Ngày 12/11, tại TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, VKSNDTC tổ chức hội thảo “Vấn đề bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ trong ngành Kiểm sát nhân dân năm 2013”. Hơn 90 đại biểu của 21 VKSND các tỉnh, thành phố phía Nam từ Thừa Thiên Huế trở vào và các tỉnh Tây Nguyên cùng các chuyên gia về giới trong và ngoài nước tham dự hội thảo. Tiến sỹ Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSNDTC, Trưởng ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành KSND dự và chủ trì hội thảo.
Đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSNDTC phát biểu tại Hội thảo.
Phát biểu khai mạc và chỉ đạo hội thảo, Phó Viện trưởng VKSNDTC – Trần Công Phàn nhấn mạnh, Lãnh đạo VKSNDTC luôn xác định công tác cán bộ nữ, bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng, xây dựng Ngành. Lãnh đạo Ngành đã tạo mọi điều kiện cần thiết để thực hiện có hiệu quả các quyền cơ bản và phát huy vai trò của phụ nữ trong mọi lĩnh vực. Ngành Kiểm sát đặt mục tiêu đến năm 2015, về cơ bản bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực hoạt động của Ngành, góp phần vào sự phát triển của Ngành và của đất nước.
Từ khi thành lập Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN) ngành KSND (năm 1999), đến nay, ngoài Ban VSTBPN của ngành KSND, đã có 48 Ban VSTBPN được thành lập tại VKSND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương. Hiện nay, toàn Ngành có 5.886 công chức nữ/14.313 tổng số biên chế toàn Ngành, chiếm tỷ lệ 41,12%. Tổng số cán bộ nữ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý của VKSND các cấp hiện có 345 người. Tính đến ngày 30/9/2013, ngành KSND có 01 Phó Viện trưởng VKSNDTC là nữ; có 24 Viện trưởng, Phó Viện trưởng cấp tỉnh/63 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương và 306 Viện trưởng, Phó Viện trưởng cấp huyện/700 quận, huyện, TP thuộc tỉnh là nữ. Lãnh đạo VKSNDTC đã có chỉ thị và kế hoạch chỉ đạo, phấn đấu đến năm 2020, ngành đạt tỷ lệ 30% cán bộ nữ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý ở VKSND các cấp.
Hiện cán bộ nữ của Ngành có 05 tiến sỹ, 72 thạc sỹ, 5.289 đại học, 96 cao đẳng. Từ năm 2008 đến nay, nhiều cán bộ nữ trẻ các khóa nguồn nhân lực của Ngành (61/94 người) được quan tâm chọn cử đi học bồi dưỡng nâng cao ngoại ngữ, kiến thức pháp luật quốc tế tại các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước để tạo nguồn cán bộ chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế...
Phát biểu tại hội nghị, Tiến sỹ Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSNDTC nhấn mạnh, việc bình đẳng giới không phải là đặt nam giới và nữ giới ngang nhau mà phải tạo mọi điều kiện để nữ giới phát huy hết năng lực của mình. Nữ giới phải được trao cơ hội tham gia vào các lĩnh vực đúng theo năng lực của họ. Các Ban VSTBPN cần rà soát lại những chỉ tiêu cụ thể để nâng cao hơn nữa vai trò của Ban trong việc thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ. Phó Viện trưởng VKSNDTC Trần Công Phàn cũng mong rằng, các đồng chí nữ trong Ngành, phải nỗ lực, phát huy hết năng lực và tận dụng các cơ hội để thăng tiến, dẹp bỏ tâm lý e dè, ngại cạnh tranh, va chạm...
Toàn cảnh Hội thảo.
Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Phúc - Chuyên gia về giới đã giới thiệu Công ước CEDAW và các văn kiện cơ bản khác của Liên Hợp quốc về quyền con người liên quan và giới thiệu về Luật Bình đẳng giới. Bà Birgit Gammelgaard – Công tố viên Đan Mạch chia sẻ những kinh nghiệm về vấn đề bình đẳng giới trong cơ quan Công tố Đan Mạch.