Khách mời dự Hội thảo có Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Quang, Đại học quốc gia Hà Nội; Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Thuật, Học viện Cảnh sát nhân dân; các chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học đến từ Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội, Vụ Tư pháp – Văn phòng Quốc hội, Vụ Pháp chế, Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an, Học viện Tư pháp, TANDTC và đại diện Lãnh đạo các đơn vị: Vụ 1, Vụ 1A, Vụ 1B, Vụ Hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp hình sự, Viện phúc thẩm 1, Cục Điều tra VKSNDTC…
Hội thảo đã nghe đại diện Viện khoa học Kiểm sát trình bày báo cáo đề dẫn hoàn thiện chế định chứng cứ, chứng minh trong BLTTHS. Báo cáo nhấn mạnh, để quy định rõ các vấn đề liên quan đến chứng cứ, chứng minh đề xuất sửa đổi, bổ sung Chương 5 thành hai mục: Mục 1: Chứng cứ gồm các điều quy định trong vụ án hình sự, các nguồn chứng cứ, loại trừ chứng cứ, bảo quản và xử lý vật chứng; Mục 2: Chứng minh gồm các điều quy định về các hoạt động chứng minh như: Thu thập chứng cứ, kiểm tra chứng cứ, đánh giá chứng cứ.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học đã phát biểu ý kiến và bày tỏ quan điểm của mình về các điều trong dự thảo Chương 5 hoàn thiện chế định chứng cứ, chứng minh trong BLTTHS như: Điều 64: Khái niệm về chứng cứ; Điều 65: Nguồn chứng cứ; Điều 66: Về nguyên tắc loại trừ chứng cứ; Điều 81: Về khái niệm hoạt động chứng minh; Điều 82: Về yêu cầu đối với việc thu thập chứng cứ; Điều 83: Về những người có quyền thu thập chứng cứ; Điều 84: Về kiểm tra, đánh giá chứng cứ; Điều 85: Về mặc nhiên công nhận chứng cứ; và một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau về xác định chứng cứ, về người có quyền thu thập chứng cứ, về những người có thẩm quyền kiểm tra, đánh giá chứng cứ, vấn đề giám định, về việc bổ sung lời khai của người chứng kiến là nguồn chứng cứ.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Viện trưởng thường trực VKSNDTC Hoàng Nghĩa Mai cảm ơn những ý kiến quý báu và đầy trách nhiệm của các nhà khoa học tại Hội thảo. Đồng chí Phó Viện trưởng thường trực VKSNDTC nhận thấy, với những cách tiếp cận khác nhau các ý kiến được nêu ra đã phản ánh được những yêu cầu thực tiễn đặt ra, đồng chí đề nghịvới tinh thần tiếp thu nghiêm túc Tổ biên tập tổng hợp, bổ sung đầy đủ để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Chương 5 chế định chứng cứ, chứng minh.
Đồng chí lưu ý, việc sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chương chế định chứng cứ, chứng minh trong BLTTHS phải đảm bảo tính khả thi phù hợp với mô hình tố tụng, thể chế chính trị và giải quyết tốt các vấn đề thực tiễn đặt ra hiện nay, vì đây là vấn đề lớn quan trọng có ý nghĩa quyết định trong quá trình phát hiện điều tra, xử lý, khởi tố đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, có tính chất xuyên suốt, cốt lõi BLTTHS, do đó cần có thêm nhiều cuộc hội thảo để các nhà khoa học có thời gian nghiên cứu, góp ý sâu hơn về những vấn đề lớn được nêu trong dự thảo BLTTHS (sửa đổi).
Song Ngư