Sáng 28/3/2024, VKSND tối cao tổ chức Hội nghị triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trong ngành Kiểm sát nhân dân. Đồng chí Lê Minh Trí, Uỷ viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSND tối cao dự và chỉ đạo Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị
Đồng chí Nguyễn Hải Trâm, Phó Viện trưởng VKSND tối cao, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ngành Kiểm sát nhân dân chủ trì Hội nghị
Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao; đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao; đồng chí Đặng Hữu Ngọ, Vụ trưởng Vụ Dân vận các cơ quan nhà nước, Ban Dân vận Trung ương.
Cùng dự Hội nghị có các đồng chí Kiểm sát viên VKSND tối cao; tập thể lãnh đạo, công chức, người lao động các đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKSND cấp cao, VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy VKSND tối cao; đại diện lãnh đạo các tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Ban Thanh tra nhân dân VKSND tối cao; thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ngành Kiểm sát nhân dân.
Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối điểm cầu chính tại VKSND tối cao đến các điểm cầu trong toàn ngành Kiểm sát nhân dân.
Báo cáo kết quả việc thực hiện dân chủ ở cơ sở trong ngành Kiểm sát nhân dân tại Hội nghị cho thấy, trong thời gian qua, Ban cán sự đảng, Lãnh đạo VKSND tối cao đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn Ngành phối hợp với cấp ủy cùng cấp tiếp tục quán triệt, triển khai nghiêm các văn bản của Đảng, Nhà nước và quy định của Ngành về thực hiện dân chủ ở cơ sở, trọng tâm là Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Cùng với đó, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở tiếp tục được VKSND các cấp quan tâm; dân chủ ngày càng được mở rộng. Kết quả đó đã góp phần cùng toàn ngành Kiểm sát nhân dân hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu của Quốc hội giao; kỷ luật, kỷ cương trong Ngành được giữ vững; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, triển khai quyết liệt, tấn công trấn áp mạnh mẽ các loại tội phạm, góp phần giữ vững tình hình an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Để công tác thực hiện dân chủ ở cơ sở trong ngành Kiểm sát nhân dân được triển khai đồng bộ, hiệu quả, Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ được thành lập tại VKSND tối cao, VKSND cấp cao và VKSND cấp tỉnh. Hằng năm, Ban Chỉ đạo đã tham mưu Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND cấp mình ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện dân chủ ở cơ sở, tiến hành kiểm tra tại các đơn vị trực thuộc và tổng hợp xây dựng báo cáo sơ kết, báo cáo tổng kết, báo cáo chuyên đề về thực hiện dân chủ ở cơ sở tại cơ quan, đơn vị gửi cấp có thẩm quyền theo quy định.
Đặc biệt, Viện trưởng VKSND tối cao đã chỉ đạo Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ngành Kiểm sát nhân dân tiếp tục chỉ đạo, thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, quy định của Nhà nước về thực hiện dân chủ ở cơ sở để phù hợp với đặc điểm, tình hình và chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân. Đồng thời, hằng năm, đồng chí Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành các Chỉ thị, Kế hoạch công tác, Chương trình trọng tâm công tác, quy chế, quy định nghiệp vụ;... để lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành, trong đó, có nội dung yêu cầu người đứng đầu các cấp Kiểm sát trong toàn ngành Kiểm sát nhân dân thực hiện nghiêm dân chủ ở cơ sở gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Ngành và của địa phương.
Đồng thời, đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong thực hành dân chủ ở cơ sở; đi đầu, gương mẫu trong thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước, các quy định quản lý nội bộ ngành Kiểm sát nhân dân; xây dựng tập thể đơn vị đoàn kết, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ; thường xuyên tự phê bình, nêu cao trách nhiệm với công việc, giữ gìn uy tín, hình ảnh của người cán bộ Kiểm sát trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân; công khai dân chủ trong các mặt hoạt động công tác, tạo điều kiện để công chức, viên chức, người lao động tham gia ý kiến và thực hiện vai trò giám sát, kiểm tra; kịp thời giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Đáng lưu ý, việc thực hiện dân chủ đã gắn với giữ gìn kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ, thực hiện nghiêm Quy tắc chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ Kiểm sát. Qua đó, các đơn vị đã chủ động phát hiện và khắc phục hạn chế, thiếu sót, xử lý nghiêm vi phạm, tiêu cực (nếu có); đồng thời, tạo điều kiện để công chức, viên chức, người lao động yên tâm thực hiện nhiệm vụ; bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; lấy kết quả việc thực hiện dân chủ ở cơ sở là một trong những tiêu chí để đánh giá kết quả công tác và kết quả thi đua, khen thưởng hằng năm;…
Đồng chí Đặng Hữu Ngọ, Vụ trưởng Vụ Dân vận các cơ quan nhà nước, Ban Dân vận Trung ương
Tại Hội nghị, đồng chí Đặng Hữu Ngọ, Vụ trưởng Vụ Dân vận các cơ quan nhà nước, Ban Dân vận Trung ương đã trình bày Chuyên đề với các nội dung: Những nội dung cơ bản của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; một số vấn đề quan tâm trong việc xây dựng và thực hiện dân chủ ở cơ sở; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; của công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; xử lý hành vi vi phạm Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện dân chủ ở cơ sở...
