Đ/c Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao,
Trưởng ban Chỉ đạo ngành KSND về Chương trình phòng, chống
tội phạm và tệ nạn xã hội phát biểu khai mạc hội nghị
Ngày 08/10/2015, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức Hội nghị Tổng kết 05 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2011 - 2015. Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng Thường trực Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Trưởng ban Chỉ đạo ngành Kiểm sát nhân dân về Chương trình phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo; Tổ giúp việc Chương trình phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội ngành Kiểm sát nhân dân; đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh: Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Thái Bình, Hòa Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Ninh Bình tham dự hội nghị.
Đ/c Trần Anh Tuấn Chánh Văn phòng VKSND tối cao, Phó Trưởng ban Thường trực
Ban Chỉ đạo ngành KSND về các Chương trình phòng, chống tội phạm
và tệ nạn xã hội trình bày Báo cáo tóm tắt Tổng kết 05 năm
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng Thường trực Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Trưởng ban Chỉ đạo ngành Kiểm sát nhân dân về Chương trình phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội cho biết, Ban Chỉ đạo ngành Kiểm sát nhân dân về Chương trình phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội đã nỗ lực triển khai đồng bộ, toàn diện nhiều giải pháp và quyết liệt chỉ đạo toàn Ngành hoàn thành tốt các yêu cầu, nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2011 - 2015; thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo nghị quyết của Quốc hội về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự. Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm được tăng cường và hiệu quả hơn; tình hình tội phạm tiếp tục được kiềm chế; các cơ quan tư pháp đã phối hợp chặt chẽ, đấu tranh có hiệu quả các loại tội phạm có xu hướng gia tăng, diễn biến nghiêm trọng, phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân. Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp đạt nhiều kết quả tích cực; đã thực hiện vượt 4/4 chỉ tiêu cơ bản được Quốc hội giao. Công tác giáo dục, tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tội phạm được đẩy mạnh với nhiều hình thức, nội dung thiết thực. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về đấu tranh phòng, chống tội phạm được chú trọng; đã bảo đảm tiến độ, chất lượng dự án Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) và Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) được Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao. Công tác tương trợ tư pháp về hình sự và hợp tác quốc tế được tăng cường, góp phần đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng giải quyết vụ án có yếu tố nước ngoài, xuyên quốc gia…. Những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tội phạm của ngành Kiểm sát nhân dân trong 05 năm qua đã góp phần quan trọng bảo đảm môi trường chính trị - xã hội ổn định để xây dựng và phát triển kinh tế đất nước.
Các đại biểu tham dự hội nghị
Tại hội nghị, đồng chí Trần Anh Tuấn, Chánh Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo ngành Kiểm sát nhân dân về Chương trình phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội trình bày tóm tắt Báo cáo Tổng kết 05 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2011 - 2015. Thực hiện Nghị quyết số 09/1998/NQ-CP ngày 31/7/1998 của Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; Quyết định số 1217/QĐ- TTg ngày 06/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2012 - 2015, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã xây dựng Kế hoạch số 130/KH-VKSTC ngày 07/12/2012 về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2012 - 2015 và chỉ đạo các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào đặc điểm, tình hình của địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện. Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm, đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho toàn Ngành. Căn cứ kế hoạch chung của Ngành và kế hoạch của UBND tỉnh, Viện kiểm sát tỉnh xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời ở địa phương. Ngành Kiểm sát kịp thời quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 64/2013/QH13 ngày 20/11/2013 quy định một số điểm thi hành Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết số 67/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội về việc tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Xây dựng kế hoạch thực hiện Kết luận số 95-KL/TW ngày 02/4/2014 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 26/3/2008 của Bộ Chính trị về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới. Viện kiểm sát địa phương chỉ đạo phòng (bộ phận) nghiệp vụ tham gia các đợt cao điểm phòng, chống tội phạm, các đợt truy quét tội phạm tại các tụ điểm phức tạp. Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Quy định về việc phòng ngừa, phát hiện, xử lí hành vi sử dụng trái phép chất ma túy trong ngành Kiểm sát nhân dân; qui định về nguyên tắc, phương pháp, trách nhiệm, quyền hạn và áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong Ngành về phòng ngừa, phát hiện, xử lí hành vi sử dụng trái phép chất ma túy. Thực hiện kế hoạch kiểm tra của Ban chỉ đạo 138/CP, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì kiểm tra kết quả 02 năm thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW tại 02 tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An (năm 2012); Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì Đoàn khảo sát liên ngành về tình hình và kết quả một năm thực hiện công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự và 03 năm thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2011 - 2013 tại các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh và thành phố Hồ Chí Minh (năm 2013). Qua kiểm tra, khảo sát đã chỉ ra một số tồn tại, thiếu sót trong quá trình thực hiện Chỉ thị, chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót của địa phương, kiến nghị cấp ủy chính quyền địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trên địa bàn, đồng thời tổng hợp nhiều đề xuất, kiến nghị báo cáo Ban chỉ đạo 138/CP có giải pháp, biện pháp chỉ đạo, khắc phục kịp thời nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Một số hình ảnh các đại biểu tham luận tại hội nghị
Phần tham luận, đại biểu thảo luận, trao đổi về những khó khăn, vướng mắc đồng thời nêu các kiến nghị, đề xuấtnhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2020.
Các tập thể và cá nhân được tặng Bằng khen do có thành tích xuất sắc
trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2020
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng Thường trực Viện kiểm sát nhân dân tối cao biểu dương và đánh giá cao Ban Chỉ đạo ngành Kiểm sát nhân dân về Chương trình phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội giai đoạn 2011 - 2015. Ngành Kiểm sát đã sớm xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm; đã kịp thời quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết chuyên đề của Quốc hội, điển hình như việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 37, Nghị quyết số 63 và Nghị quyết số 96. Trong thời gian tới, dự báo tình hình tội phạm tiếp tục gia tăng, diễn biến phức tạp. Đồng chí Phó Viện trưởng Thường trực yêu cầu Ban Chỉ đạo ngành Kiểm sát nhân dân về các Chương trình phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội thực hiện hiệu quả các Chỉ thị của Đảng về công tác phòng, chống vi phạm, tội phạm, đặc biệt Chỉ thị số 46-CT/TW, ngày 22/6/2015 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh trật tự trong tình hình mới”; thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014; tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ, giải pháp trong Chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 06/12/2013 và các chỉ thị chuyên đề khác về công tác giải quyết các vụ án hình sự, phấn đấu không để xảy ra oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm. Chú trọng phát hiện nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm từ đó ban hành các văn bản kiến nghị phòng ngừa vi phạm, tội phạm đối với các cơ quan hữu quan, nhất là các lĩnh vực còn nhiều sơ hở, thiếu sót trong quản lý nhà nước như: Tài chính, tín dụng, ngân hàng, đất đai, đầu tư công. Phó Viện trưởng Thường trực Nguyễn Hải Phong chỉ đạo các Viện kiểm sát địa phương tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương, đồng thời tăng cường phối hợp với các cơ quan tư pháp về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là các loại tội phạm diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng. Chú trọng lựa chọn các vụ án điểm để tập trung chỉ đạo xử lý kịp thời, nghiêm minh; tích cực tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động để tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong nhân dân; tích cực tham gia nghiên cứu, xây dựng các dự án, đề án đấu tranh phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2020 theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo các Chương trình phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; chú trọng nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phòng ngừa, huy động sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị, xã hội vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Tổng kết 05 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, với kết quả đạt được, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tặng Bằng khen cho 17 tập thể và 07 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm giai đoạn 2011 - 2015.
Nguồn: VKSNDTC