Ngày 17/8/2017, TAND tỉnh Phú Yên đã tuyên phạt Huỳnh Anh Khương 08 năm tù; Phạm Xuân Trình và La O Kính mỗi bị cáo 07 năm 06 tháng tù; La Lan Thập 07 năm tù về tội hủy hoại rừng; buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường cho Ủy ban nhân dân xã Phú Mỡ hơn 2 tỷ đồng.
Như tin đã đưa, ngày 21/02/2013, UBND tỉnh Phú Yên ra Quyết định số 318/QĐ-UBND thu hồi đất của Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Đồng Xuân giao cho UBND các xã Phú Mỡ, Xuân Lãnh và Xuân Quang 1 thuộc huyện Đồng Xuân quản lý; trong đó có rừng Bình Ấm thuộc tiểu khu 83, 90 của xã Phú Mỡ.
Các bị cáo trước vành móng ngựa
Khoảng tháng 5 năm 2015, Phạm Xuân Trình sử dụng các thông tin cá nhân của các ông La Lan Dư, La O Đấu, La Mo Mang có hộ khẩu tại xã Phú Mỡ rồi lập 03 hồ sơ đăng ký và xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng nhằm hợp thức hóa quyền sử dụng đất rừng Bình Ấm. Các cán bộ phòng tài nguyên môi trường và Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Đồng Xuân không kiểm tra hiện trạng, nhưng vẫn lập biên bản kiểm tra hiện trạng phản ánh không đúng thực tế để tham mưu cho lãnh đạo đơn vị xác nhận và hoàn tất các thủ tục của 03 hồ sơ nói trên, trình UBND huyện Đồng Xuân cấp giấy chứng nhận.
Để tiếp tục hợp thức hóa quyền sử dụng diện tích đất rừng Bình Ấm,Trình và Huỳnh Anh Khương sử dụng các thông tin cá nhân của La Thanh Anh, La Lan Ninh, La Mo Hùng để lập hồ sơ đăng ký quyền sử dụng đất, được UBND huyện Đồng Xuân đã cấp 04 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Kiểm sát viên công bố cáo trạng
Ngày 21/3/2016, Trình lập khống các hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ từ tên Dư, Mang, Đấu sang cho Trình, rồi làm đơn xin phát dọn thực bì, các giấy tờ này được UBND xã Phú Mỡ ký xác nhận. Cuối tháng 3/2016, Trình tổ chức thuê khoảng 29 người sử dụng cưa máy cầm tay, rựa chặt phát tại các lô 11, 15, 20 tại rừng Bình Ấm. Trình theo dõi chấm công, trả tiền công 150.000đ/công, cung cấp xăng cho máy cưa. Đồng thời, Trình liên lạc với Khương đề cập đến việc chỉ ranh giới đất rừng được cấp giấy chứng nhận đứng tên La Thanh Anh, La Lan Ninh, La Mo Hùng. Đầu tháng 4/2016, Khương 02 lần mang theo bản đồ và máy định vị GPS đến rừng Bình Ấm xác định ranh giới để Trình chỉ lại cho nhân công tiếp tục chặt phát tại các lô 1, 16, 17, 18, 19, 21, 22 có tổng diện tích 18,1ha. Khương đưa tiền cho Trình ba lần, tổng số 37.000.000 đồng để trả tiền công phát rừng.
Thấy Phạm Xuân Trình và một số người khác tổ chức chặt phát rừng nên La O Kính rủ La Lan Thập tổ chức thuê người chặt phát rừng lấy đất canh tác, đồng thời ngăn việc Trình chiếm hết đất rừng Bình Ấm. Tháng 4/2016, Kính và Thập đã thuê khoảng 30 người sử dụng cưa máy cầm tay, rựa chặt phát 18,73ha rừng tại các lô 2, 3, 8, 9, 10 thuộc tiểu khu 83 rừng Bình Ấm. Kính và Thập cung cấp lương thực, thực phẩm, công cụ (các khoản này được trừ vào tiền công), dựng lán trại, theo dõi và trả tiền công mỗi người 160.000đ/ngày đối với lao động nam và 150.000đ/ngày đối với lao động nữ. Thập đã chi trả khoảng 30 triệu đồng.
Quang cảnh phiên tòa
Theo Kết luận giám định của Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên: Trong 109,9ha bị Trình, Khương, Kính và Thập chặt phá có 76,9ha đất chưa thành rừng có cây gỗ tái sinh thuộc phạm vi xử lý theo Nghị định 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 của Chính phủ xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai và 33ha rừng, gồm 25 ha rừng phòng hộ và 08ha rừng sản xuất của tiểu khu 83, 90 thuộc rừng Bình Ấm. Trong đó, Trình và Khương tổ chức chặt phá 6,27ha rừng phòng hộ, 08ha rừng sản xuất; Kính và Thập tổ chức chặt phá 18,73ha rừng phòng hộ.
Bảo Châu - Văn Đẳng