Ngày 25/11/2014, đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Trưởng Ban Chỉ đạo ngành Kiểm sát nhân dân về các Chương trình phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội chủ trì Hội thảo về tăng cường các biện pháp thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 26/3/2008, Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị trong ngành Kiểm sát nhân dân. Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội, Hải phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Yên Bái, Thái Bình, Phú Thọ; đại diện Đại diện Lãnh đạo, Kiểm sát viên một số đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc tham dự hội thảo.
Đ/c Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng VKSND tối cao, Trưởng Ban Chỉ đạo
ngành KSND về các Chương trình phòng, chống tội phạm và
tệ nạn xã hội phát biểu chỉ đạo hội thảo
trình bày báo cáo tham luận
Các đại biểu tham dự hội thảo
Phần tham luận, các đại biểu dự hội thảo phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung phát biểu góp ý kiến về việc thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW và Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị trong ngành Kiểm sát nhân dân, có liên quan trực tiếp đến tổ chức và hoạt động của Ngành; đồng thời, nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội của đơn vị mình và đề xuất các biện pháp tổ chức thực hiện nhằm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Ngành giao cho trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo hội thảo, đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao biểu dương tinh thần trách nhiệm cao của các đồng chí trong Ban Chỉ đạo, tham mưu có hiệu quả cho Lãnh đạo Viện về công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Về nhiệm vụ trọng tâm của Ban Chỉ đạo ngành Kiểm sát nhân dân về các Chương trình phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hải Phong chỉ đạo: Tiếp tục đề ra các biện pháp cụ thể thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 06-KH/BCS ngày 16/11/2010 và Kế hoạch số 55/KH-VKSTC-V1C ngày 29/5/2014 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW; Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị trong ngành Kiểm sát nhân dân. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Viện kiểm sát các cấp về phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy, tích cực thực hiện lồng ghép với công tác chuyên môn; đồng thời phối hợp chặt chẽ việc thực hiện 02 Chương trình mục tiêu quốc gia này với các chương trình mục tiêu quốc gia khác nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể và mỗi cán bộ, đảng viên trong phòng, chống và kiểm soát tội phạm, tệ nạn ma túy ở địa phương, đơn vị. Chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình công tác của địa phương, đơn vị để triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu trong Nghị quyết số 37/2012/QH13, Nghị quyết số 63/2013/QH13 của Quốc hội và các chỉ tiêu công tác khác của Viện KSND tối cao. Đồng chí Phó Viện trưởng yêu cầu chủ động tổ chức các hoạt động tuyên truyền phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma tuý bằng nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt chú trọng phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng lựa chọn và tập trung giải quyết các vụ án điểm; phối hợp với Tòa án tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động để tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm, phòng ngừa ma túy, góp phần xây dựng phong trào toàn dân tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma tuý. Phối hợp trao đổi thông tin tuyên truyền phòng, chống ma túy trong Ngành, với các ngành hữu quan, tại địa phương; đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, xây dựng luật, pháp lệnh theo phân công của Quốc hội, nhất là các dự án luật Ngành được giao chủ trì, các luật liên quan đến trách nhiệm và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân tối cao; tăng cường công tác xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật. Tích cực tham gia ý kiến để hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma tuý, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống và kiểm soát ma tuý. Tham mưu giúp Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo, hướng dẫn toàn Ngành thực hiện các Chương trình phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội. Nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, trọng tâm là: “Nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa”, góp phần đảm bảo hoạt động xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm bằng nhiều hình thức với nội dung phong phú nhằm nâng cao nhận thức và đề cao trách nhiệm của cán bộ, Kiểm sát viên trong công tác này. Nâng cao chất lượng báo cáo, công tác thống kê tội phạm và ứng dụng công nghệ thông tin, nghiên cứu triển khai ứng dụng phần mềm quản lý án hình sự; đánh giá đầy đủ tình hình vi phạm, tội phạm trong hoạt động tư pháp.
Nguồn: Viện KSND tối cao