TAND tỉnh Phú Yên vừa xét xử phúc thẩm vụ án thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn giữa nguyên đơn là chị NTDD và bị đơn là anh LXB...
Theo trình bày của chị D, tháng 2/2017, TAND huyện ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn giữa chị và anh B; giao con chung là cháu LNBA (sinh tháng 10/2014) cho anh B nuôi dưỡng; anh B không yêu cầu chị cấp dưỡng nuôi con. Tuy nhiên, trong thời gian nuôi cháu A, anh B đã chăm sóc không tốt, chủ yếu nhờ ông bà nội nuôi trong hoàn cảnh khổ cực, để con bị bỏng. Hơn nữa, khi chị thăm con thì bị anh B cản trở. Hiện anh B không có nghề nghiệp, thu nhập không ổn định. Trước đây, khi vợ chồng ra toà xin ly hôn, để tránh áp lực và muốn được ly hôn sớm nên chị đồng ý cho anh B nuôi con. Nay chị có thu nhập ổn định, điều kiện về vật chất cũng như môi trường sống hội đủ điều kiện nuôi con. Hơn nữa, cháu A vẫn chưa đủ 36 tháng tuổi, còn quá nhỏ nên cần có sự chăm sóc của mẹ. Vì vậy, chị yêu cầu anh B giao con cho chị nuôi dưỡng.
Phía anh B thì trình bày, hiện anh và gia đình đủ điều kiện để nuôi cháu A trưởng thành; việc đi học và mua bảo hiểm cho cháu không được là do chị D không giao giấy khai sinh, làm ảnh hưởng đến việc học và sức khoẻ của cháu. Chị D cho rằng anh cản trở việc thăm nom con là không đúng, vì trước đây D đã từng đưa con đi chơi rồi sau đó giữ luôn, buộc anh phải yêu cầu cơ quan thi hành án can thiệp mới đưa được con về. Do đó, anh không đồng ý giao con cho chị D.
Xử sơ thẩm cuối tháng 10/2017, TAND huyện đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị D, buộc anh B giao cháu LNBA cho chị D trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng. Sau đó, anh B kháng cáo không đồng ý với án sơ thẩm.
Trong phiên xử phúc thẩm mới đây, TAND tỉnh Phú Yên nhận định: Thời điểm chị D và anh B ly hôn thì cháu A được 35 tháng 27 ngày tuổi. Theo quy định của pháp luật thì cần giao con dưới 36 tháng tuổi cho chị D nuôi dưỡng nhưng lúc đó chị D chưa hội đủ điều kiện nuôi con. Hiện nay, chị D đã có công việc, có nhà ở ổn định. Đối với anh B, trong quá trình nuôi con không lo cho con khiến cháu A bị bỏng nước sôi phải nhập viện điều trị. Hơn nữa, con dưới 36 tháng tuổi rất cần sự chăm sóc từ người mẹ. Do đó, án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con của chị D là có căn cứ, cần chấp nhận.
Từ đó, TAND tỉnh Phú Yên không chấp nhận kháng cáo của anh B, tuyên buộc anh B giao con chung là cháu LNBA cho chị D trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng. Anh B có quyền và nghĩa vụ thăm nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chung, không ai được ngăn cản.
TRẦN THU