Thứ Hai, 23/12/2024 21:10 CH

Ngành Kiểm sát nhân dân đạt và vượt nhiều chỉ tiêu Quốc hội giao trong năm 2023

Sáng 21/11, đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSND tối cao đã trình bày Báo cáo (tóm tắt) công tác của Viện trưởng VKSND tối cao tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.


Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội chiều 21/11 (ảnh: VPQH cung cấp)

Tình hình tội phạm, khiếu kiện hành chính, tranh chấp dân sự diễn biến phức tạp

Trình bày báo cáo, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, về tình hình tội phạm: Năm 2023, trên phạm vi cả nước, tình hình an ninh, chính trị cơ bản được bảo đảm. Tuy nhiên, tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp và tăng so với năm 2022, xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, như: đối tượng thành lập các doanh nghiệp lấy danh nghĩa công ty kinh doanh dịch vụ tài chính, công ty luật, công ty mua bán nợ để thực hiện hành vi đòi nợ trái pháp luật; một số vụ án về kinh tế, tham nhũng, chức vụ với tính chất nghiêm trọng, phức tạp, có tổ chức gây hậu quả đặc biệt lớn đã được phát hiện và khởi tố tại các tỉnh, thành phố trên cả nước,...
Trong bối cảnh đó, toàn ngành Kiểm sát nhân dân (KSND) đã có nhiều nỗ lực, thực hiện nhiều giải pháp bảo đảm các hoạt động theo chức năng nhiệm vụ, góp phần giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng đấu tranh, phát hiện, khởi tố mới 98.466 vụ án hình sự (tăng 20,4% so với năm 2022).

 
Đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSND tối cao (ảnh: quochoi.vn)

Về khiếu kiện hành chính, tranh chấp dân sự: Kiểm sát việc thụ lý, giải quyết của Tòa án theo thủ tục sơ thẩm: 12.159 vụ án hành chính, tăng 0,9%, các khiếu kiện hành chính ngày càng phức tạp; 446.258 vụ, việc dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động (tăng 7%), nổi lên là các tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về hợp đồng dân sự cũng chiếm tỷ lệ lớn.

Dự báo trong thời gian tới tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm trên không gian mạng, tội phạm phi truyền thống; các tranh chấp dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại kể cả có yếu tố nước ngoài ngày càng phức tạp, đa dạng. Trong khi đó, một số quy định của pháp luật trong các lĩnh vực này còn chưa hoàn thiện, còn một số bất cập.
Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì VKSND phải thực hiện thêm nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đến lực lượng công an cấp xã, phường.


Các đại biểu tham dự phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp)

Như vậy, VKSND cấp huyện phải thực hiện nhiệm vụ kiểm sát hơn 10.500 đơn vị công an cấp xã nhưng Viện kiểm sát không có cấp xã, nên đây là áp lực rất lớn đối với ngành Kiểm sát. Hiện nay, biên chế giữa Điều tra viên ngành Công an với Kiểm sát viên chênh lệch rất lớn; số lượng công chức có chức danh tư pháp, Kiểm sát viên các ngạch của VKSND các cấp chưa đủ về số lượng để đáp ứng được yêu cầu khối lượng công việc hằng năm tăng thêm, đã tạo áp lực và khó khăn trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, chế độ, chính sách đối với ngành Kiểm sát còn bất cập; kinh phí chi cho hoạt động điều tra, thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra đặc thù của VKSND vẫn áp dụng theo kinh phí quản lý hành chính, chưa phù hợp với hoạt động đấu tranh tội phạm.

Công tác chỉ đạo toàn diện, quyết liệt của Viện trưởng VKSND tối cao

Một là, ngay từ đầu năm, Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành Chỉ thị công tác năm 2023 với 4 mục tiêu lớn và 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để tổ chức thực hiện. Trên cơ sở đó, đã yêu cầu VKSND các cấp ban hành kế hoạch tổ chức triển khai, thực hiện với nhiều biện pháp, giải pháp cụ thể, bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ; khắc phục những hạn chế, tồn tại năm 2022, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao...
Ban hành các chỉ thị chuyên đề, kế hoạch và văn bản, thông báo kết luận để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, của Quốc hội về cải cách tư pháp và thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành. Tích cực triển khai thực hiện Kế hoạch của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; nghiên cứu xây dựng đề án về hoàn thiện cơ chế tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, tăng cường kiểm soát bên trong việc thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động xét xử. Tích cực tham gia chương trình xây dựng luật; thực hiện nghiêm các vấn đề được Ủy ban Thường Vụ Quốc hội yêu cầu qua Phiên họp Thứ 21. Việc trả lời, giải quyết kiến nghị của cử tri được chú trọng, thể hiện tính cầu thị, trách nhiệm của ngành KSND.


