Chiều 24/11/2014, với đa số Đại biểu Quốc hội tán thành, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) và Nghị quyết thi hành Luật này đã được Quốc hội thông qua.
Toàn cảnh phiên họp Quốc hội thông qua Luật tổ chức
Viện kiểm sát nhân dân sửa đổi
Thực hiện chương trình xây dựng Dự án Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi), Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập, biên soạn Dự Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi), toàn ngành Kiểm sát đã tập trung xây dựng dự thảo Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi). Sau thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, tiến hành tổ chức nhiều hội thảo về nội dung, hình thức của Luật tại Trung ương và các địa phương, trong toàn ngành Kiểm sát và liên ngành Trung ương; ban hành kế hoạch và tổ chức lấy ý kiến đóng góp xây dựng Luật tổ chức VKSND sửa đổi trong toàn Ngành, của các nhà khoa học, thực tiễn và các chuyên gia về pháp luật; chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật, Viện trưởng VKSND tối cao đã có tờ trình Dự thảo Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân kỳ họp Thứ 7 Quốc hội khoá XIII xem xét và tiếp tục chỉnh lý.
Ngày 27 tháng 10 năm 2014, Quốc hội đã thảo luận tại phiên họp toàn thể về dự án Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi); ngày 17 tháng 11 năm 2014, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội dự thảo Nghị quyết thi hành Luật này. Tôn trọng ý kiến khác nhau, trước khi các đại biểu tiến hành thông qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, dự thảo Nghị quyết thi hành Luật.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để xác định có tội phạm xảy ra hoặc vụ việc có dấu hiệu tội phạm hay không thì cơ quan có thẩm quyền phải kiểm tra, xác minh nguồn tin, thu thập tài liệu chứng cứ và trên cơ sở đó Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) mới có căn cứ để thực hành quyền công tố.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ thời điểm thực hành quyền công tố bắt đầu từ khi Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điềutra “giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm” như dự thảo Luật, đồng thời “bác” đề xuất quy định thời điểm VKSND bắt đầu thực hành quyền công tố từ khi tội phạm xảy ra hoặc từ khi vụ việc có dấu hiệu tội phạm.
Như vậy, về thời điểm bắt đầu thực hành quyền công tố, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân sửa đổi quy định Viện kiểm sát nhân dân bắt đầu thực hành quyền công tố từ khi Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra “giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm”. Luật cũng quy định Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát quân sự Trung ương có thẩm quyền điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tham những, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp theo quy định của Luật mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạst động tư pháp.
Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày báo cáo tại
kỳ họp Thứ 8 Quốc hội khóa III
Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) còn quy quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, theo đó: “Việc giao cho VKSND cấp cao có trách nhiệm chỉ đạo VKSND cấp huyện để nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm, góp phần hạn chế oan, sai, bỏ lọt tội phạm ở VKSND cấp này là cần thiết, không trái Hiến pháp, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của VKSND cấp cao và những yêu cầu của thực tiễn” - Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân tích.
Liên quan đến góp ý cho dự thảo Nghị quyết thi hành Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, đã tiếp thu để bỏ quy định về thời điểm có hiệu lực của Luật trong dự thảo Nghị quyết, đồng thời đã bổ sung vào dự thảo Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) quy định thời điểm có hiệu lực của một số điều, khoản của Luật kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2015, tạo cơ sở pháp lý cho việc chuẩn bị về bộ máy, tổ chức, cán bộ của VKSND, bảo đảm hoạt động của hệ thống VKSND ngay khi Luật có hiệu lực.
Với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) và Nghị quyết thi hành Luật này.
Nguồn: Viện KSND tối cao