Từ ngày 04/4 đến ngày 06/4/2016, VKSNDTC tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn ngành tập huấn các đạo luật mới về lĩnh vực tư pháp. Tạp chí Kiểm sát sẽ lần lượt giới thiệu tới bạn đọc các bài thuyết trình của các chuyên gia. Sau đây, là phần lược ghi bài giảng của chuyên gia Nguyễn Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp, về những nội dung cơ bản của Bộ luật dân sự năm 2015.
I. MỤC TIÊU, QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG BỘ LUẬT
- Bộ luật được xây dựng trên cơ sở cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013;
- Xây dựng Bộ luật với ý nghĩa, vai trò là luật chung của pháp luật tư;
- Ghi nhận, bảo vệ tốt hơn quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong giao lưu dân sự
- Góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường
- Kế thừa truyền thống pháp luật dân sự nước ta từ trước đến nay
II. BỐ CỤC VÀ NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN
Bộ luật có 6 phần, 27 chương với 689 điều, bao gồm:
Phần thứ nhất “Quy định chung” (Điều 1 đến Điều 157) quy định về phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, mối quan hệ giữa BLDS với luật khác có liên quan và điều ước quốc tế, cơ chế pháp lý giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp không có quy định của pháp luật, xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền dân sự, địa vị pháp lý của chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự, tài sản, giao dịch dân sự, đại diện, thời hạn và thời hiệu và được kết cấu thành 10 chương.
Phần thứ hai “Quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản” (Điều 158 - Điều 273), quy định về nguyên tắc xác lập, thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản, bảo vệ và giới hạn quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản, chiếm hữu, quyền sở hữu, quyền đối với bất động sản liền kề, quyền hưởng dụng, quyền bề mặt và được kết cấu thành 4 chương
Phần thứ ba “Nghĩa vụ và hợp đồng” (Điều 274 - Điều 608), quy định về căn cứ phát sinh, thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm dân sự, bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, giao kết, thực hiện và chấm dứt hợp đồng, một số hợp đồng thông dụng, hứa thưởng và thi có giải, thực hiện công việc không có ủy quyền, nghĩa vụ hoàn trả do chiếm hữu, sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật và trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và được kết cấu thành 6 chương
Phần thứ tư “Thừa kế” (Điều 609 - Điều 662), quy định về quyền thừa kế, thời điểm, địa điểm mở thừa kế, di sản, người thừa kế, người quản lý di sản, từ chối nhận di sản, thời hiệu thừa kế, thừa kế theo di chúc, thừa kế theo pháp luật, thanh toán, phân chia di sản và được kết cấu theo 4 chương
Phần thứ năm “Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài” (Điều 663 - Điều 687), quy định về xác định pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, pháp luật áp dụng đối với cá nhân, pháp nhân, đối với quan hệ tài sản, quan hệ nhân thân có yếu tố nước ngoài và được kết cấu thành 3 chương
Phần thứ sáu “Điều khoản thi hành” (Điều 688 và Điều 689).
So với Bộ luật dân sự năm 2005, Bộ luật giữ nguyên 82 điều, kế thừa và sửa đổi 573 điều, bổ sung 70 điều, bãi bỏ 122 điều.
Bổ sung Chương V “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước ở trung ương, ở địa phương trong quan hệ dân sự,
Chương VII “Tài sản (quy định về tài sản ở Phần Tài sản và quyền sở hữu của Bộ luật dân sự năm 2005), Chương XII “Chiếm hữu”, Chương XIV “Quyền khác đối với tài sản”, Chương XVII “Hứa thưởng, thi có giải”; sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ một số chương, như Chương II - Những nguyên tắc cơ bản của BLDS năm 2005 được sửa đổi thành một điều “Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự” (Điều 3); Chương VIII “Thời hạn”, Chương IX “Thời hiệu” của Bộ luật dân sự năm 2005 được quy định chung thành một chương (Chương X “Thời hạn và thời hiệu”)...