Các đại biểu tham dự phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp)

Hai là, Ban cán sự đảng VKSND tối cao đã ban hành nhiều nghị quyết liên quan đến công tác cán bộ; trong đó, chú trọng việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược và thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND tối cao, người đứng đầu các cấp kiểm sát; gắn công tác xây dựng Đảng với xây dựng Ngành, các đơn vị kiểm sát các cấp và phấn đấu giữ gìn uy tín, hình ảnh của Ngành, của cơ quan, đơn vị.

Viện trưởng VKSND tối cao chỉ đạo người đứng đầu các cấp Kiểm sát phổ biến, triển khai thực hiện nghiêm quy định về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong ngành KSND.

Chỉ đạo toàn Ngành tiếp tục giữ vững kỷ luật, kỷ cương, phát huy trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu các cấp Kiểm sát. Tăng cường công tác đào tạo và tự đào tạo cán bộ thông qua phân công giao việc; sắp xếp, phân công, chuyển đổi vị trí công tác nhằm đào tạo toàn diện cán bộ; đồng thời quan tâm công tác bảo vệ cán bộ làm tốt, làm đúng theo chủ trương, quy định của Đảng.

Ba là, chỉ đạo toàn Ngành tăng cường trách nhiệm công tố, kiểm sát chặt chẽ các hoạt động tư pháp bảo đảm tuân thủ đúng quy định pháp luật; thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm; gắn công tố với hoạt động điều tra ngay từ giai đoạn đầu thụ lý giải quyết nguồn tin về tội phạm và trong suốt quá trình điều tra; chủ động phối hợp với Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao và đề ra các biện pháp nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử; tập trung rà soát quản lý và phối hợp với Cơ quan điều tra, Tòa án nhân dân cùng cấp giải quyết dứt điểm đối với các vụ án, tin báo tạm đình chỉ còn tồn đọng.

Chủ động đề ra các biện pháp thiết thực, các giải pháp cụ thể nhằm tạo sự chuyển biến thực chất hơn trong công tác kiểm sát hoạt động tư pháp; phân công, bố trí những Kiểm sát viên có kinh nghiệm, năng lực chuyên môn để thực hiện nhiệm vụ ở khâu công tác này. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan hữu quan, giải quyết khách quan, toàn diện, triệt để đối với các vụ, việc khiếu kiện đông người, phức tạp, các “điểm nóng”, góp phần giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Bốn là, chỉ đạo các đơn vị chức năng của VKSND tối cao tập trung làm tốt công tác kiểm sát điều tra các vụ án tham nhũng, bảo đảm tiến độ và chất lượng điều tra, truy tố theo yêu cầu của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực; yêu cầu VKSND 63 tỉnh, thành phố tăng cường trách nhiệm, chủ động trong công tác tham mưu cho cấp ủy, Ban chỉ đạo về phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp địa phương. Coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của VKSND. Tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng và hướng dẫn nghiệp vụ, trả lời thỉnh thị cho Viện kiểm sát 2 cấp (tỉnh, huyện) trong thực hiện nhiệm vụ.

Năm là, tiếp tục đổi mới nâng chất hoạt động của Cơ quan điều tra VKSND tối cao. Theo đó, nêu cao tính chủ động, nỗ lực, phấn đấu nhằm khắc phục dứt điểm một số tồn tại, hạn chế trong thời gian qua; thường xuyên đánh giá chất lượng công tác; rà soát, sắp xếp, kiện toàn, bố trí cán bộ, phân công và có kế hoạch đào tạo, đào tạo lại đội ngũ Điều tra viên. Xác định những khâu, lĩnh vực công tác gây bức xúc, có nhiều vi phạm trong hoạt động tư pháp thời gian qua để tập trung phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm, qua đó góp phần chấn chỉnh hoạt động của các cơ quan tư pháp.


