Kháng nghị, Kiến nghị là quyền năng pháp lý của được quy định trong Luật Tổ chức VKSND năm 2014. Thực hiện tốt nhiệm vụ này, nhằm khắc phục những vi phạm trong hoạt động tư pháp, bảo đảm cho hoạt động tư pháp được thực hiện nghiêm minh, công bằng, dân chủ và khách quan, bảo vệ quyền con người, các quyền và lợi ích chính đáng của Nhà nước, của các tổ chức và công dân đã được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận; góp phần quan trọng trong việc khẳng định và nâng cao vị thế của ngành Kiểm sát trong hệ thống các cơ quan tư pháp.
Thực hiện quy định trên, ngay từ đầu năm 2020, Phòng kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án (Phòng 8) đã bám sát các nội dung của Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 17/12/2019 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2020, Kế hoạch số 20/KH-VKS-VP ngày 02/01/2020 của Viện trưởng VKSND tỉnh Phú Yên và các Hướng dẫn nghiệp vụ của VKSND tối cao để xây dựng chương trình công tác của đơn vị. Đồng thời cũng đã xây dựng lộ trình hoàn thành các chỉ tiêu nghiệp vụ của từng khâu công tác. Bên cạnh đó, phân công Kiểm sát viên thực hiện cụ thể những chỉ tiêu đề ra và ấn định đúng thời gian hoàn thành.
Phòng 8 đã chú trọng nâng cao chất lượng công tác kháng nghị, kiến nghị khắc phục vi phạm trong họat động tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự. Trong năm 2020, đơn vị đã tham mưu cho Lãnh đạo VKSND tỉnh Phú Yên ban hành 01 kháng nghị, 13 kiến nghị (THADS: 07 kiến nghị; Tạm giữ tạm giam: 01 kiến nghị; THAHS: 01 kháng nghị, 05 kiến nghị) yêu cầu khắc phục vi phạm trên các lĩnh vực tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự, đều được chấp nhận và sự đồng tình cao của các cơ quan liên quan. Qua đó đã tác động tích cực, phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy tiến độ thi hành án dân sự, tạo sự chuyển biến trong công tác tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự của các cơ quan hữu quan; chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những sai sót, vi phạm pháp luật của các cơ quan tư pháp trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
Một số kháng nghị, kiến nghị được ban hành kịp thời, phát huy hiệu quả tốt như kháng nghị trong công tác thi hành án phạt tù tại Trại giam Xuân Phước - Bộ Công an về việc tổ chức bảo vệ, canh gác chưa đảm bảo để phạm nhân trốn trại hay qua hoạt động kiểm sát thi hành án dân sự tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh và các Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện, Phòng 8 phát hiện có nhiều vụ việc chậm đưa ra thi hành các khoản tiền án phí, nhiều vật chứng, tài sản trong các vụ án hình sự, dân sự bảo quản tại kho của cơ quan Thi hành án dân sự chậm xử lý, có vụ tồn từ nhiều năm trước nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, nguyên nhân chính xuất phát từ việc Tòa án nhân dân 2 cấp chậm giao bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật cho cơ quan thi hành án hình sự. VKSND tỉnh đã ban hành kiến nghị đối với Chánh án Tòa án tỉnh chỉ đạo khắc phục vi phạm trong công tác chuyển giao bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, đến nay cơ bản đã được khắc phục xong, hơn 20 bản án, quyết định chậm gửi nêu trong kiến nghị đều đã được Tòa án hai cấp giao cho cơ quan thi hành án dân sự để tổ chức thi hành. Kiến nghị với Trưởng bản chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh Phú Yên chỉ đạo khắc phục vi phạm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác thi hành án dân sự trên địa bàn toàn tỉnh.
Phát huy những thành tích đã đạt được, ngay những tháng đầu năm 2021 với tinh thần tích cực thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ và phát huy hiệu quả kháng nghị, kiến nghị phòng ngừa, Phòng 8 đã thực hiện 01 cuộc trực tiếp kiểm sát đột xuất tại Nhà tạm giữ Công an TP Tuy Hòa; 01 cuộc kiểm sát trực tiếp hồ sơ thi hành án dân sự tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tây Hòa; Ban hành văn bản hướng dẫn 01 VKSND cấp huyện tiến hành trực tiếp kiểm sát đột xuất công tác thi hành án hình sự; Yêu cầu 03 VKSND cấp huyện báo cáo công tác thi hành án hình sự, thi hành án dân sự. Kết quả kiểm sát, đơn vị đã tham mưu cho lãnh đạo VKSND tỉnh ban hành 03 kiến nghị, trong đó có 01 kiến nghị với Giám đốc Công an tỉnh, 01 Kiến nghị với Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, tất cả đều được chấp nhận. Đang xem xét để ban hành kiến nghị, kháng nghị đối với 02 vụ việc về thi hành án hình sự và thi hành án dân sự.