III. MỘT SỐ NỘI DUNG MỚI CHỦ YẾU
1. Xác định rõ vị trí, vai trò luật chung của Bộ luật dân sự
Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1)
Các quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật là các quan hệ có chủ thể là cá nhân, pháp nhân với các dấu hiệu chung, cơ bản là bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm; Quy định thống nhất các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự (Điều 3)
Bộ luật quy định những nguyên tắc thể hiện nguyên lý cơ bản nhất của quan hệ dân sự và của pháp luật dân sự, bao gồm:
(1) Nguyên tắc bình đẳng; (2) Nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận; (3) Nguyên tắc thiện chí, trung thực; (4) Nguyên tắc tôn trọng lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; (5) Nguyên tắc tự chịu trách nhiệm dân sự. Nội dung của các nguyên tắc này cũng được Bộ luật quy định theo hướng khái quát hóa, trừu tượng hóa để phù hợp với tính đa dạng trong việc điều chỉnh của pháp luật dân sự, trong việc thiết lập nền tảng về chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân trong đời sống dân sự và sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật dân sự trong điều chỉnh các quan hệ dân sự; quy định cụ thể về mối quan hệ giữa BLDS và luật khác có liên quan (Điều 4)
Sửa đổi hoặc bổ sung quy định về tạo lập công cụ pháp lý trong giải quyết vụ việc dân sự khi không có quy định của pháp luật.
Bên cạnh kế thừa có phát triển quy định về áp dụng tập quán, áp dụng tương tự pháp luật, Bộ luật bổ sung quy định trong trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định và cũng không thể áp dụng tập quán, áp dụng tương tự pháp luật thì Tòa án có thể áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng để giải quyết vụ việc dân sự.
Bổ sung cơ chế pháp lý về thực hiện, bảo vệ quyền dân sự (Điều 9 - Điều 15)
Vị trí luật chung còn thể hiện trong các quy định về địa vị pháp lý của chủ thể trong quan hệ dân sự, giao dịch dân sự, đại diện, thời hiệu, quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản, trách nhiệm dân sự…
2. Quy định về chủ thể quan hệ pháp luật dân sự có tính bao quát, thống nhất và phù hợp hơn với tính chất của quan hệ dân sự, tạo cơ chế pháp lý thuận lợi, minh bạch hơn để chủ thể tham gia quan hệ dân sự và trong công nhận, thực hiện và bảo vệ quyền dân sự.
Về cá nhân: Được quy định tại Điều 21; Người có khả năng trong nhận thức, làm chủ hành vi tại Điều23; Quyền nhân thân được quy định tại Điều 25; Quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình được quy định tại Điều 39; Quy định về giám hộ và chấm dứt việc giám hộ tại (Điều 46 - Điều 63); Về pháp nhân (Điều 74 - Điều 96)
Bộ luật quy định mọi cá nhân, pháp nhân đều có quyền thành lập pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác. Trường hợp pháp nhân phải đăng ký hoạt động thì năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân phát sinh từ thời điểm ghi vào sổ đăng ký.
Pháp nhân phải thực hiện các quyền, nghĩa vụ dân sự do sáng lập viên xác lập, thực hiện để thành lập, đăng ký pháp nhân, pháp nhân được thành lập theo pháp luật Việt Nam là pháp nhân Việt Nam.
Quy định rõ ràng hơn về các dấu hiệu có liên quan giữa pháp nhân có thành viên và pháp nhân không có thành viên (quỹ xã hội, quỹ từ thiện) trong một số quy định có liên quan về điều lệ, cơ cấu tổ chức của pháp nhân, trách nhiệm dân sự của pháp nhân, tài sản và thanh toán tài sản khi giải thể pháp nhân.
Về Nhà nước CHXHCN Việt Nam, cơ quan nhà nước ở trung ương, ở địa phương trong quan hệ dân sự (Điều 76, Điều 97 - Điều 100)
Nhà nước CHXHCN Việt Nam, cơ quan nhà nước ở trung ương, ở địa phương khi tham gia quan hệ dân sự thì bình đẳng với các chủ thể khác và chịu trách nhiệm dân sự theo quy định của Bộ luật này.
Về hộ gia đình, tổ hợp tác và tổ chức khác không có tư cách pháp nhân trong quan hệ dân sự (Điều 101 - Điều 104)
Trường hợp hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự thì các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Việc xác định chủ thể của quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình sử dụng đất được thực hiện theo quy định của Luật đất đai. Bộ luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về đại diện (Điều 137, Điều 138), tài sản chung của các thành viên gia đình (Điều 212), hợp đồng hợp tác (Điều 504 - Điều 512) để tạo cơ chế pháp lý phù hợp với cách tiếp cận mới về hộ gia đình, tổ hợp tác trong quan hệ dân sự.