Các đại biểu tham dự phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp)

Sáu là, tiếp tục chỉ đạo mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong Ngành; coi đây là giải pháp quan trọng để nâng chất công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và công tác thống kê, lưu trữ, bảo đảm khai thác, sử dụng dữ liệu, thông tin hiệu quả phục vụ công tác chuyên môn. Trên cơ sở “Quy hoạch phát triển công nghệ thông tin của ngành KSND đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, VKSND tối cao đã triển khai xây dựng Kế hoạch Đổi mới hệ thống công nghệ thông tin theo yêu cầu chuyển đổi số của Ngành giai đoạn 2023-2025; chủ động ký kết hợp tác với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam và tăng cường nhân sự lãnh đạo khâu công tác này.

Bảy là, tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, thực hiện tốt nhiệm vụ tương trợ tư pháp về hình sự; chủ động, tích cực trao đổi, đàm phán, ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự; tăng cường tổ chức, tham dự các diễn đàn, hội nghị, hội thảo, tập huấn trực tiếp và trực tuyến, nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm mới.

Ngành KSND đạt và vượt nhiều chỉ tiêu Quốc hội giao

Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, trong năm 2023, các chỉ tiêu quan trọng cơ bản của ngành KSND đều đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Cụ thể:
- Toàn Ngành đã kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết 168.578 nguồn tin về tội phạm (tăng 13,5%), bảo đảm 100% trường hợp thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố được kiểm sát. Ban hành 129.379 văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm (tăng 10,9%); trực tiếp kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm 1.827 cuộc tại Cơ quan điều tra (tăng 13%);... Yêu cầu khởi tố 790 vụ án; yêu cầu hủy bỏ 12 quyết định khởi tố vụ án do chưa bảo đảm căn cứ pháp luật; trực tiếp ra 20 quyết định khởi tố vụ án và yêu cầu Cơ quan điều tra tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật.


Các đại biểu tham dự phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp)

Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra 134.501 vụ/209.197 bị can (tăng 17,9% số vụ và 15,4% số bị can); kiểm sát 100% số vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố; ban hành 99.123 bản yêu cầu điều tra (tăng 20,8%); trực tiếp hỏi cung 41.206 bị can (tăng 14,2%). Không phê chuẩn 511 lệnh, quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn; quyết định hủy 510 quyết định tạm giữ; hủy 23 quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ vụ án và yêu cầu Cơ quan điều tra giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Số vụ án truy tố đúng thời hạn đạt 100% (vượt 10%) và số bị can truy tố đúng tội danh đạt 99,9% (vượt 4,9%).
Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử 96.297 vụ/180.556 bị cáo. Thông qua công tác kiểm sát xét xử đã phát hiện vi phạm và ban hành 787 kháng nghị phúc thẩm, được Hội đồng xét xử chấp nhận đạt tỷ lệ 70,6%; ban hành 123 kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, được Hội đồng xét xử chấp nhận đạt tỷ lệ 78%.
- Công tác của Cơ quan điều tra VKSND tối cao có nhiều tiến bộ: Tỷ lệ điều tra khám phá các loại tội đạt 82,5% (vượt 12,5%); tỷ lệ điều tra khám phá các tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt 96,1% (vượt 6,1%); tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng đạt 84,7% (vượt 24,7%); đã ban hành 111 kiến nghị yêu cầu khắc phục, phòng ngừa vi phạm và tội phạm đối với các cơ quan tư pháp.
- Tăng cường phối hợp với Bộ Công an, TAND tối cao đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và đưa ra xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã kê biên, phong tỏa, tạm giữ, tạm dừng giao dịch... được số tiền hơn 389.219 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 82,4%).
- Tiếp tục tăng cường công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ, việc dân sự, thi hành án dân sự, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, góp phần bảo đảm trật tự kỷ cương trong hoạt động tư pháp.
Toàn Ngành đã kiểm sát việc thụ lý giải quyết theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm 12.159 vụ án hành chính (tăng 0,9%); 467.542 vụ, việc dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động (tăng 7,5%). Số lượng kháng nghị phúc thẩm án dân sự tăng 3,9%; tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm án dân sự và kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm án hành chính được Hội đồng xét xử chấp nhận vượt chỉ tiêu của Quốc hội; đã ban hành 17.807 kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục, phòng ngừa vi phạm và tội phạm (tăng 5,6%); tỷ lệ kiến nghị được chấp nhận đạt 99,7% (vượt 19,7%).
- Chủ động phối hợp với các bộ, ngành hữu quan, các ủy ban của Quốc hội góp ý, chỉnh lý các dự án luật; tham gia thẩm tra và chỉnh lý pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan trực tiếp đến hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân. Tích cực nghiên cứu, góp ý hồ sơ đề nghị xây dựng dự án luật, pháp lệnh; phối hợp xây dựng, ban hành các thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện quy định của pháp luật. Đồng thời, chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng Đề án “Hoàn thiện quy định pháp luật về khởi kiện vụ án dân sự trong trường hợp chủ thể các quyền dân sự có liên quan đến lợi ích công và nhóm dễ bị tổn thương nhưng không có người đứng ra bảo vệ” và Đề án“Tăng cường kiểm soát bên trong việc thực hành quyền công tố”.
Toàn Ngành đã thực hiện điều động, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển 687 lãnh đạo VKSND các cấp; bổ nhiệm, bổ nhiệm lại 1.560 Kiểm sát viên các ngạch.

