Thông qua Hội nghị trực tuyến về công tác phối hợp trong việc tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp do VKSNDTC tổ chức ngày 22/9/2015; ngày 01/10/2015, VKSNDTC đã có văn bản số 1095/VKSTC-C1(P1) thông báo kết luận của Lãnh đạo VKSNDTC tại Hội nghị trực tuyến công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, chỉ đạo bảy nội dung cụ thể cần thực hiện trong tời gian tới như sau:
1. Tiếp nhận, thu thập, kiểm tra, xác minh ban đầu thông tin vi phạm, tội phạm, tố giác, tin báo về tội phạm thuộc thẩm quyền giải quyết của Cơ quan điều tra VKSND tối cao (Điều 20 Luật tổ chức VKSND năm 2014) là nhiệm vụ của toàn ngành Kiểm sát. Các đơn vị trực thuộc và Viện kiểm sát các cấp là đầu mối quan trọng để nắm, quản lý và xác minh ban đầu tố giác, tin báo về tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tạo ra mạng lưới sâu rộng trong toàn Ngành. Kết quả công tác này phải được xem xét, đánh giá là chỉ tiêu thi đua hàng năm trong ngành KSND. Các đơn vị trực thuộc VKSND tối cao, các VKSND cấp cao và Viện kiểm sát địa phương (gọi tắt là các đơn vị) ngoài lĩnh vực hình sự còn phải tập trung phát hiện cả những vi phạm, tội phạm xảy ra trong hoạt động tố tụng dân sự, kinh tế, hành chính, lao động, kinh doanh thương mại...; đặc biệt là tội phạm về tham nhũng, chức vụ trong hoạt động tư pháp, hành vi “Dùng nhục hình”, “Làm sai lệch hồ sơ vụ án”…
2. Các đơn vị tổ chức hội nghị quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật tổ chức VKSND năm 2014, các quy định hiện hành của Bộ luật TTHS và các văn bản khác liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Cơ quan điều tra, cũng như liên quan đến thẩm quyền kiểm tra, xác minh của VKSND. Quán triệt thực hiện nghiêm túc Quy chế số 116 và Công văn số 3322/VKSTC-C1 ngày 26/8/2015 của Viện trưởng VKSND tối cao (gọi tắt là Công văn số 3322); trên cơ sở đó tích cực thực hiện trách nhiệm phối họp với Cơ quan điều tra trong việc kiểm tra, xác minh thông tin vi phạm, tội phạm và tố giác, tin báo về tội phạm thuộc thẩm quyền giải quyết của Cơ quan điều tra VKSND tối cao.
3. Thủ trưởng các đơn vị, Viện trưởng VKSND các cấp chịu trách nhiệm trước Viện trưởng VKSND tối cao về việc quản lý tình hình vi phạm, tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp tại địa phương, lĩnh vực kiểm sát của mình; phân công Kiểm sát viên, cán bộ có kinh nghiệm, có phẩm chất tốt theo dõi, quản lý chặt chẽ tố giác, tin báo về tội phạm xảy ra trên địa bàn; có biện pháp để kịp thời phát hiện thông tin vi phạm, tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, thông báo về Cơ quan điều tra, đồng thời chủ động tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ để kịp thời báo cáo về Cơ quan điều tra VKSND tối cao; thực hiện nghiêm túc yêu cầu của Cơ quan điều tra về việc phối hợp kiểm tra thông tin. Đơn vị đầu mối thực hiện nhiệm vụ phối hợp ở VKSND cấp tỉnh là Phòng 2 (ở các tỉnh không tách riêng các Phòng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án hình sự theo các nhóm tội thì là Phòng 1), ở các đơn vị trực thuộc VKSND tối cao là Phòng tham mưu tổng hợp.
4. Cơ quan điều tra và Vụ 6 tăng cường quản lý, hướng dẫn các đơn vị, nắm vững và thường xuyên giữ liên lạc với các đầu mối phối hợp, trao đổi thông tin hai chiều, kịp thời thông báo kết quả xử lý cho các đơn vị theo quy định.
5. Sau khi Bộ luật TTHS (sửa đổi) và Luật tổ chức điều tra hình sự được Quốc hội thông qua, Cơ quan điều tra chủ trì, phối hợp với Vụ 6 nghiên cứu, sửa đổi Quy chế số 116, trên cơ sở quy định của Luật Tổ chức VKSND năm 2014, hai Bộ luật mới được thông qua, các văn bản pháp luật liên quan, yêu cầu của Viện trưởng VKSND tối cao tại Công văn số 3322 và tổng kết kết quả thực hiện Quy chế số 116.
6. Cơ quan điều tra chủ trì, phối hợp vói Vụ 6 và các đơn vị liên quan tổng họp thực tiễn, xây dựng chuyên đề chuẩn bị cho việc tập huấn về công tác kiểm tra, xác minh thông tin vi phạm, tội phạm, tố giác, tin báo về tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền giải quyết của Cơ quan điều tra VKSND tối cao.
7. Phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm minh tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp là trách nhiệm của Cơ quan điều tra VKSND tối cao và toàn ngành Kiểm sát. Thủ trưởng các đon vị trực thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND cấp cao và Viện trưởng VKSND địa phương cần quản lý chặt chẽ Kiểm sát viên, cán bộ thực hiện nhiệm vụ phối hợp tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, oan sai, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng khởi tố, sau đó đình chỉ vụ án, bị can; tuân thủ tuyệt đối Chỉ thị 15-CT/TW ngày 07/7/2007 của Bộ Chính trị trong quá trình điều tra, truy tố./.
Nguồn: Kiểm sát Online