Thứ Tư, 17/04/2024 06:14 SA

Ngành Kiểm sát tiếp tục xác định chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm và chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu

Chiều ngày 31/12/2021, tại Hà Nội, VKSND tối cao đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác ngành Kiểm sát nhân dân năm 2022. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dự và chỉ đạo Hội nghị.


Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Đồng chí Phan Đình Trạc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; đồng chí Nguyễn Hoà Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Toà án nhân dân tối cao; đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Trần Quốc Vượng, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư.

Tham dự Hội nghị còn có các đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng: Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Quốc hội; đồng chí Trần Sỹ Thanh, Tổng Kiểm toán Nhà nước; đồng chí Nguyễn Quang Dương, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương; đồng chí Trần Văn Rón, Phó Chủ nhiệm Thường trực Uỷ ban Kiểm tra Trung ương; Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an; đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng...

Về phía ngành Kiểm sát nhân dân, đồng chí Lê Minh Trí, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Viện trưởng VKSND tối cao chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị còn có đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao; các đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao: Đồng chí Nguyễn Duy Giảng, đồng chí Nguyễn Quang Dũng và đồng chí Nguyễn Hải Trâm. Dự Hội nghị còn có các đồng chí Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao qua các thời kỳ; các đồng chí lãnh đạo các đơn vị thuộc VKSND tối cao; VKSND cấp cao; VKSND cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự, Viện kiểm sát cấp huyện và các đồng chí Kiểm sát viên, Kiểm tra viên Viện kiểm sát các cấp ở 817 điểm cầu trong hệ thống.

Ngành Kiểm sát thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu công tác được Quốc hội giao

Năm 2021, Viện kiểm sát các cấp đã quán triệt, thực hiện nghiêm, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của Quốc hội về công tác tư pháp và chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, toàn ngành Kiểm sát đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức bảo đảm phấn đấu hoàn thành tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được giao. Nhiều đơn vị đã có cách làm hay, sáng tạo, đem lại hiệu quả cao trong thực hiện nhiệm vụ. Năm 2021, toàn Ngành hoàn thành đạt và vượt nhiều chỉ tiêu yêu cầu được Quốc hội giao.

Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử các vụ án hình sự đạt kết quả tốt hơn: Đã kiểm sát chặt chẽ hơn việc giải quyết nguồn tin về tội phạm và áp dụng các biện pháp ngăn chặn; chất lượng điều tra được nâng lên; trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra tiếp tục được tăng cường; chất lượng và thời hạn truy tố đều đạt cao và vượt chỉ tiêu của Quốc hội; không để xảy ra trường hợp xét xử sơ thẩm tuyên bị cáo không phạm tội; số lượng kháng nghị, chất lượng kháng nghị án hình sự vượt chỉ tiêu của Quốc hội; tiếp tục phối hợp điều tra, truy tố và đưa ra xét xử nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận đồng tình; đồng thời, đã tích cực phối hợp cùng với Cơ quan điều tra, Tòa án kịp thời xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật nhiều vụ án hình sự góp phần vào công tác phòng, chống dịch Covid-19. Công tác điều tra của Cơ quan điều tra VKSND tối cao có nhiều chuyển biến rõ rệt, hoàn thành và vượt các chỉ tiêu của Quốc hội.

Công tác kiểm sát hoạt động tư pháp có những chuyển biến tích cực; số lượng kiến nghị yêu cầu cơ quan tư pháp khắc phục và yêu cầu các cơ quan hữu quan khắc phục, phòng ngừa vi phạm đạt chất lượng cao; chất lượng kháng nghị phúc thẩm án dân sự (vượt 12,6%), kháng nghị phúc thẩm án hành chính, kinh doanh, thương mại, lao động,... (vượt 3%) chỉ tiêu của Quốc hội.

