Ngày 23/5/2023, VKSND tối cao tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ năng giải quyết các vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao dự và chỉ đạo Hội nghị.
Hội nghị tập huấn kỹ năng giải quyết các vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến kết nối từ điểm cầu trung tâm VKSND tối cao đến các điểm cầu trong toàn Ngành
Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao. Cùng dự có các đồng chí Kiểm sát viên VKSND tối cao; thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND tối cao; lãnh đạo các VKSND cấp cao; lãnh đạo VKS quân sự các cấp; VKSND cấp tỉnh, VKSND cấp huyện và các Kiểm sát viên, Kiểm tra viên có liên quan đến hoạt động này.
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm kinh tế, tham nhũng với quyết tâm chính trị cao nhằm phát triển đất nước, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, mặt trái của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế là các tội phạm kinh tế, tham nhũng nảy sinh ngày càng nhiều, diễn biến ngày càng phức tạp trong đó có tội vi phạm quy định về đấu thầu. Nhiều vụ án gây thiệt hại giá trị đặc biệt lớn đến tài sản Nhà nước, tổ chức, tập thể... gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác điều hành, quản lý, phát triển kinh tế của Nhà nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Số liệu thống kê từ 01/01/2018 đến 31/3/2023 cho biết, các cơ quan tiến hành tố tụng các cấp đã khởi tố 53 vụ án, 253 bị can; truy tố 20 vụ án, 204 bị can; xét xử 13 vụ, 128 bị cáo. Tổng số tiền thiệt hại do các vụ án vi phạm quy định đấu thầu gây ra cho ngân sách Nhà nước khoảng 2.576 tỷ đồng.
Đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Qua kiểm sát nội dung này thấy rằng, đối với tội phạm liên quan đến lĩnh vực đấu thầu thường có sự thông đồng, liên kết chặt chẽ của nhiều cá nhân, từ những người có chức vụ, quyền hạn chỉ đạo đến cán bộ thực hiện, từ khâu xác lập, phê duyệt, thẩm định đến khâu kiểm tra, giám sát thầu, thậm chí can thiệp cả vào quá trình xây dựng, thực thi chính sách để giành đặc quyền, đặc lợi, phục vụ cho việc trục lợi cá nhân, gia đình, nhóm lợi ích của mình một cách hợp lý hơn, kín đáo hơn, không quan tâm đến hiệu quả, cũng như tài sản thiệt hại, thất thoát của Nhà nước. Đây là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm giảm sút niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, làm mất cán bộ, đảng viên, trong đó có rất nhiều cán bộ có chuyên môn giỏi, nhiều chuyên gia trong nhiều lĩnh vực do có trách nhiệm liên quan đến hành vi sai phạm trong lĩnh vực đấu thầu.
Hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, không những xâm phạm trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước trong lĩnh vực đấu thầu mà còn ảnh hưởng xấu đến các hoạt động đúng đắn và uy tín của cơ quan Nhà nước trong hoạt động đấu thầu, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản Nhà nước nên cần có mức hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ, hành vi phạm tội của từng bị cáo mới đảm bảo biện pháp cải tạo, giáo dục đối với các bị cáo và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là đối với tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và các tội phạm về chức vụ trong giai đoạn hiện nay.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Hồ Đức Anh, Vụ trưởng Vụ 3 VKSND tối cao cho rằng, việc tổ chức Hội nghị nhằm quán triệt, nâng cao nhận thức của Lãnh đạo, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên Viện kiểm sát các cấp trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm các vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây thiệt hại nghiêm trọng. Đồng thời, đánh giá thực trạng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đề ra giải pháp nhằm nâng cao chất lượng trong giải quyết các vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây thiệt hại nghiêm trọng.
