Chiều ngày 11/11/2015, Lê Trùng Dương cùng hai em ruột là Lê Quốc Tỉnh, Lê Anh Hào và người bạn là Trần Văn Nhật tổ chức ăn nhậu tại nhà ông Lê Xuân Bình (cha của ba anh em Dương) tại thôn Suối Bạc, xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa. Trong lúc nhậu, Dương cầm cây đi đến nhà ông Trần Thoại ở gần đó để hỏi chuyện trước đó mẹ mình là bà Võ Thị Bích Hồng bị vợ và con gái ông Thoại đánh, nhưng không gặp ai nên về nhậu tiếp. Đến khoảng 17h30 cùng ngày, Dương nghe phía nhà ông Thoại hô hét to tiếng nên nói với Hào, Tỉnh, Nhật “ Ra ngoài chứ không tụi nó xuống đập nhà, chơi tụi nó luôn”. Sau đó, cả bốn người cầm cây gỗ chạy đến đoạn đường trước nhà Oi Rọ thì gặp Trần Thận (là người nhà ông Thoại) đang đi về nhà. Dương, Hào, Tỉnh và Nhật cầm cây xông vào đánh Thận. Thận chạy vào nhà Oi Rọ, Nhật đuổi theo đến trước cổng nhà Oi Rọ dừng lại, còn Dương, Tỉnh và Hào vẫn tiếp tục đuổi theo. Dương dùng cây đánh trúng vào chân trái Thận; Thận tiếp tục chạy thì bị Tỉnh và Hào dùng cây đánh trúng vào đầu, người Thận. Sau đó, Dương và Nhật dùng cây đánh nhau với các ông Trần Thân, Trần Thoại, Trần Thúy (anh, em với Thận) rồi bỏ về. Kết luận giám định y pháp của Trung tâm pháp y tỉnh Phú Yên xác định Trần Thận bị thương tích 29%.
Ngày 28/02/2017, TAND huyện Sơn Hòa xét xử sơ thẩm đã áp dụng khoản 2 Điều 104 BLHS và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, xử phạt Lê Trùng Dương 18 tháng tù; Lê Quốc Tỉnh, Lê Anh Hào mỗi bị cáo 18 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 36 tháng; Trần Văn Nhật 09 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 18 tháng cùng về tội cố ý gây thương tích.
Qua kiểm sát bản án, VKSND tỉnh Phú Yên nhận thấy: Cấp sơ thẩm đã truy tố, xét xử các bị cáo về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại khoản 2 Điều 104 BLHS là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Tuy nhiên, xét tính chất, mức độ phạm tội của các bị cáo thì thấy rằng: giữa bị hại với các bị cáo không có mâu thuẫn gì nhưng các bị cáo Lê Trùng Dương, Lê Quốc Tỉnh, Lê Anh Hào đã dùng cây gỗ là hung khí nguy hiểm đánh bị hại, trong đó các bị cáo Hào, Tỉnh đánh vào vùng đầu của bị hại. Hành vi của các bị cáo thể hiện tính côn đồ, hung hãn, coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác, gây ra tỷ lệ thương tích cao nhất của khung hình phạt (29%). Do đó, cần phải xử nghiêm trong khung hình phạt và cách ly các bị cáo ra khỏi xã hội mới đảm bảo yêu cầu răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm đánh giá không đúng tính chất hành vi phạm tội của các bị cáo nên không áp dụng tình tiết tăng nặng “Phạm tội có tính chất côn đồ” là thiếu sót và áp dụng Điều 47 BLHS xử phạt các bị cáo Lê Trùng Dương, Lê Quốc Tỉnh, Lê Anh Hào dưới mức thấp nhất của khung hình phạt là chưa tương xứng với tính chất hành vi phạm tội, hậu quả các bị cáo gây ra; đồng thời cho các bị cáo Tỉnh hưởng án treo là vi phạm điểm a khoản 2 Điều 2Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP ngày 06/11/2013 của Hội đồng thẩm phán TANDTC.
Từ đó, VKSND tỉnh Phú Yên đã kháng nghị, đề nghị TAND tỉnh Phú Yên xét xử phúc thẩm tăng hình phạt đối với bị cáo Dương, Tỉnh, Hào và không cho bị cáo Tỉnh hưởng án treo.
Vừa qua, TAND tỉnh Phú Yên đã mở phiên tòa phúc thẩm, chấp nhận kháng nghị của VKSND tỉnh, xử phạt Lê Trùng Dương và Lê Quốc Tỉnh mỗi bị cáo 24 tháng tù; Lê Anh Hào 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 48 tháng.
TUYẾT NHI-HỒ LƯU