Công tác xây dựng Ngành chuyển biến rõ nét: Toàn ngành Kiểm sát đã triển khai thực hiện nghiêm chỉ thị, nghị quyết của Đảng, làm tốt công tác giới thiệu nhân sự tham gia ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026; tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy, lãnh đạo chủ chốt; đội ngũ Kiểm sát viên, Điều tra viên được kiện toàn, chất lượng từng bước được nâng lên; công tác đào tạo, bồi dưỡng có nhiều chuyển biến tích cực; công tác hướng dẫn thi hành pháp luật và giải đáp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về nghiệp vụ trong Ngành được thực hiện hiệu quả, thường xuyên; kỷ cương, kỷ luật của Ngành tiếp tục được tăng cường.

Công tác hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm được chú trọng và đạt kết quả tốt; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong Ngành; công tác thi đua khen thưởng thực hiện kịp thời, chú trọng khen thưởng đột xuất, quan tâm khen thưởng tập thể và cá nhân là người lao động trực tiếp; công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật có nhiều chuyển biến tích cực. Cơ sở vật chất, các điều kiện bảo đảm thực hiện công tác chuyên môn được quan tâm đầu tư và bổ sung nhiều hơn những năm trước. Chủ động và ứng phó kịp thời, triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều biện pháp phòng, chống và hạn chế lây lan dịch Covid-19.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Một số Viện kiểm sát địa phương chưa thực hiện tốt công tác kháng nghị phúc thẩm nên không phát hiện được vi phạm của bản án sơ thẩm, các bản án này đã bị Viện kiểm sát cấp cao nghiên cứu kháng nghị phúc thẩm và Tòa án cấp cao tuyên hủy, sửa án; chậm phát hiện vi phạm pháp luật trong việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự, dân sự để thực hiện quyền kiến nghị, kháng nghị yêu cầu khắc phục; trong công tác tổng kết thực tiễn, rút kinh nghiệm, nhiều đơn vị chưa chú trọng làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh vi phạm pháp luật, tội phạm để tham mưu cấp ủy và kiến nghị cơ quan hữu quan có biện pháp phòng ngừa, khắc phục; một số đơn vị có chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin còn thấp...

Tiếp tục xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm và chống tham nhũng, tiêu cực

Năm 2022, toàn ngành Kiểm sát tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các chỉ đạo của Trung ương Đảng, Nghị quyết của Quốc hội đối với Viện kiểm sát nhân dân; tập trung thực hiện tốt những yêu cầu của công tác tư pháp và cải cách tư pháp; tiếp tục thực hiện tốt phương châm: “Đoàn kết, đổi mới - Trách nhiệm, kỷ cương -Thực chất, hiệu quả”.

Tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu các cấp Kiểm sát trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, cấp Kiểm sát do mình quản lý; gắn công tác xây dựng Đảng với xây dựng Ngành; giữ gìn uy tín, hình ảnh của Ngành, của cơ quan, đơn vị; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ và tu dưỡng rèn luyện đạo đức, lối sống của người cán bộ, đảng viên, Kiểm sát viên; kiên quyết xử lý, đấu tranh với những vi phạm và biểu hiện tiêu cực ngay trong nội bộ cơ quan, đơn vị và trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Toàn ngành tiếp tục xác định chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm và chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu. Tăng cường hơn nữa trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại các phiên tòa, bảo đảm căn cứ buộc tội vững chắc, không để oan sai, bỏ lọt tội phạm; tôn trọng, thực hiện nghiêm nguyên tắc suy đoán vô tội, “trọng chứng hơn trọng cung”, bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân trong hoạt động tố tụng hình sự; đồng thời phải coi trọng việc thu thập chứng cứ ngay từ đầu, tăng cường thực nghiệm điều tra để chuyển hóa chứng cứ (nhất là chứng cứ chỉ là lời khai) để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống tội phạm. Phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các hành vi tham nhũng, trong đó tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội; tập trung chỉ đạo, xử lý kịp thời, có hiệu quả các vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, tiêu cực.

Đổi mới phương thức hoạt động, chủ động trong thu thập và thụ lý nguồn tin báo, tố giác tội phạm, xử lý đúng thời hạn điều tra theo quy định pháp luật của Cơ quan điều tra VKSND tối cao. Xác định những khâu, lĩnh vực công tác gây bức xúc, có nhiều vi phạm trong hoạt động tư pháp trong thời gian qua để tập trung phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm; qua đó góp phần chấn chỉnh hoạt động của các cơ quan tư pháp, bảo đảm việc thực thi pháp luật nghiêm minh; đồng thời có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh và phòng ngừa chung trong toàn hệ thống các cơ quan tư pháp.

Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp trực tiếp phụ trách khâu công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại; lựa chọn, bố trí, đào tạo, tự đào tạo đội ngũ Kiểm sát viên giỏi chuyên môn, nghiệp vụ đảm nhiệm khâu công tác này; thực hiện đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm trong công tác kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục, bảo đảm hoạt động này tuân thủ đúng pháp luật. Quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ phải xem xét, cân nhắc thận trọng khi áp dụng pháp luật, đặt lợi ích của Nhà nước, của nhân dân lên trên hết; góp phần xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ, có ý thức tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Tiếp tục nghiên cứu, sắp xếp, cơ cấu tổ chức, bộ máy Viện kiểm sát các cấp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tập trung xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, Kiểm sát viên, Điều tra viên với đầy đủ các phẩm chất: Công minh, chính trực để bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, bảo vệ lẽ phải, nghiêm minh nhưng rất nhân văn; khách quan, thận trọng để không làm oan người vô tội, không để lọt tội phạm; khiêm tốn để có sức thuyết phục và được xã hội, nhân dân ủng hộ, giúp đỡ. Tăng cường công tác luân chuyển giữa Viện kiểm sát các cấp nhằm đào tạo toàn diện đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên; định kỳ chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ để bảo đảm ngăn ngừa, phòng chống suy thoái, trì trệ, tiêu cực và bảo vệ cán bộ trong thực hiện nhiệm vụ.

Tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài. Kết nối với Viện công tố, Viện kiểm sát các nước để thực hiện tốt nhiệm vụ tương trợ tư pháp về hình sự và trau đồi, học hỏi kinh nghiệm về pháp luật và đào tạo về kỹ năng điều tra kỹ thuật số, chứng cứ số trên cơ sở bảo đảm yêu cầu của công tác bảo vệ chính trị nội bộ.


Toàn cảnh Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước đã thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước chúc mừng và biểu dương những nỗ lực cố gắng và thành tích đạt được của ngành Kiểm sát nhân dân trong năm 2021. Đồng chí nhấn mạnh, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt, chăm lo, đảm bảo nguồn lực, xây dựng ngành Kiểm sát nhân dân ngày càng trong sạch vững mạnh, đủ sức hoàn thành xuất sắc chức năng, nhiệm vụ được giao.

Về phương hướng nhiệm vụ năm 2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ngành Kiểm sát cần tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng về lĩnh vực tư pháp và cải cách tư pháp; tập trung đổi mới các mặt công tác, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực thi nhiệm vụ, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm công lý phải được thực thi, góp phần xây dựng một xã hội trật tư, kỷ cương, văn minh đề cao tinh thần “thượng tôn pháp luật”, phục vụ thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước. Tiếp tục chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ kiểm sát; cần coi đây là những phẩm chất nghề nghiệp, phương pháp làm việc của từng cán bộ, Kiểm sát viên; từ đó phấn đấu làm tốt công tác xây dựng Đảng trong ngành Kiểm sát, gắn xây dựng Đảng với xây dựng ngành và các đơn vị Viện kiểm sát các cấp.

Đề cao trách nhiệm, nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; thực thi đúng đắn, đầy đủ, hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; thực hiện tốt chủ trương tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra, bảo đảm mọi tội phạm được phát hiện đều bị xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, không để oan, sai, không bỏ lọt tội phạm; nâng cao hơn nữa hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là đối với tội phạm về tham nhũng, kinh tế.