3. Quy định bao quát, minh bạch hơn về tài sản trong giao lưu dân sự (Điều 105 - Điều 115)
Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai. Quyền sử dụng đất, quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ và các quyền trị giá được bằng tiền khác là quyền tài sản.
Quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là bất động sản được đăng ký theo quy định của Bộ luật này và pháp luật về đăng ký tài sản; quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là động sản không phải đăng ký, trừ trường hợp pháp luật về đăng ký tài sản có quy định khác. Việc đăng ký tài sản phải được công khai.
4. Quy định về giao dịch dân sự và đại diện linh hoạt, bao quát hơn, bảo đảm tốt hơn về tự do ý chí, sự an toàn pháp lý và ổn định trong giao dịch dân sự, quyền, lợi ích của bên thiện chí, bên ngay tình.
-Về giao dịch dân sự (Điều 116 - Điều 133)
- Quy định cụ thể hơn về thời hiệu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu và hậu quả pháp lý của việc hết thời hiệu này. Trong đó, thời điểm tính thời hiệu đối với giao dịch vô hiệu tương đối (các điều 125, 126, 127, 128) và giao dịch vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức (Điều 129) được quy định linh hoạt theo tính chất của từng loại giao dịch và hết thời hiệu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu tương đối mà không có yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu thì giao dịch dân sự có hiệu lực.
Về đại diện (Điều 134 - Điều 143)
5. Quy định về thời hiệu phù hợp hơn với bản chất pháp lý của thời hiệu trong quan hệ dân sự - công cụ pháp lý để chủ thể sử dụng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình (Điều 149 - Điều 157)
6. Quy định về quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản theo hướng tách bạch giữa Quan hệ thực tế của người chiếm hữu với tài sản và Quan hệ giữa chủ sở hữu với chủ thể có quyền khác đối với tài sản khi có lợi ích trên cùng một tài sản; tách bạch giữa thời điểm có hiệu lực của giao dịch với thời điểm chuyển quyền và thời điểm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba. Qua đó, bảo đảm tốt hơn cho tài sản là hàng hóa trong giao lưu dân sự, được lưu thông không ngừng ở nhiều dạng thức, quy mô khác nhau, được tối đa hóa giá trị không chỉ bởi chủ sở hữu mà còn bởi cả người không phải là chủ sở hữu; hạn chế được rủi ro pháp lý, giữ được sự ổn định của các quan hệ dân sự và các quan hệ khác có liên quan.
Về quy định chung (Điều 158 – Điều 178); Về thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản (Điều 161); Về chiếm hữu (Điều 179 - Điều 185);Về hình thức sở hữu (Điều 197 - Điều 220);Về quyền đối với bất động sản liền kề (Điều 245 - Điều 256); Về quyền hưởng dụng (Điều 257 - Điều 266); Về quyền bề mặt (Điều 267– Điều 273)
7. Quy định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đầy đủ, rõ ràng và hợp lý hơn về những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, về sự thông thoáng, minh bạch, an toàn pháp lý trong bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự (Điều 292 - Điều 350)
- Ghi nhận 9 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bao gồm: (1) Cầm cố tài sản; (2) Thế chấp tài sản; (3) Đặt cọc; (4) Ký cược; (5) Ký quỹ; (6) Bảo lưu quyền sở hữu (bổ sung); (7) Bảo lãnh; (8) Tín chấp và (9) Cầm giữ tài sản (bổ sung);
Đặc biệt, Bộ luật bổ sung quy định về việc xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất mà không thế chấp tài sản gắn liền với đất (Điều 325) và thế chấp tài sản gắn liền với đất mà không thế chấp quyền sử dụng đất (Điều 326). Trong đó, trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất mà không thế chấp tài sản gắn liền với đất và người sử dụng đất đồng thời là chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thì tài sản được xử lý bao gồm cả tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp có thỏa thuận khác; trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất mà người sử dụng đất không đồng thời là chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thì khi xử lý quyền sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được tiếp tục sử dụng đất trong phạm vi quyền, nghĩa vụ của mình; quyền và nghĩa vụ của bên thế chấp trong mối quan hệ với chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được chuyển giao cho người nhận chuyển quyền sử dụng đất, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
8. Quy định về trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ theo hướng bảo đảm sự an toàn, thông thoáng, sự thiện chí và công bằng trong quan hệ nghĩa vụ (Điều 351 - Điều 364)
- Quy định cụ thể hơn về nội hàm của vi phạm nghĩa vụ bao gồm việc bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung của nghĩa vụ;
- Quy định lãi suất phát sinh do chậm trả tiền không dựa trên lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước mà dựa trên mức lãi suất cố định như trong hợp đồng vay tài sản;
- Quy định trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác;
9. Quy định về hợp đồng đã bảo đảm hơn về tự do ý chí, tính hợp lý, công bằng, hạn chế rủi ro pháp lý và thông lệ quốc tế trong hợp đồng (Điều 385 - Điều 569)
Về giao kết hợp đồng (Điều 385 - Điều 397)
Quy định đề nghị giao kết hợp đồng là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên đã được xác định hoặc tới công chúng;
Về giải thích hợp đồng dân sự (Điều 404)
Về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trong giao kết hợp đồng (Điều 405 và Điều 406)
Bổ sung điều kiện giao dịch chung trong giao kết hợp đồng. Nội dung của điều kiện giao dịch chung phải bảo đảm sự bình đẳng giữa các bên.
