TAND tỉnh Phú Yên vừa xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Gần và bị đơn là ông Lê Văn Bông; cả hai cùng trú tại huyện Tây Hòa.
Theo hồ sơ, diện tích đất 526m2 tọa lạc tại khu phố Phước Mỹ Tây, thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa có nguồn gốc của vợ chồng bà Võ Thị Rộng. Năm 1967, bà Rộng làm giấy thuận phân cho vợ chồng ông Lê Nở căn nhà trên gắn liền với đất; cho vợ chồng bà Gần căn nhà dưới lợp ngói, vách đất gắn liền với tiện tích trên. Giấy thuận phân này đã được chính quyền địa phương thời điểm đó chứng thực. Năm 1976, sau khi chồng chết, nhà bị đánh bom sập, bà Gần đưa các con về nhà cha mẹ đẻ ở, còn nhà đất thì tạm giao cho ông Lê Nở quản lý. Sau khi ông Nở chết, ông Lê Văn Bông (con ông Nở) là người tiếp tục quản lý nhà đất trên. Quá trình ở, ông Bông đã xây, sửa chữa lại nhà dưới, đăng ký kê khai diện tích đất và được Nhà nước cân đối giao đất cho hộ gia đình ông Bông. Theo những người làm chứng do cấp sơ thẩm thu thập thì sự việc phân chia tài sản của bà Rộng là có thật, đúng như bà Gần trình bày. Bà Gần yêu cầu ông Bông trả lại diện tích đất mà bà Rộng đã chia cho vợ chồng bà từ năm 1967.
Bản án sơ thẩm dân sự số 13/DS-ST ngày 06/9/2017 của TAND huyện Tây Hòa đã quyết định: Bác yêu cầu khởi kiện của bà Gần. Sau khi án tuyên, bà Gần kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Ngày 04/1/2018, TAND tỉnh Phú Yên xét xử phúc thẩm, đã nhận định: Theo đơn khởi kiện và đơn khiếu nại về việc bị chiếm đất của nguyên đơn, cũng như trong quá trình thu thập chứng cứ của Tòa án cấp sơ thẩm, bà Gần đều yêu cầu bị đơn phải trả lại phần nhà đất như giấy thuận phân năm 1967. Tại phiên tòa sơ thẩm, người được bà Gần ủy quyền chỉ yêu cầu trả đất như sơ đồ hiện trạng do Hội đồng định giá lập ngày 30/3/2016. Tòa án cấp sơ thẩm đã không xem xét tính hợp pháp của giấy thuận phân do nguyên đơn giao nộp.
Theo biên bản thẩm định tại chỗ của TAND tỉnh Phú Yên thì trên đất tranh chấp vẫn tồn tại nền móng nhà cũ, giếng nước, phần mõng cũ của nhà dưới mà vợ chồng bà Gần được chia. Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải trả phần nền móng nhà dưới gắn liền quyền sử dụng đất như giấy thuận phân lập năm 1967 được cơ quan có thẩm quyền chứng thực. Đây là tình tiết mới phát sinh ở cấp phúc thẩm, để giải quyết toàn diện vụ án đúng như yêu cầu của người khởi kiện và phạm vi phởi kiện, cần hủy án sơ thẩm để giải quyết lại.
Mặc khác, khi Nhà nước cân đối theo Nghị định 64/CP của Chính phủ, thì bà Gần không có mặt tại địa phương nên ông Bông đã tự kê khai diện tích đất này và được Nhà nước cân đối giao cho hộ gia đình ông Bông gồm 200m2 đất ở, 200m2 đất quy hoạch thổ cư và 657m2 đất vườn cho 07 người gồm vợ chồng bị đơn và 05 người con của bị đơn. Phần đất ở giao cho cả hộ, phần đất vườn và ruộng giao cho 05 người con của bị đơn. Như vậy, khi Nhà nước thực hiện chính sách đất đai thì chỉ cân đối giao đất hàng năm khác chứ không giao phần đất gắn liền với nhà ở. Theo giấy thuận phân, nguyên đơn được chia căn nhà dưới gắn liền với đất tranh chấp, nhưng hồ sơ vụ án chưa thể hiện đất hộ gia đình ông Bông được cấp theo Nghị định 64/CP như thế nào. Theo UBND thị trấn Phú Thứ nội dung này không lưu sổ sách nên không biết đất tranh chấp có vào hợp tác xã hay không? Vấn đề này Tòa án cấp sơ thẩm chưa làm rõ.
Từ đó, TAND tỉnh Phú Yên đã tuyên hủy án sơ thẩm số 13/DS-ST ngày 06/9/2017 của TAND huyện Tây Hòa để giải quyết lại theo đúng quy định pháp luật.
Thu Tuyết