Nhằm đảm bảo sự an toàn, thông thoáng, lẽ công bằng trong các quan hệ dân sự cũng như trong giải quyết vụ, việc dân sự về các vấn đề, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung, quy định hoàn toàn mới một số điều luật về trách nhiệm dân sự. Bài viết này xin trân trong giới thiệu cùng bạn đọc 5 vấn đề mới sau:
1. Về trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ (Điều 351)
Điều 302 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định bên có nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm dân sự hoặc không phải chịu trách nhiệm đối với bên có quyền trong một số trường hợp cụ thể như: Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ; không thể thực hiện được nghĩa vụ dân sự do sự kiện bất khả kháng; không phải chịu trách nhiệm dân sự nếu chứng minh được nghĩa vụ không thực hiện được là hoàn toàn do lỗi của bên có quyền.
Mặc dù tên gọi của điều luật trên có sử dụng cụm từ “vi phạm nghĩa vụ”, nhưng trong nội dung lại không khái quát thế nào là vi phạm nghĩa vụ làm cho việc nhận thức, áp dụng điều luật gặp những khó khăn, vướng mắc nhất định. Khắc phục hạn chế đó, tại khoản 1 Điều 351 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã dùng cụm từ “vi phạm” thay cho cụm từ “không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ” và bổ sung nêu rõ khái niệm thế nào là vi phạm nghĩa vụ để các bên tham gia quan hệ dân sự có trách nhiệm đối với việc thực hiện nghĩa vụ của mình, trừ trường hợp không thể thực hiện được vì lý do khách quan ... Theo đó xác định: “Vi phạm nghĩa vụ là việc bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung của nghĩa vụ”.
2. Về trách nhiệm tiếp tục thực hiện nghĩa vụ (Điều 352)
Bộ luật quy định: “Khi bên có nghĩa vụ thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình thì bên có quyền được yêu cầu bên có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ”.
Quy định trên đã tạo thời gian nhất định cho bên có nghĩa vụ phải có trách nhiệm tiếp tục thực hiện nghĩa vụ. Nếu bên có quyền đã yêu cầu trong thời hạn nhất định mà bên có nghĩa vụ tuy có điều kiện thực hiện mà cố tình không thực hiện tiếp thì đó là cơ sở cho việc xác định vi phạm nghĩa vụ.
3. Về thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ (Điều 361)
Tương tự như cách xác định thiệt hại đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, Bộ luật bổ sung quy định cách xác định thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng mà Bộ luật Dân sự năm 2005 không quy định cụ thể. Quy định mới này là cơ sở cho việc xác định thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ, bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần. Bộ luật cũng khái quát như thế nào là thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần. Theo đó, thiệt hại về vật chất là tổn thất vật chất thực tế xác định được, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút. Thiệt hại về tinh thần là tổn thất về tinh thần do bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các lợi ích nhân thân khác của một chủ thể.
4. Về nghĩa vụ ngăn chặn, hạn chế thiệt hại (Điều 362)
Điều 362 Bộ luật quy định “bên có quyền phải áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để thiệt hại không xảy ra hoặc hạn chế thiệt hại cho mình”.
Quy định mới này buộc bên có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại phải áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để hạn chế thiệt hại có thể gây ra cho mình. Trong trường hợp người bị thiệt hại chậm trễ trong việc áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để giảm thiểu thiệt hại cho mình thì người gây thiệt hại có quyền yêu cầu giảm mức bồi thường tương ứng với mức thiệt hại mà lẽ ra người bị thiệt hại có thể hạn chế được.
5. Về bồi thường thiệt hại trong trường hợp bên bị vi phạm có lỗi (Điều 363)
Điều 363 Bộ luật quy định “Trường hợp vi phạm nghĩa vụ và có thiệt hại là do một phần lỗi của bên có quyền thì bên có nghĩa vụ chỉ phải bồi thường thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình”.
Quy định mới trên là chế tài xử lý trách nhiệm dân sự đối với trường hợp không thực hiện đúng nghĩa vụ và thiệt hại gây ra là do một phần lỗi của người bị thiệt hại thì người gây thiệt hại có quyền yêu cầu giảm mức bồi thường tùy theo mức độ lỗi của người bị thiệt hại. Trong trường hợp bên vi phạm chứng minh được việc không thực hiện đúng nghĩa vụ là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị vi phạm thì bên vi phạm không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận hoặc luật có quy định khác./.
Nguồn: kiemsat.vn