Dự và chủ trì Hội nghị có Tiến sỹ Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Đại biểu dự Hội nghị có: Đại diện lãnh đạo Bộ Nội vụ, Ban tôn giáo Chính phủ, Ban chỉ đạo Tây Nguyên, Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Lâm Đồng, Cục An ninh Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Công an tỉnh Lâm Đồng, Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng. Thành phần tham dự hội nghị ngành Kiểm sát có: Đại diện Lãnh đạo Viện, Lãnh đạo phòng Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án an ninh Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh vùng Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và các tỉnh phụ cận gồm: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Tiền Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp, Cà Mau, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Phước, Tp. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Dương ; Lãnh đạo Viện kiểm sát Bộ đội biên phòng, Viện kiểm sát quân sự Quân khu 5, 7, 9, Viện kiểm sát quân sự Quân đoàn 3,4 và đại diện Lãnh đạo các đơn vị: Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án an ninh, Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án ma túy, Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự, Vụ Khiếu tố, Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm 2, 3, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp về hình sự, Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Đ/c Hoàng Sỹ Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Lâm Đồng phát biểu tại hội nghị
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trần Công Phàn nêu rõ:Tây Nguyên, Tây Nam Bộ là hai địa bàn chiến lược quan trọng về an ninh, kinh tế - xã hội của cả nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong kháng chiến chống ngoại xâm cũng như trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, Tây Nam Bộ luôn tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng, nêu cao truyền thống yêu nước, đóng góp nhiều thành tích to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập và xây dựng bảo vệ Tổ quốc. Đảng và Nhà nước ta có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; kinh tế của vùng ngày càng tăng trưởng mạnh, cơ sở kinh tế - xã hội và đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện; tình hình chính trị xã hội ổn định, an ninh quốc phòng được giữ vững. Tuy nhiên, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của hai vùng còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, cơ sở kinh tế - xã hội còn thấp, đời sống của một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn, mặt bằng dân trí thấp, đặc biệt là đồng bào thiểu số vùng sâu, vùng xa; còn tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định về chính trị, xã hội, có thể ảnh hưởng xấu đến việc giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Đồng chí Phó Viện trưởng nhấn mạnh, thời gian qua ngành Kiểm sát đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao phó; tham mưu cho Cấp ủy, phối hợp với chính quyền và các cơ quan chức năng ở địa phương giữ vững an ninh chính trị; phối hợp với cơ quan điều tra, Tòa án xử lý nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại cần nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm để tìm ra các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước, trong đó có hai vùng trọng điểm Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Phó Viện trưởng Trần Công Phàn đề nghị đại biểu dự hội nghị tập trung thảo luận báo cáo, tham luận về những nội dung trọng tâm về công tác kiểm sát phục vụ nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị vùng Tây Nguyên, Tây Nam Bộ năm 2013 để hội nghị thành công tốt đẹp.
Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Tố Toàn, Vụ trưởng Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án an ninh Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả công tác kiểm sát phục vụ nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị ở Tây Nguyên và Tây Nam Bộ (2011 - 2013). Viện kiểm sát các cấp thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 18/01/2002; Chỉ thị số 12-CT/TW ngày 16/4/2002, Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 20/01/2003 và Kết luận số 12-Kl/TW ngày 24/10/2011 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Thực hiện chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của cấp ủy, chính quyền địa phương. Đổi mới nâng cao hơn nữa chất lượng các mặt công tác, tập trung nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, chú trọng “Tăng cường công tố hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”, nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, nhất là các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia, bám sát nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết số 37/2012 của Quốc hội và chỉ thị củ Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề ra. Quán triệt, phối hợp thực hiện có hiệu quả Thông tư liên tịch số 06/2013 ngày 02/8/2013 về công tác giải quyết tin báo, tố giác tội phạm; duy trì giao ban định kỳ để nắm tình hình vi phạm tội phạm, thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng để tham mưu cho cấp ủy và chính quyền địa phương có biện pháp đấu tranh ngăn chặn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Thực hiện Chỉ thị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về nhiệm vụ công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2013, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”; thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; quan tâm đầu tư hợp lý cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, tăng cường cán bộ có năng lực, trình độ cho các Viện kiểm sát vùng Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, đặc biệt là các vùng biên giới; nghiên cứu thực hiện các chế độ chính sách thỏa đáng cho cán bộ là người dân tộc thiểu số, cán bộ công tác vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Trung tướng Võ Hoàng Việt, Phó Tổng Cục trưởng phụ trách phía Nam phát biểu tại Hội nghị
Trên thực tế qua theo dõi chung, các cơ quan tố tụng ở các địa phương đã đang thực hiện tốt vấn đề này, qua đó góp phần quan trọng trong việc đấu tranh, răn đe, giáo dục chung, tạo được sự đồng thuận của số đông đồng bào dân tộc thiểu số. Vừa qua đã đưa ra xét xử một số tên cầm đầu tà đạo “Hà Mòn” tại Gia Lai, góp phần đảm bảo an ninh chính trị và phát triển kinh tế , văn hóa, xã hội trên địa ban Tây Nguyên. Viện kiểm sát sát các địa phương thường xuyên giữ mối quan hệ với cơ quan Công an, Tòa án, Hải quan để theo dõi thông tin về tội phạm. Nhất là gần đây thành lập Ban Nội chính ở địa phương đã thường trao đổi và phối hợp thực hiện chặt chẽ, hiệu quả các vụ án có yếu tố chính trị, vụ án được dư luận quan tâm và đặc biệt là vụ có liên quan đến dân tộc Khmer đã được giải quyết một cách triệt để.
