát triển, thể hiện trong dự thảo luật.
Nguồn: Viện KSND Tối Cao.