Ngày 29/10/2014, tại thành phố Đà Lạt, VKSNDTC phối hợp với Chương trình Đối tác tư pháp tổ chức Hội nghị Sơ kết việc thực hiện Chỉ thị số 06/CT- VKSTC ngày 06/12/2013 của Viện trưởng VKSNDTC và Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT- BCA-BQP-BTC-BNN & PTNT-VKSNDTC ngày 02/08/2013 (khu vực phía Nam từ Đà Nẵng trở vào). Đồng chí Bùi Mạnh Cường, Phó Viện trưởng VKSNDTC chủ trì Hội nghị.
Tại Hội nghị, đồng chí Lê Thị Tuyết Hoa, Vụ trưởng Vụ 1A trình bày báo cáo tóm tắt sơ kết về việc thực hiện chỉ thị số 06/2013 của Viện trưởng VKSNDTC về “Tăng cường công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm”. Theo báo cáo, các chỉ tiêu trong các khâu công tác đều tăng so với cùng kỳ, các đơn vị nghiệp vụ thuộc VKSNDTC đều làm tốt chức năng, nhiệm vụ được phân công tại Chỉ thị 06. Bên cạnh kết quả đã đạt được, báo cáo còn nêu lên một số hạn chế, thiếu sót như: Việc nắm, quản lý tố giác, tin báo tội phạm còn lúng túng, thiếu đôn đốc CQĐT, để quá hạn giải quyết gây tiềm ẩn nguy cơ bỏ lọt tội phạm; Tình trạng thụ động trong việc khởi tố, nhận định, đánh giá tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội của các vi phạm hành chính, kinh tế còn thiếu và chưa thống nhất; Chất lượng xét phê chuẩn các quyết định của CQĐT còn chưa cao, còn để quá hạn tạm giam, tạm giữ hay quá hạn truy tố; Việc đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra vụ án còn cao so với cùng kỳ. Nội dung báo cáo đã chỉ ra những nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến những hạn chế và thiếu sót nêu trên đồng thời cũng đưa ra một số kinh nghiệm, giải pháp từ thực tiễn tại các địa phương.
Toàn cảnh Hội nghị
Hội nghị cũng được nghe đại diện Lãnh đạo 1A trình bày: Báo cáo tóm tắt sơ kết việc thực hiện Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN & PTNT-VKSNDTC hướng dẫn thi hành các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; những nội dung chính Quy chế Công tác kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và Quy chế công tác kiểm sát khám nghiệm hiện trường; kiểm sát khám nghiệm tử thi, thực hiện điều tra việc tiến hành khám nghiệm.
Đồng chí Lê Thị Tuyết Hoa, Vụ trưởng Vụ 1A trình bày tại Hội nghị
Tại Hội nghị đã có 12 lượt ý kiến tham luận từ đại diện lãnh đạo các địa phương tham dự. Nhìn chung, các ý kiến chủ yếu xoay quanh những kết quả, những khó khăn và vướng mắc và những kiến nghị về giải pháp khi triền khai Thông tư 06 cũng như Chỉ thị 06 tại đơn vị, địa phương.
Đồng chí Bùi Mạnh Cường, Phó Viện trưởng VKSNDTC phát biểu kết luận Hội nghị
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Bùi Mạnh Cường, Phó Viện trưởng VKSNDTC đánh giá cao chất lượng công tác chuẩn bị các nội dung của Hội nghị đảm bảo đúng trọng tâm, yêu cầu đặt ra, đồng chí Phó Viện trưởng cũng giải đáp những thắc mắc mà các đại biểu đã trình bày và đề nghị các đại biểu cập nhật những kinh nghiệm được nêu lên trong Hội nghị để phổ biến cho toàn thể cán bộ, KSV của đơn vị mình. Bên cạnh đó, Đồng chí nhấn mạnh một số nhiệm vụ mà các địa phương cần nghiêm túc thực hiện trong thời gian tới, như: Thứ nhất: Hoạt động công tố phải thực hiện tốt hơn, sớm hơn, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; Thứ hai: Hoạt động công tố phải thực hiện sâu sát hơn theo quy định của Bộ Luật TTHS; Thứ ba: Hoạt động công tố phải trực tiếp hơn (trường hợp cần thiết VKS tiến hành trực tiếp đối chất, điều tra để xử lý kịp thời); Thứ tư: Viện trưởng VKS các cấp cần khẩn trương tổ chức và chủ trì Hội nghị Sơ kết Thông tư liên tịch 06 và Chỉ thị 06 tại đơn vị; Thứ năm: Tiếp tục quán triệt đến các KSV trong ngành vai trò của công tố trong họat động điều tra, nâng cao trách nhiệm KSV trong từng vụ án; Thứ sáu: Tích cực xây dựng các chuyên đề nghiệp vụ, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn của KSV thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết tin báo tố giác tội phạm, phê chuẩn các quyết định của CQĐT, ban hành các bản cáo trạng, rút kinh nghiệm các vụ án Tòa án tuyên không phạm tội, tổ chức tập huấn nâng cao trình độ, kỹ năng, nhận thức KSV trong toàn ngành; Thứ bảy: Chủ động phối hợp chặt chẽ với CQĐT, tránh khuynh hướng “quyền anh, quyền tôi”, xuôi chiều trong việc giải quyết các vụ án; Thứ tám: Trong công tác kiểm sát, cần tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng theo đúng tinh thần Chỉ thị 15 của Bộ Chính trị. Đảm bảo công tác của Ngành phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật và quy định, quy chế nghiệp vụ của Ngành.
Nguồn: Kiểm sát Online