Đ/c Nguyễn Tố Toàn, Vụ trưởng Vụ THQCT & KSĐT án An ninh VKSNDTC trình bày Báo cáo tóm tắt tại hội nghị
Hội nghị đã nghe đồng chí Hoàng Sỹ Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Lâm Đồng; Trung tướng Triệu Xuân Hòa, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên, đồng chí Phạm Dũng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban tôn giáo Chính phủ,Trung tướng Võ Hoàng Việt, Phó Tổng Cục trưởng phụ trách phía Nam phát biểu chào mừng; đồng thời thông tin khái quát về tình hình an ninh chính trị, kinh tế, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Các đồng chí đánh giá cao vai trò quan trọng của các cơ quan tư pháp nói chung, trong đó có Viện kiểm sát nhân dân trong thực hiện phục vụ nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị vùng Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.
Trong phần thảo luận có 12 tham luận của đại biểu Viện kiểm sát nhân dân vùng Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, cơ bản nhất trí cao với báo cáo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Các ý kiến tập trung phân tích sâu những tồn tại, khó khăn, vướng mắc và những vấn đề mà địa phương quan tâm; đề xuất các giải pháp, kiến nghị, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm trong thực tiễn công tác kiểm sát nhằm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị vùng Tây Nguyên, Tây Nam Bộ trong thời gian tới.
Lãnh đạo Viện KSND tối cao chụp ảnh cùng đại biểu dự hội nghị
Kết luận Hội nghị, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trần Công Phàn đánh giá cao tinh thần trách nhiệm và chất lượng tham luận của đại biểu về công tác kiểm sát phục vụ nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị vùng Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Đồng chí Phó Viện trưởng nhấn mạnh, xuất phát từ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh, kinh tế, đối ngoại của vùng Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Đảng và Nhà nước xác định phải gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng an ninh ở vùng trọng điểm này. Ngành Kiểm sát với chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp cần góp phần cùng các Ngành, các cấp đấu tranh ngăn chặn mọi hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, tăng cường công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Phó Viện trưởng Trần Công Phàn chỉ đạo Viện trưởng Viện kiểm sát địa phương vùng Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trên địa bàn và Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao tập trung thực hiện tốt các nội dung như: Tiếp tục quán triệt thực hiện tốt các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của cấp ủy, chính quyền địa phương. Tập trung nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, chú trọng “Tăng cường công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”, nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, nhất là các phiên tòa xét xử các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia, bám sát nhiệm vụ trọng tâm, các chỉ tiêu nghiệp vụ mà Nghị quyết số 37/2012 của Quốc hội và Chỉ thị của Ngành đề ra. Khi giải quyết các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia, các vụ việc nhạy cảm về chính trị cần vận dụng linh hoạt chính sách pháp luật, có sự cân nhắc giữa yêu cầu pháp luật với nhiệm vụ chính trị của đất nước và của địa phương. Đối với các vụ án tham nhũng hoặc các vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp, Viện kiểm sát cần phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết triệt để, không để xảy ra dư luận xấu. Giải quyết kịp thời các đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc trách nhiệm của Ngành và kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan tư pháp, không để xảy ra tình trạng khiếu kiện vượt cấp, đông người, dễ bị kẻ địch lợi dụng kích động. Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các Viện kiểm sát vùng Tây Nguyên có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn xử lý nghiêm minh, triệt để các hành vi lợi dụng tà đạo “Hà Mòn” để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật; góp phần cùng các cơ quan chức năng đấu tranh xóa bỏ tà đạo này. Đề nghị Ban chỉ đạo Tây Nguyên, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ quan tâm chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng, nhất là trong quá trình xử lý các “điểm nóng”, các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia và các vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp khác trong vùng. Đồng chí Phó Viện Trưởng yêu cầu Vụ Tổ chức cán bộ và Vụ Tài chính - Kế hoạch tiếp tục nghiên cứu, đề xuất tham mưu cho lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao có chính sách ưu tiên, đầu tư về cán bộ, cơ sở vật chất, kinh phí cho các Viện kiểm sát vùng Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; phối hợp với Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, Phân hiệu Trường Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu, đề xuất lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao chính sách ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực cho các Viện kiểm sát thuộc địa bàn Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; ưu tiên tuyển dụng, đào tạo cán bộ là người dân tộc thiểu số hoặc công tác ở các Viện kiểm sát vùng sâu, vùng xa để thực hiện các nhiệm vụ công tác của Ngành trong thời gian tới.