Để đạt được kết quả nêu trên, Phòng 8 đã thực hiện tốt những nội dung sau:
- Phòng 8 luôn nhận được sự quan tâm sâu sát của Ban cán sự Đảng, Đảng ủy và Lãnh đạo Viện mà trực tiếp là Đồng chí Phó Viện trưởng phụ trách trong việc kiện toàn đội ngũ, cán bộ, Kiểm sát viên đủ về số lượng và có trình độ, không chỉ am hiểu sâu về pháp luật mà còn linh hoạt trong vận dụng thực tiễn, thực hiện chặt chẽ các biện pháp nghiệp vụ trong từng khâu công tác, chú trọng công tác kháng nghị, kiến nghị để kịp thời khắc phục các vi phạm trong hoạt động tư pháp, đảm bảo chất lượng, hiệu quả và hiệu lực của các bản kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân đúng quy định của pháp luật, kịp thời, nhằm hạn chế các vi phạm của các cơ quan tư pháp.
- Kiểm sát viên nắm chắc các quy định của pháp luật, bám sát và thực hiện đúng nội dung quy chế, hướng dẫn của VKSND tối cao về lĩnh vực tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự để thực hiện tốt nhiệm vụ. Đáng chú ý là phải áp dụng căn cứ pháp luật thật chính xác, xác định rõ những hành vi, quyết định đã vi phạm vào điều luật nào, điều kiện, nguyên nhân dân đến vi phạm, biện pháp, giải pháp khắc phục vi phạm.
- Kiểm sát chặt chẽ các lệnh, quyết định về lĩnh vực công tác được phân công. Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm, cần phải được xác minh, làm rõ. Trước khi ban hành kháng nghị, kiến nghị cần thu thập đầy đủ, chính xác các thông tin ý kiến giải trình để xem xét, cân nhắc, chỉ kháng nghị, kiến nghị đối với những vi phạm pháp luật nghiêm trọng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của công dân, vi phạm đã về căn cứ pháp luật; nội dung kháng nghị, kiến nghị cần ngăn gọn, rõ ràng, đề ra các biện pháp thực hiện, ấn định thời gian trả lời kháng nghị, kiến nghị.
- Các bản kháng nghị, kiến nghị phải đảm bảo đúng quy định của Ngành về hình thức. Nội dung phải chặt chẽ, chính xác, có căn cứ, mang tính thuyết phục cao, đề ra các biện pháp để cơ quan bị kháng nghị, kiến nghị thực hiện, vì đó là cơ sở để cơ quan bị kháng nghị, kiến nghị chấp nhận, khắc phục. Chấp hành đúng quy chế về việc gửi các bản kháng nghị, kiến nghị, nhất là gửi cho các cơ quan chủ quản cấp trên của đơn vị bị kháng nghị, kiến nghị. Tăng cường phúc tra việc thực hiện kháng nghị, kiến nghị vì thông qua hoạt động này là kênh quan trọng nhất để đánh giá và nâng cao chất lượng về kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát.
- Đối với những vấn đề còn có nhận thức khác nhau thì Viện kiểm sát chưa ban hành kháng nghị, kiến nghị mà cần báo cáo thỉnh thị Viện kiểm sát cấp trên để được hướng dẫn.
- Phối hợp chặt chẽ với các Phòng nghiệp vụ khác, các Viện kiểm sát cấp dưới để nắm bắt các thông tin về nội dung bản án, quyết định, bản chất của sự việc. Điều này rất có ý nghĩa trong công tác kiểm sát đối với những trường hợp khó khăn, phức tạp và thường xảy ra vi phạm. Chú trọng các cuộc kiểm sát trực tiếp nhằm nâng cao chất lượng kiểm sát, có thể nói đây là hoạt động kiểm sát phát hiện ra nhiều vi phạm nhất.
Với tinh thần, trách nhiệm cao trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành, Phòng 8 luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu nhiệm vụ đã đề ra trong năm 2021.
Hải Dương