Vừa qua, VKSND và TAND tỉnh đã phối hợp tổ chức Hội nghị sơ kết hai năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa VKSND và TAND tỉnh trong việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm xét xử hình sự. Dự và chủ trì hội nghị có các đồng chí Lê Trung Hưng - Tỉnh ủy viên, Bí thư BCS đảng, Viện trưởng VKSND tỉnh và Lê Văn Phước - Tỉnh ủy viên, Bí thư BCS đảng, Chánh án TAND tỉnh. Tham dự hội nghị, có các đồng chí lãnh đạo VKSND tỉnh; đại diện lãnh đạo Cơ quan an ninh điều tra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh; các đồng chí Trưởng phòng, Phó trưởng phòng, KSV các phòng 1,3,7,9 VKSND tỉnh…
Đ/c Lê Trung Hưng - Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tỉnh
phát biểu tại Hội nghị
Báo cáo trình bày tại hội nghị, nêu rõ: Quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; thực hiện ý kiến chỉ đạo của VKSND tối cao, ngày 04/6/2015 VKSND tỉnh và TAND tỉnh đã ký kết Quy chế số 471/QC-VKS-TA về phối hợp trong việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm xét xử hình sự.
Từ đó đến nay, VKSND hai cấp tỉnh và huyện đã phối hợp với TAND cùng cấp thực hiện Quy chế số 471/QC-VKS-TA tổ chức tốt các phiên tòa rút kinh nghiệm kỹ năng xét hỏi, tranh luận của Kiểm sát viên. Nhìn chung, việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm được thực hiện theo đúng các quy định của BLTTHS và các văn bản pháp luật có liên quan. VKS và Tòa án phối hợp chặt chẽ, từ công tác chuẩn bị đến việc tổ chức phiên tòa, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, của Ngành, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
Đ/c Lê Văn Phước - Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TAND tỉnh
phát biểu tại Hội nghị
Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố tại phiên tòa đã chú trọng việc kiểm tra, nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án và lập hồ sơ kiểm sát xét xử án hình sự theo đúng Quyết định của VKSND tối cao. Tại phiên tòa, Kiểm sát viên thể hiện rõ vai trò, vị trí pháp lý, là người đại diện VKSND thay mặt Nhà nước làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng. Việc xét hỏi, tranh luận của Kiểm sát viên được chủ động, thực hiện theo đúng quy định của BLTTHS. Kiểm sát viên đã chuẩn bị đề cương xét hỏi nên chủ động tham gia xét hỏi, chuẩn bị dự thảo luận tội, bảo đảm lời luận tội của KSV dựa trên cơ sở đánh giá tổng hợp các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án và các chứng cứ đã kiểm tra, đánh giá tại phiên tòa... Kiểm sát viên cũng đã tranh luận, đối đáp đối với những ý kiến có liên quan đến vụ án mà bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác đưa ra, phương pháp tranh luận phù hợp, phong cách, thái độ bình tĩnh, tự tin…
Thẩm phán chủ tọa phiên tòa và Hội đồng xét xử đã tạo điều kiện để Kiểm sát viên tích cực tham gia xét hỏi, tranh tụng tại phiên tòa. Bên cạnh đó, Thẩm phán và Kiểm sát viên đã phối hợp làm tốt việc tuyên truyền để bị cáo, người tham gia tố tụng, quần chúng nhân dân tham dự phiên tòa nâng cao nhận thức về pháp luật...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Quy chế phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm của VKSND và TAND tỉnh trong thời gian qua còn có những tồn tại, hạn chế, như: Việc thực hiện Quy chế có lúc, có nơi chưa được hai ngành phối hợp thường xuyên, chặt chẽ; số lượng vụ án được chọn để tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm không nhiều, có 114 vụ - 184 bị cáo trên tổng số 1.187 vụ - 1.846 bị cáo Tòa án đã đưa ra xét xử, chiếm tỷ lệ 9,60%; việc đối đáp, tranh luận, có trường hợp KSV chưa đối đáp hết những vấn đề luật sư nêu ra...
Đ/c Lê Trung Hưng - Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tỉnh
và Đ/c Lê Văn Phước - Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TAND tỉnh
đồng chủ trì Hội nghị
Hội nghị thống nhất trong thời gian tới, cần tăng cường hơn nữa công tác phối hợp với Tòa án trong việc tổ chức phiên tòa xét xử các vụ án hình sự rút kinh nghiệm kỹ năng xét hỏi, tranh luận của Kiểm sát viên đạt chất lượng, hiệu quả cao hơn; đảm bảo đủ về số lượng theo hệ thống chỉ tiêu của VKSND tối cao, TAND tối cao. Ngày 30/3/2017, TAND tối cao cũng đã ban hành hướng dẫn các TAND địa phương về việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm theo yêu cầu cải cách tư pháp, xác định nhiệm vụ “Đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử, xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng theo hướng bảo đảm tính công khai, dân chủ, nghiêm minh; nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp”. Trong đó đã đặt ra tiêu chí, yêu cầu, cách thức tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm cũng như công tác phối hợp với VKSND… Do đó, các phòng nghiệp vụ VKSND tỉnh có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ hơn với Tòa án trong việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm, vừa bảo đảm đúng quy định của pháp luật, đúng hướng dẫn của VKSND tối cao, TAND tối cao, đúng quy chế số 471/QC-VKS-TA.
BLHS năm 2015 đã được QH sửa đổi, bổ sung, có hiệu lực thi hành từ 01/01/2018 cùng với BLTTHS năm 2015, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam…; đồng thời BLDS, BLTTDS và Luật tố tụng hành chính năm 2015 cũng đã có hiệu lực thi hành, có rất nhiều quy định mới liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của VKSND và TAND, nhiệm vụ, quyền hạn của KSV, Thẩm phán…mà khi xây dựng quy chế số 471/QC-VKS-TA chưa đề cập đến…Hơn nữa, phạm vi điều chỉnh của quy chế số 471/QC-VKS-TA chỉ mới trong lĩnh vực xét xử án hình sự. Do đó, thời gian tới, hai ngành cần phối hợp chặt chẽ trong việc sửa đổi, bổ sung quy chế số 471/QC-VKS-TA cho phù hợp, trong đó cần quy định việc phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trong hình sự, dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động...
NGỌC THẢO - NGUYỄN HIẾU