Hội nghị cũng nghe đồng chí Tăng Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ VKSND tối cao, Ủy viên Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ngành Kiểm sát nhân dân trình bày Chuyên đề về thực hiện dân chủ trong công tác tổ chức cán bộ trong ngành Kiểm sát nhân dân; đồng chí Nguyễn Văn Hà, Cục trưởng Cục Kế hoạch - Tài chính VKSND tối cao, Ủy viên Ban Chỉ đạo trình bày Chuyên đề: Thực hiện dân chủ trong công tác quản lý tài chính, tài sản công, đầu tư xây dựng cơ bản trong ngành Kiểm sát nhân dân.
Đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao đánh giá cao sự chuẩn bị tài liệu, nội dung Hội nghị; đồng thời nhấn mạnh, các chuyên đề được trình bày tại Hội nghị là những nội dung quan trọng, cần quán triệt, phổ biến và coi là cẩm nang, hướng dẫn trong toàn Ngành. Đặc biệt, người đứng đầu các cấp Kiểm sát cần lưu ý đến nội dung chuyên đề thực hiện dân chủ trong công tác quản lý tài chính, tài sản công, đầu tư xây dựng cơ bản trong ngành Kiểm sát nhân dân và chuyên đề về thực hiện dân chủ trong công tác tổ chức cán bộ để tiếp tục thực hiện trong thời gian tới...
Đồng chí Viện trưởng nhấn mạnh, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát không chỉ nhằm ngăn ngừa vi phạm mà còn là phương pháp hữu hiệu trong quản lý, chỉ đạo, điều hành nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Ngành. Do đó, người đứng đầu phải tổ chức tự thanh tra, kiểm tra trong đơn vị; thủ trưởng các đơn vị nghiệp vụ thuộc VKSND tối cao phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Viện, thực hiện kiểm tra trong lĩnh vực mình được giao phụ trách trong toàn Ngành. Mục đích là tránh chồng chéo, tăng cường trách nhiệm và đem lại hiệu quả trong công tác này. Phát huy dân chủ phải gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương; đồng thời, giải quyết kịp thời những phản ánh, kiến nghị hợp pháp, chính đáng của công chức, viên chức, người lao động trong Ngành.
Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí cũng yêu cầu người đứng đầu, Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản của Đảng, Nhà nước về dân chủ ở cơ sở, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, các văn bản hướng dẫn thi hành, các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ngành Kiểm sát nhân dân; tiếp tục tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quản lý nội bộ có liên quan đến Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, để đảm bảo thống nhất, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Ngành; bảo đảm việc thực hiện dân chủ ở cơ sở trong Ngành được thường xuyên, nghiêm túc, thực chất và hiệu quả, góp phần xây dựng ngành Kiểm sát trong sạch, vững mạnh.
Đồng chí Nguyễn Hải Trâm, Phó Viện trưởng VKSND tối cao, Trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu tiếp thu chỉ đạo của Viện trưởng VKSND tối cao và bế mạc Hội nghị
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hải Trâm, Phó Viện trưởng VKSND tối cao, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trong ngành Kiểm sát nhân dân tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao; đồng thời yêu cầu thủ trưởng, người đứng đầu các cấp Kiểm sát tiếp tục quán triệt, triển khai sâu sắc thêm một bước nữa để đảm bảo việc triển khai thi hành Luật đạt được hiệu quả, kịp thời, đáp ứng đúng những yêu cầu đề ra.
Theo Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hải Trâm - Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trong ngành Kiểm sát nhân dân, thực hiện dân chủ ở cơ sở là phương thức để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, để công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được thông tin, thể hiện ý chí, nguyện vọng, chính kiến của mình thông qua thảo luận, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra giám sát các vấn đề theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Do đó, đối với cán bộ, Kiểm sát viên trong toàn Ngành khi ở địa phương, nơi cư trú tham gia thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân để phát huy quyền làm chủ của công dân ở địa phương; mặt khác, tại cơ quan, đơn vị công tác cần nắm bắt được những yêu cầu của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại cơ quan, đơn vị để quá trình thực hiện đảm bảo chính xác, không dẫn tới sai phạm. Bên cạnh đó, việc thực hiện tốt quy định về dân chủ ở cơ sở cũng làm giảm tình trạng lợi dụng dân chủ vi phạm kỷ cương, vi phạm pháp luật; gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cải cách hành chính và chống tham nhũng, lãng phí tại mỗi cơ quan, đơn vị.
Nguồn: kiemsat.vn