Bên cạnh đó, ngành Kiểm sát cần tiếp tục đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy VKSND theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, công chức ngành Kiểm sát nhân dân “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế; kịp thời tham mưu, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật. Tích cực đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong công tác đào tạo cán bộ, trao đổi kinh nghiệm nhằm tăng cường năng lực của ngành Kiểm sát; mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm nhất là tội phạm xuyên quốc gia. Ban cán sự đảng, Lãnh đạo VKSND tối cao cần chủ động nghiên cứu, báo cáo với cơ quan có thẩm quyền, những cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm điều kiện hoạt động của Viện kiểm sát các cấp để tạo động lực mới, tinh thần mới, khí thế mới, quyết tâm mới cho sự phát triển của ngành Kiểm sát nhân dân trong thời gian tới.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tin rằng, với sức mạnh đoàn kết, với quyết tâm chính trị cao và nỗ lực phấn đấu, toàn ngành Kiểm sát sẽ phát huy truyền thống, tiếp tục thể hiện được trí tuệ, bản lĩnh của người cán bộ Kiểm sát "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn", nhất định sẽ có những bước phát triển toàn diện, mạnh mẽ hơn trong năm 2022, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và sự mong đợi của Nhân dân.


Đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu tại Hội nghị

Thay mặt Ban cán sự đảng, lãnh đạo VKSND tối cao và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành Kiểm sát, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng và cá nhân đồng chí Nguyễn Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước đối với hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân thời gian qua; đồng thời khẳng định, những ý kiến chỉ đạo quý báu, toàn diện của đồng chí Chủ tịch nước sẽ là định hướng cho hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao khẳng định, Ban cán sự đảng, tập thể lãnh đạo VKSND tối cao sẽ nghiêm túc tiếp thu, thảo luận, chỉ đạo quyết liệt để toàn Ngành thực hiện nghiêm, qua đó hoàn thành xuất sắc mọi yêu cầu, nhiệm vụ, trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.


Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Quân công hạng Nhì cho Viện kiểm sát Quân sự Trung ương

Cũng tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước đã thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Quân công hạng Nhì cho Viện kiểm sát Quân sự Trung ương vì đã có những thành tích đặc biệt xuất sắc trong xây dựng quân đội nhân dân, củng cố quốc phòng, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.


Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí trao Cờ thi đua của Chính phủ cho các đơn vị đạt thành tích xuất sắc phong trào thi đua

Đồng chí Lê Minh Trí, Uỷ viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSND tối cao trao Cờ thi đua của Chính phủ cho 08 đơn vị, đại diện cho 20 đơn vị được nhận Cờ thi đua của Chính phủ vì có đã thành tích xuất sắc trong công tác năm 2021.


Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh lưu niệm với tập thể Lãnh đạo VKSND tối cao

Nguồn: kiemsat.vn

CÁC TIN KHÁC

Tin mới nhất

Thứ 2, 15/4/2024:

07h30:

- Chào cờ và nghe các câu chuyện về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

09h00:

- Đ/c Liên - PVT nghe Phòng 9 báo cáo án.

 

Thứ 3, 16/4/2024: 

08h00:

- Đ/c Thanh - PVT nghe Phòng 1 báo cáo án. 

- Đ/c Liên - PVT nghe Phòng 9 báo cáo án.

- Đ/c Thảo - PVT nghe Phòng 7 báo cáo án.

 

Thứ 4, 17/4/2024: 

08h00:

- Đ/c Viện trưởng họp HĐND tỉnh (cả ngày). 

- Đ/c Thanh - PVT nghe Phòng 1 báo cáo án.

- Đ/c Liên - PVT nghe Phòng 9 báo cáo án.

14h00:

- Đ/c Thảo - PVT và Phòng 8 công bố kết luận trực tiếp kiểm sát tại Trại giam Xuân Phước.

15h00:

- Tổng vệ sinh cơ quan (từ 15h00 dọn trong phòng làm việc, hành lang; từ 16h00 tập trung dọn phòng đọc báo, khuôn viên cơ quan).

 

Thứ 5, 18/4/2024:  

Nghỉ Lễ Giỗ tổ Hùng Vương

Phân công trực nghiệp vụ, trực cơ quan

 

Thứ 6, 19/4/2024:

08h00:

- Hội nghị tập huấn công tác tổ chức cán bộ (cả ngày). Thành phần: Lãnh đạo Viện và toàn thể công chức, người lao động.

 

Thứ 7, 20/4/2024: 

Phân công trực cơ quan  

 

Chủ nhật, 21/4/2024:

 

Phân công trực cơ quan