Ngày 05/11/2014, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức họp Ủy ban kiểm sát mở rộng để thảo luận, cho ý kiến đối với Dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi). Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao dự và chủ trì buổi làm việc. Cùng dự có các đồng chí Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao: Lê Hữu Thể, Nguyễn Văn Khánh. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao và thành viên Tổ biên tập Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân tham dự buổi làm việc.
Đ/C Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu chỉ đạo
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhấn mạnh, việc xây dựng Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) là mục tiêu nhằm cụ thể hóa các quy định về Viện kiểm sát nhân dân trong Hiến pháp 2013 vừa được Quốc hội thông qua; tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức, hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân theo yêu cầu cải cách tư pháp; bảo đảm thiết chế đểViện kiểm sát nhân dân có đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tại buổi làm việc, đồng chí Hoàng Quỳnh Chi, Phó Viện trưởng Viện khoa học kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình bày Dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi). Dự thảo gồm 6 chương, 98 điều gồm: Những Quy định chung; các công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân; tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân; cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khác của Viện kiểm sát nhân dân; bảo đảm hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân; điều khoản thi hành. Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) lần này đã quán triệt được các Nghị quyết, văn kiện của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị “Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới”, Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị “Về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật ở Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020”, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị “Về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”; Kết luật số 79-KL/TW ngày 28/7/2010 của Bộ Chính trị về “Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án, Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” và văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.
Toàn cảnh buổi làm việc
Có 11 ý kiến phát biểu đều thống nhất về Dự thảo Nghị quyết thi hành Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) phải dựa trên cơ sở tổng kết những vấn đề lý luận và thực tiễn tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân theo quy định của Hiến pháp 2013, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân số 34/2002/QH10 và pháp lệnh tổ chức Viện kiểm sát quân sự số 05/2002/Pl-UBTVQH11 và Pháp lệnh Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân số 15/2011/PL-UBTVQH12; bảo đảm kế thừa truyền thống, kinh nghiệm tổ chức và hoạt động của cơ quan công tố, kiểm sát của Nhà nước ta trong 60 năm qua; khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thi hành luật tạo điều kiện để Viện kiểm sát nhân dân hoàn thành tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, góp phần tích cực trong đấu tranh, phòng chống tội phạm, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong giai đoạn mới.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao tinh thần trách nhiệm qua các ý kiến đóng góp của đại biểu về Dự thảo Nghị Quyết thi hành Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân; đồng thời nêu rõ: Yêu cầu sửa đổi, bổ sung, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân là xuất phát từ đặc điểm cụ thể về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa của nước ta, bảo đảm lãnh đạo toàn diện của Đảng, sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan dân cử và nhân dân; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của pháp luật, trên cơ sở phù hợp với Hiến pháp 2013, với các luật, pháp lệnh của Quốc hội; phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm tổ chức và hoạt động của cơ quan công tố, kiểm sát của các nước trên thế giới và trong khu vực, phù hợp với truyền thống văn hóa, điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội của nước ta thời gian tới.
Nguồn: Viện KSND tối cao