Về thực hiện hợp đồng (Điều 409 - Điều 420)
- Bổ sung quy định, trường hợp người thứ ba từ chối lợi ích của mình sau khi bên có nghĩa vụ trong hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba đã thực hiện nghĩa vụ thì lợi ích phát sinh từ hợp đồng thuộc về bên mà nếu hợp đồng không vì lợi ích của người thứ ba thì họ là người thụ hưởng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác;
- Bổ sung quy định, thiệt hại được bồi thường do vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng được xác định theo quy định chung tại khoản 2 Điều 419, Điều 13 và Điều 360 của Bộ luật;
- Bổ sung quy định về thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi một cách cơ bản khi có đủ các điều kiệnluật quy định
Về hủy bỏ hợp đồng, đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng (Điều 422 - Điều 429)
- Sửa đổi căn cứ hủy bỏ hợp đồng theo hướng, một bên có quyền huỷ bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại trong trường hợp bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện huỷ bỏ mà các bên đã thoả thuận; bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng; trường hợp khác do luật quy định.
- Sửa đổi quy định về đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng theo hướng, một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
- Quy định việc bồi thường cho bên bị thiệt hại trong hủy bỏ hợp đồng, đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng không dựa trên cơ sở lỗi của bên vi phạm mà căn cứ vào nguyên tắc bên bị thiệt hại do hành vi vi phạm nghĩa vụ của bên kia được bồi thường;
- Sửa đổi quy định về thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
-Về hợp đồng thông dụng (Điều 430 - Điều 569)
- Về hợp đồng mua bán tài sản (Điều 430 - Điều 454), Bộ luật quy định, tài sản được quy định tại Bộ luật này đều có thể là đối tượng của hợp đồng mua bán
Về hợp đồng vay tài sản (Điều 463 - Điều 471), Bộ luật quy định lãi suất trong vay tài sản theo một mức lãi suất trần cố định và có cơ chế linh hoạt trong điều chỉnh về lãi suất trần. Theo đó: Bộ luật quy định, trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều 468 tại thời điểm trả nợ.
Về nghĩa vụ trả nợ của bên vay, Bộ luật quy định, trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc luật có quy định khác.
10. Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (Điều 584 - Điều 608)
- Sửa đổi quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo hướng, người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác;
- Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình;
- Quy định về mức bồi thường bù đắp tổn thất tinh thần do các bên thỏa thuận, nếu các bên không có thỏa thuận thì được xác định theo hướng do luật quy định.
- Quy định về bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra.
- Quy định thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
11. Về thừa kế (Điều 609 - Điều 662)
Bổ sung quy định người quản lý di sản, người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản được thanh toán chi phí bảo quản di sản; được hưởng thù lao theo thoả thuận với những người thừa kế, trường hợp không đạt được thỏa thuận với những người thừa kế về mức thù lao thì người quản lý di sản được hưởng một khoản thù lao hợp lý;
12. Về pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài
Về quy định chung (Điều 663 - Điều 671)
- Pháp luật áp dụng xác định dựa trên các quy phạm xung đột trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam.