Một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của ngành Kiểm sát

Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, năm 2024, ngành Kiểm sát tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nghị quyết của Quốc hội và tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:
- Tiếp tục tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành trong thực hành quyền công tố, đặc biệt là nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử; chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm; giải quyết đúng yêu cầu và tiến độ các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.


Các đại biểu tham dự phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp)

- Thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành trong kiểm sát hoạt động tư pháp; chủ động kiến nghị, kháng nghị yêu cầu các cơ quan tư pháp khắc phục vi phạm và các cơ quan hữu quan loại trừ các nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm để bảo vệ quyền lợi ích Nhà nước, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần vào sự phát triển kinh tế trong nước cũng như hội nhập kinh tế quốc tế.
- Thực hiện nghiêm chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan hữu quan xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành các đạo luật về tư pháp, nhất là những vấn đề có nhận thức chưa thống nhất. Đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện các đề án về chức năng, nhiệm vụ của Ngành, đặc biệt là những đề án nhằm phục vụ nhiệm vụ cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới theo Nghị quyết số 27 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII.
- Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, coi trọng công tác cán bộ và tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ Kiểm sát viên và phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp kiểm sát.
- Tập trung thực hiện các nhiệm vụ về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong Ngành; triển khai thực hiện Kế hoạch đổi mới hệ thống công nghệ thông tin theo yêu cầu chuyển đổi số giai đoạn 2023-2025.
- Chủ động tham gia các diễn đàn đa phương nhằm góp phần phòng ngừa, xử lý có hiệu quả với các tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia; tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học.

Một số kiến nghị

Thay mặt VKSND tối cao, Viện trưởng Lê Minh Trí kiến nghị Quốc hội một số nội dung như sau:
Thứ nhất: Từ thực tiễn giải quyết một số vụ án hình sự thời gian qua cho thấy một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc phạm tội là do việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật dưới luật còn sơ hở, chưa chặt chẽ. Do đó, kiến nghị Quốc hội chỉ đạo nghiên cứu có cơ chế kiểm soát việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật chặt chẽ hơn và xem xét trách nhiệm trong trường hợp ban hành văn bản gây hậu quả nghiêm trọng.
Thứ hai: Qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ, VKSND phát hiện nhiều sơ hở, thiếu sót, vi phạm gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng trong một số lĩnh vực quản lý Nhà nước như môi trường, đất đai, an toàn thực phẩm,... nhưng chưa được phát hiện sớm để xử lý, ngăn ngừa hoặc giảm bớt thiệt hại góp phần phòng ngừa tội phạm. Tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 mới chỉ xác định nội dung khởi kiện dân sự nên cần có cơ chế thí điểm giao cho một cơ quan thay mặt Nhà nước thực hiện quyền kiến nghị, kháng nghị hoặc khởi kiện vụ án hành chính để đưa ra Tòa án phán quyết đối với trường hợp các cơ quan quản lý nhà nước không thực hiện hoặc thực hiện không đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, gây thiệt hại tới lợi ích công cộng, lợi ích nhà nước. Làm được cơ chế này sẽ góp phần giảm bớt việc phải khởi tố, xử lý về hình sự trong một số trường hợp vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng.
Thứ ba: Tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện chính sách hình sự xử lý tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, tham nhũng, chức vụ, bảo đảm yêu cầu vừa nghiêm trị, vừa khoan hồng theo hướng xử lý nghiêm người chủ mưu cầm đầu, có động cơ vụ lợi để răn đe, giáo dục chung; đồng thời phân hóa, tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả, giảm nhẹ cho người vi phạm do chấp hành mệnh lệnh, không vụ lợi nhằm làm tốt hơn việc thu hồi tài sản Nhà nước bị tham nhũng, thất thoát; bảo đảm hiệu quả phòng chống tội phạm, vừa có trọng tâm, trọng điểm, có răn đe, giáo dục, vừa nhân văn, thuyết phục.
Thứ tư: Đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét cơ chế phân bổ ngân sách Nhà nước theo hướng căn cứ vào nhiệm vụ và khối lượng công việc thực tế để giao dự toán chi thường xuyên phù hợp với chức năng, nhiệm vụ đặc thù của ngành KSND là thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và trực tiếp điều tra tội phạm như Cơ quan điều tra Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.
Thứ năm: Đề nghị giao bổ sung chức danh Kiểm sát viên các ngạch trong thời gian tới, theo đó, đề nghị bổ sung chức danh Kiểm sát viên cao cấp cho VKSND tối cao và 3 VKSND cấp cao; 100% Phó Viện trưởng VKSND cấp huyện là Kiểm sát viên trung cấp để chỉ đạo và hướng dẫn Kiểm sát viên cấp dưới (hiện nay mới thực hiện được 40%); mỗi VKSND cấp huyện được tăng thêm 1 Kiểm sát viên sơ cấp để thực hiện kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm của Công an cấp xã.

