Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng
Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Trưởng Ban soạn thảo Bộ luật tố tụng hình sự
(sửa đổi) phát biểu tại phiên họp.
Ngày 19/12/2013, tại trụ sở Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ban soạn thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) tổ chức phiên họp thứ Năm. Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Trưởng Ban soạn thảo chủ trì phiên họp. Dự phiên họp lần này có các đồng chí Ủy viên Ban soạn thảo: Đồng chí Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; đồng chí Đặng Quang Phương, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; đồng chí Hoàng Thế Liên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Về phía khách mời có đồng chí Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; đồng chí Đỗ Văn Đương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; đồng chí Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tham dự phiên họp; đại diện Bộ Y tế, Bộ đội biên phòng, Cục Cảnh sát biển, Cục Kiểm lâm, Tổng cục Hải quan.
Đồng chí Nguyễn Thị Thuy, Phó Viện trưởng Viện khoa học kiểm sát
Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình bày Báo cáo tóm tắt tại phiên họp.
Tại phiên họp, đồng chí Nguyễn Thị Thủy, Phó Viện trưởng Viện khoa học kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình bày Báo cáo tóm tắt Những nội dung cơ bản đề xuất sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) và một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau xin ý kiến Ban soạn thảo. Theo đó, trên cơ sở đề xuất của các bộ, ngành, Dự thảo BLTTHS được xây dựng gồm 08 phần, 39 chương, 441 điều, tăng 02 chương và 96 điều so với Bộ luật hiện hành (trong đó có 281 điều sửa đổi, 90 điều mới bổ sung, 70 điều được giữ nguyên). Ngoài những nội dung cơ bản đề xuất, bổ sung BLTTHS, Báo cáo tóm tắt còn chỉ ra một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau như: Tăng quyền, tăng trách nhiệm cho Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán; quyền im lặng của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; đối tượng được hưởng quyền bào chữa; diện người bào chữa; quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa; quyền gặp người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đang bị tạm giam trong tầm nhìn, không trong tầm nghe; thẩm quyền ra lệnh bắt khẩn cấp và phê chuẩn việc bắt khẩn cấp; phê chuẩn các biện pháp ngăn chặn và các biện pháp cưỡng chế tố tụng; căn cứ biện pháp áp dụng tạm giam; cách quy định các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm và kiện nghị khởi tố; trách nhiệm gia hạn thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; nội dung quyết định khởi tố bị can; thể chế hóa chủ trương của Đảng: “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”; biện pháp trinh sát (hay biện pháp điều tra đặc biệt); giới hạn xét xử; sự có mặt của Điều tra viên tại phiên tòa.
Tại phần tham luận, các đồng chí Ủy viên Ban soạn thảo BLTTHS (sửa đổi) nhiệt tình đóng góp ý kiến vào Dự thảo BLTTHS vào các vấn đề lớn còn có nhiều ý kiến khác nhau như trên.
Phát biểu tại phiên họp, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Trưởng Ban soạn thảo BLTTHS (sửa đổi) Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao tinh thần tập trung, trách nhiệm, sự đóng góp ý kiến nhiệt tình của các đại biểu tham dự phiên họp; biểu dương sự hợp tác của các bộ, ngành, Tổ giúp việc trong quá trình nghiên cứu BLTTHS (sửa đổi). Đồng chí Viện trưởng cho biết, Ban soạn thảo đã tổ chức được 07 hội thảo lớn gắn liền với Bộ luật; phân công cho các bộ, ngành nghiên cứu Dự thảo BLTTHS (sửa đổi) và các bộ, ngành đã hoàn tất Dự thảo theo sự phân công; đồng thời nhấn mạnh, từ nay đến năm 2015, Quốc hội sẽ cho ý kiến về Bộ luật này, đây là Bộ luật khó về nội dung, cần nỗ lực, cố gắng để xây dựng BLTTHS hoàn thiện, là dịp để đổi mới BLTTHS, tiếp cận luật hình sự quốc tế, tháo gỡ khó khăn từ thực tiễn. Đồng chí đề nghị Ban biên tập, Tổ giúp việc Ban soạn thảo tổng hợp, tiếp thu các ý kiến để bổ sung vào Dự thảo của BLTTHS (sửa đổi); đề xuất những văn bản cần ban hành để hướng dẫn thực thi nội dung này; nghiên cứu tài liệu, cho ý kiến bằng văn bản để báo cáo Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; yêu cầu Ban biên tập, Tổ giúp việc Ban soạn thảo rà soát lại các quy định có liên quan được nêu trong Hiến pháp và các Thông tư liên tịch phục vụ công tác sửa đổi, bổ sung BLTTHS; bám sát định hướng sửa đổi ban đầu đảm bảo mục tiêu thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và bảo vệ quyền con người.
Nguồn: VKSNDTC.