- Thời hiệu áp dụng đối với QHDS yếu tố nước ngoài được xác định theo pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự đó.
Về pháp luật áp dụng đối với cá nhân, pháp nhân (Điều 672 - Điều 676)
Pháp luật áp dụng với năng lực pháp luật và năng lực hành vi của cá nhân xác định trên cơ sở quốc tịch; trường hợp pháp luật được dẫn chiếu đến là pháp luật của nước mà cá nhân có quốc tịch thì pháp luật áp dụng đối với cá nhân có nhiều quốc tịch, trong đó có quốc tịch Việt Nam là pháp luật Việt Nam; pháp luật của nước nơi pháp nhân có quốc tịch là pháp luật áp dụng với những vấn đề về nhân thân của pháp nhân (tên gọi, đại diện theo pháp luật, cơ cấu tổ chức nội bộ, quan hệ giữa pháp nhân với thành viên pháp nhân, người của pháp nhân…). Quốc tịch của pháp nhân xác định theo pháp luật nơi pháp nhân thành lập.
Về pháp luật áp dụng đối với quan hệ tài sản, quan hệ nhân thân (Điều 677 - Điều 687)
- Đối với giám hộ, pháp luật nước nơi người được giám hộ cư trú là pháp luật áp dụng với quan hệ giám hộ;
- Đối với nghĩa vụ hoàn trả do chiếm hữu, sử dụng, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật và thực hiện công việc không có ủy quyền, pháp luật của nơi thực hiện việc chiếm hữu, sử dụng tài sản hoặc nơi phát sinh lợi ích được hưởng mà không có căn cứ pháp luật là pháp luật áp dụng đối với quan hệ nghĩa vụ hoàn trả do chiếm hữu, sử dụng, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật. Pháp luật do các bên lựa chọn áp dụng với quan hệ thực hiện công việc không có ủy quyền, nếu các bên không chọn, pháp luật nơi thực hiện công việc không có ủy quyền được áp dụng;
- Đối với quyền sở hữu trí tuệ, pháp luật của nước nơi đối tượng quyền sở hữu trí tuệ được yêu cầu bảo hộ là pháp luật áp dụng với quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài;
- Đối với hình thức di chúc, pháp luật áp dụng với hình thức di chúc bao gồm: pháp luật của một trong các nước: nơi lập di chúc, nơi người lập di chúc cư trú hoặc có quốc tịch tại thời điểm lập di chúc hoặc tại thời điểm người lập di chúc chết, nơi có bất động sản nếu di sản thừa kế là bất động sản;
- Đối với bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, các bên có thể thỏa thuận chọn luật áp dụng đối với việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, trừ trường hợp bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại có cùng nơi cư trú hoặc thành lập thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước đó. Trường hợp các bên không chọn pháp luật áp dụng, pháp luật nơi phát sinh hậu quả của sự kiện gây thiệt hại được áp dụng.
13. Về Điều khoản thi hành (Điều 688 - 689)
- Bộ luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017. Bộ luật Dân sự năm 2005 (Luật số 33/2005/QH11) hết hiệu lực kể từ ngày Bộ luật có hiệu lực;
- Đối với giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật này có hiệu lực thì việc áp dụng pháp luật được quy định như sau:
+ Giao dịch dân sự chưa được thực hiện mà có nội dung, hình thức khác với quy định của Bộ luật này thì chủ thể giao dịch tiếp tục thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11, trừ trường hợp các bên của giao dịch dân sự có thỏa thuận về việc sửa đổi, bổ sung nội dung, hình thức của giao dịch để phù hợp với Bộ luật này và để áp dụng quy định của Bộ luật này.
Giao dịch dân sự đang được thực hiện mà có nội dung, hình thức khác với quy định của Bộ luật này thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11;
+ Giao dịch dân sự chưa được thực hiện hoặc đang được thực hiện mà có nội dung và hình thức phù hợp với quy định của Bộ luật này thì áp dụng quy định của Bộ luật này;
+ Giao dịch dân sự được thực hiện xong trước ngày Bộ luật này có hiệu lực mà có tranh chấp thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11 để giải quyết;
+ Thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này.
- Không áp dụng Bộ luật này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với vụ việc mà Tòa án đã giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự trước ngày Bộ luật này có hiệu lực.
Nguồn: VKSNDTC