Qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, giải quyết nguồn tin tội phạm của VKSND thị xã Sông Cầu, Phú Yên trong thời gian qua nhận thấy: Thị xã Sông Cầu với đặc thù là địa phương có đường bờ biển dài, cùng với mục tiêu phát triển kinh tế dựa trên những ưu thế tự nhiên về biển, hành nghề lặn biển đang trở thành một công việc quan trọng trong ngư nghiệp và ngành du lịch biển những năm gần đây.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích kinh tế thì việc không đảm bảo an toàn lao động có thể gây ra nguy cơ lớn đối với những người làm việc trong lĩnh vực này, nhất là đối với những hộ dân hành nghề lặn biển tự phát.
Ảnh: Người dân chuẩn bị đi lặn biển
Thực tế đã xảy ra một số vụ việc liên quan đến tai nạn lao động nghề lặn biển, cụ thể: Vào ngày 12/7/2023 và 12/9/2023, tại vùng biển thuộc thôn Hòa An, xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu, đã xảy ra hai vụ tai nạn đuối nước thương tâm. Nguyên nhân là do anh Nguyễn M, sinh năm 1993 và anh Võ Minh H, sinh năm 1987 đi lặn biển để bắt hải sản, nhưng không bảo đảm điều kiện an toàn lao động dẫn đến ngạt nước và tử vong. Cả hai vụ việc trên đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thị xã và VKSND thị xã Sông Cầu phối hợp tổ chức khám nghiệm và thụ lý, giải quyết tin báo theo quy định.
Hai vụ việc tai nạn với cùng nguyên nhân là người lặn biển không thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn lao động, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với người dân hành nghề lặn biển cần phải nâng cao ý thức và thực hiện nghiêm các quy tắc an toàn để đảm bảo người dân có thể làm việc dưới nước một cách an toàn và tránh rủi ro, tai nạn có thể xảy ra, nhất là trong những tháng mùa mưa lũ sắp tới.
Ảnh: Dụng cụ lặn biển không đảm bảo an toàn
Để giảm thiểu nguy cơ tai nạn lao động từ nghề lặn biển, qua công tác kiểm sát giải quyết tin báo về tội phạm, chúng tôi đề ra một số giải pháp đảm bảo an toàn cho người làm việc trong môi trường biển, cụ thể là:
1. Người lặn biển cần có kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm làm việc trong môi trường đặc biệt này; phải thường xuyên kiểm tra sức khỏe, không được lặn biển nếu đã có tiền sử hoặc đang mắc các bệnh lý liên quan.
2. Sử dụng trang thiết bị bảo hộ cá nhân, bao gồm áo lặn, bình dưỡng khí, mặt nạ và thiết bị cứu hộ theo đúng quy chuẩn.
3. Thiết bị và dụng cụ khi hoạt động dưới nước cần được kiểm tra định kỳ để đảm bảo các thông số, tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật.
4. Người làm việc dưới nước cần phải luôn theo dõi thời tiết và dòng chảy biển.Không làm việc trong điều kiện thời tiết nguy hiểm, cực đoan như mưa bão, giông lốc…
5. Khi đi lặn biển phải luôn chuẩn bị các dụng cụ để sơ, cấp cứu trong trường hợp có tai nạn xảy ra; đồng thời chuẩn bị đầy đủ phương tiện để đưa người bị nạn đến cơ sở y tế gần nhất.
Quốc Trung