Nguồn: Bảo vệ pháp luật

CÁC TIN KHÁC

Tin mới nhất

Thứ 2, 23/12/2024:

07h30:

- Chào cờ và nghe các câu chuyện về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

08h00:

- Họp giao ban Lãnh đạo Viện.

14h00:

- Họp Ủy ban kiểm sát thông qua dự thảo Kế hoạch công tác trọng tâm năm 2025 (tại phòng họp, thành phần: Lãnh đạo Viện, Trưởng phòng; Phó Chánh thanh tra, Phó Trưởng phòng 1, 7 phụ trách).

 

Thứ 3, 24/12/2024: 

08h00:

- Hội nghị trực tuyến giao ban công tác Kiểm sát cuối năm 2024 (tại hội trường, thành phần: Lãnh đạo Viện, Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chuyên viên).

09h00:

- Đ/c Viện trưởng dự họp Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh (tại Tỉnh ủy).

14h00:

- Đ/c Thanh - PVT nghe Phòng 1 báo cáo án.

- Đ/c Liên - PVT nghe Phòng 9 báo cáo án.

16h00:

- Đ/c Viện trưởng và Trưởng phòng 15 làm việc với Thường trực Thành ủy Tuy Hòa.

 

Thứ 4, 25/12/2024: 

08h00:

- Đ/c Viện trưởng họp chuyên đề HĐND tỉnh khóa VIII.

- Dự họp trực tuyến thí điểm triển khai phần mềm quản lý văn bản trong ngành Kiểm sát nhân dân (tại phòng họp: Lãnh đạo Viện; công chức làm nhiệm vụ chuyên trách về CNTT và cán bộ liên quan).

14h00:

- Hội nghị toàn thể công chức, người lao động góp ý dự thảo Quy chế về tiền thưởng (tại hội trường).

- Đ/c Thanh - PVT dự Hội nghị tổng kết công tác Tuyên giáo năm 2024 tại UBND TP Tuy Hòa.

 

Thứ 5, 26/12/2024:  

08h00:

- Đ/c Thanh - PVT nghe Phòng 1 báo cáo án.

- Đ/c Liên - PVT nghe Phòng 9 báo cáo án.

15h00:

- Sinh hoạt nữ công quý IV/2024.

 

Thứ 6, 27/12/2024:

08h00:

- Họp Ban Chấp hành Công đoàn.

14h00:

- Đ/c Thanh - PVT dự Hội nghị tổng kết công tác xây dựng Đảng tại Đảng ủy Khối. 

15h00: 

- Tổng vệ sinh cơ quan (từ 15h00 dọn trong phòng làm việc, hành lang; từ 16h00 tập trung dọn phòng đọc báo, khuôn viên cơ quan). 

 

Thứ 7, 28/12/2024:

Phân công trực cơ quan

 

Chủ nhật, 29/12/2024:

Phân công trực cơ quan