Nhận diện một số dạng sai phạm điển hình trong các vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015, đồng chí Cao Anh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ 3 VKSND tối cao cho biết, các vụ án đã khởi tố có các dạng sai phạm phổ biến như: Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu; chia nhỏ các gói thầu lớn thành các gói thầu nhỏ để lợi dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn và chỉ định thầu để chỉ định giúp nhà thầu đã thông đồng trúng thầu với giá trúng thầu đã nâng khống; cài cắm điều khoản hưởng thầu, cài thông số kỹ thuật; thông thầu, thiết lập "quân xanh quân đỏ"; chuyển nhượng thầu trái phép, không đảm bảo công bằng minh bạch khi tham gia đấu thầu. Ngoài ra, trong quá trình xử lý các vụ án vi phạm đấu thầu, còn phát hiện khởi tố bị can về các tội: Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; tội đưa hối lộ, tội nhận hối lộ; tội lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ; tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Tham luận của các đơn vị tại Hội nghị đã tập trung thảo luận, đánh giá về thực trạng, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong công tác giải quyết các vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; từ đó, rút ra bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện tốt khâu công tác này.
Đại biểu tham dự Hội nghị
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí đánh giá cao công tác chuẩn bị tài liệu của Vụ 3 VKSND tối cao và các đơn vị liên quan. Đồng thời Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí khẳng định, đây là những tài liệu quý và cần thiết, cần được toàn Ngành nghiên cứu, vận dụng để mỗi cán bộ, Kiểm sát viên có được tri thức, kiến thức, kỹ năng khi giải quyết loại án này; là cơ hội để toàn Ngành tích lũy thông tin, kinh nghiệm; có sự thống nhất về nhận thức áp dụng quy định pháp luật, sự hiểu biết và cách làm; đặc biệt là quan điểm, cách xử lý đảm bảo tính nghiêm minh để răn đe những đối tượng cố tình vi phạm gây thiệt hại lớn cho nhà nước và cho xã hội, bên cạnh đó cũng đảm bảo tính nhân văn phù hợp với thực tiễn.
Đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao cho biết, hiện nay Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương đã được thành lập tại 63 tỉnh thành, do đó nhiệm vụ đấu tranh với phòng, chống tiêu cực đã trở thành nhiệm của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Khi giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm trong đó có các vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng thì Viện kiểm sát cần có sự phối hợp tốt với các cơ quan liên quan và chủ động báo cáo Ban Chỉ đạo về tiến độ, kết quả giải quyết để được chỉ đạo kịp thời, bảo đảm giải quyết vụ án đúng quy định của pháp luật và phục vụ yêu cầu chính trị tại địa phương.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của khâu công tác này, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí yêu cầu, trong thời gian tới Viện trưởng VKSND 63 tỉnh, thành phố phải coi việc giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế nói chung, vi phạm quy định về đấu thầu nói riêng là một nhiệm vụ chính trị và phải chịu trách nhiệm trực tiếp.
Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao nhấn mạnh, tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” được quy định tại Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015 được cụ thể hoá, thay thế tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999 xảy ra trong lĩnh vực đấu thầu, nhằm cụ thể hóa những sai phạm trong hoạt động đấu thầu và hình sự hóa những hành vi vi phạm có tính chất nguy hiểm cao cần bị coi là tội phạm. Từ đó, tạo cơ sở pháp lý hình sự rõ ràng, giúp thuận lợi hơn trong việc xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, bảo đảm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giải quyết các vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng trong thời gian tới, đồng chí Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến yêu cầu, Vụ 3 VKSND tối cao phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện và ban hành tài liệu của Hội nghị để phổ biến toàn Ngành; các cơ sở đào tạo bồi dưỡng trong Ngành tập hợp, biên tập lại để có những tài liệu chuyên sâu phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy, học tập; đồng thời, Vụ 14 VKSND tối cao tiếp tục phối hợp với Vụ 3 VKSND tối cao và các đơn vị liên quan để giải đáp, hướng dẫn những khó khăn, vướng mắc về loại án này cho các đơn vị, Viện kiểm sát địa phương.
Cùng với đó, yêu cầu đại biểu tham dự Hội nghị quán triệt nội dung các chuyên đề, nội dung giải đáp vướng mắc và ý kiến phát biểu chỉ đạo của đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao tại Hội nghị. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo và việc giải quyết các vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, quá trình giải quyết vụ án phải đánh giá thận trọng, khách quan, chính xác, xử lý nghiêm minh nhưng cũng đảm bảo tính nhân văn và sự ổn định, phát triển của đất nước.
Nguồn: kiemsat.vn