Ngày 27/2 tại Hà Nội, VKSNDTC đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và công tác tổ chức cán bộ. Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSNDTC dự và chỉ đạo Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có các đồng chí Phó Viện trưởng VKSNDTC: Trần Phước Tới, Nguyễn Thị Thủy Khiêm, Lê Hữu Thể, Trần Công Phàn, Nguyễn Hải Phong. Tham dự Hội nghị còn có đồng chí Phạm Trí Thức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; đồng chí Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội cùng đại diện một số cơ quan: Ban Tuyên giáo Trung ương; Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Ban Nội chính Trung ương; Ban Chỉ đạo Trung ương về đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức; Bộ Nội vụ; Bộ Giáo dục và Đào tạo...
Toàn cảnh Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng VKSNDTC cho biết, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Đây là sự kiến chính trị - pháp lý đặc biệt quan trọng, mở ra thời kỳ mới cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Cùng với việc tiếp tục kế thừa những giá trị to lớn của các bản Hiến pháp trước đây, Hiến pháp sửa đổi lần này đã thể chế hóa sâu sắc và toàn diện chủ trương đổi mới của Đảng trên các lĩnh vực, tiến hành đổi mới cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến. Trong lĩnh vực tư pháp, Hiến pháp có nhiều điều chỉnh quan trọng. Nhiều nguyên tắc tiến bộ của văn minh pháp lý nhân loại đã được bổ sung, làm rõ hơn như: Nguyên tắc suy đoán vô tội; nguyên tắc tranh trụng trong xét xử; vấn đề áp dụng các biện pháp cưỡng chế tố tụng; vấn đề kiểm soát việc thực hiện quyền lực tư pháp… Đây là những yêu cầu hết sức quan trọng, là thước đo sự tiến bộ của nền tư pháp, đòi hỏi phải được nhận thức sâu sắc, đổi mới từ tư duy đến hành động để xây dựng nền tư pháp thực sự trong sạch, vững mạnh, dân chủ, công bằng, nghiêm minh, trách nhiệm trước nhân dân.
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng
VKSNDTC phát biểu khai mạc Hội nghị.
Đồng chí Viện trưởng cho biết thêm, thực hiện nhiệm vụ triển khai thi hành Hiến pháp, ngành KSND đã khẩn trương tiến hành nhiều hoạt động như ban hành kế hoạch triển khai Hiến pháp trong toàn Ngành; rà soát các quy định của Hiến pháp để đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật, trong đó tập trung cho hai dự án luật quan trọng mà VKSNDTC đang được Quốc hội giao chủ trì soạn thảo là Luật Tổ chức VKSND và Bộ luật Tố tụng hình sự; tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng các dự án, văn bản pháp luật và chủ động đề xuất xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành; mở chuyên trang, chuyên mục trên các phương tiện thông tin, tuyên truyền của Ngành để đăng tải các bài viết giới thiệu về Hiến pháp… Đồng chí Viện trưởng khẳng định, những việc làm trên thể hiện thái độ nghiêm túc, tinh thần trách nhiệm đầy đủ của ngành KSND đối với nhiệm vụ triển khai thi hành Hiến pháp.
Đồng chí Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của
Quốc hội trình bày những nội dung cơ bản của Hiến pháp tại Hội nghị.
Liên quan công tác tổ chức cán bộ, đồng chí Viện trưởng nêu rõ, những năm qua và nhất là năm 2013, ngành KSND đã có bước đột phá trong công tác tổ chức cán bộ, chủ động xây dựng và triển khai nhiều giải pháp về công tác cán bộ, thực hiện có hiệu quả cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Ban Cán sự Đảng và Lãnh đạo VKSNDTC đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật, động viên khuyến khích cán bộ công chức thực hiện nhiệm vụ. Ngành KSND đã tiến hành tổng kết và kiến nghị sửa đổi Hiến pháp, Luật tổ chức VKSND; đổi mới hoạt động Thanh tra của Ngành; thành lập Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội và khai giảng Khóa 1; thành lập Vụ Thi đua - Khen thưởng … góp phần quan trọng cho việc nâng cao chất lượng công tác và vị thế của Ngành trước yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Để tạo sự chuyển biến tích cực hơn nữa trong công tác tổ chức cán bộ, đồng chí Viện trưởng cho rằng năm 2014, toàn ngành Kiểm sát cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức; đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng; trong đó tập trung hoàn thành và triển khai đề án Xác định vị trí việc làm, cơ cấu các ngạch công chức, viên chức; làm tốt công tác tuyển sinh Đại học kiểm sát khóa 2. Theo đồng chí Viện trưởng thì đây là những công việc quan trọng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển của Ngành, là những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2014 do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị trong toàn Ngành, lựa chọn những bước đi cụ thể, tăng cường nguồn lực để xây dựng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội được thực sự trở thành địa chỉ cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho Ngành và hệ thống các cơ quan tư pháp.
Đồng chí Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSNDTC phát biểu tại Hội nghị.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe đồng chí Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội trình bày những nội dung cơ bản và những điểm mới của Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Tiếp đó, đồng chí Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSNDTC đã giới thiệu một số nội dung của Hiến pháp liên quan đến tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của ngành KSND. Hội nghị cũng đã nghe tham luận của một số đơn vị liên quan đến những nội dung như: về nguyên tắc suy đoán vô tội; về nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong xét xử và trách nhiệm triển khai thi hành Hiến pháp của ngành KSND; một số ý kiến liên quan đến nguyên tắc “Khi thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, Kiểm sát viên tuân theo pháp luật và chịu sự chỉ đạo của Viện trưởng VKSND”…
Sau Hội nghị triển khai thi hành Hiến pháp đã diễn ra Hội nghị về công tác tổ chức cán bộ. Tại Hội nghị, Lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ VKSNDTC đã trình bày tóm tắt một số nội dung cần lưu ý về xây dựng Đề án vị trí việc làm trong ngành KSND. Tiếp đó, Lãnh đạo Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đã trình bày một số nội dung liên quan đến công tác tuyển sinh Đại học Kiểm sát năm 2014.
Nguồn: Báo Bảo Vệ Pháp Luật.