Chế định thẩm quyền điều tra (TQĐT) được quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) năm 2003 và Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự (PLTCĐTHS) năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2006, 2009). Phân tích các quy định trong các văn bản luật này có thể nhận thấy TQĐT các vụ án hình sự được phân định theo những tiêu chí sau đây:
Thẩm quyền điều tra theo tính chất của Cơ quan điều tra (CQĐT): Các CQĐT có hai loại: Chuyên trách và không chuyên trách (cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra). Cơ quan điều tra không chuyên trách có TQĐT trong hai trường hợp. Thứ nhất, TQĐT theo khoản 1 Điều 111 BLTTHS, thẩm quyền này chỉ được thừa nhận với các cơ quan Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển với 3 điều kiện: Tội phạm xảy ra trong lĩnh vực quản lý của mình, tội phạm ít nghiêm trọng, phạm tội quả tang, chứng cứ, lai lịch người phạm tội rõ ràng. Các cơ quan này có quyền áp dụng các biện pháp điều tra theo luật định trong thời hạn hai mươi ngày, kết thúc điều tra chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát (VKS) truy tố. Thứ hai, trong trường hợp TQĐT ban đầu theo điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 111 BLTTHS, từ Điều 19 đến Điều 25 PLTCĐTHS. Khi phát hiện tội phạm trong lĩnh vực quản lý của mình, các cơ quan này chỉ có quyền thực hiện những hoạt động điều tra ban đầu trong thời hạn bảy ngày phải chuyển giao cho CQĐT chuyên trách có TQĐT. Các trường hợp còn lại thuộc TQĐT của CQĐT chuyên trách.
Thẩm quyền điều tra theo loại tội: Quy định về TQĐT theo loại tội căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước mà CQĐT là bộ phận cấu thành của cơ quan nhà nước đó, căn cứ vào tổ chức hành chính của bộ máy nhà nước và các yếu tố khác nhằm tạo những điều kiện thuận lợi nhất trong việc tiến hành điều tra các vụ án hình sự, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của hoạt động tố tụng, bảo đảm quyền con người của những người tham gia tố tụng. Thẩm quyền điều tra theo loại tội được xác định theo loại tội phạm, theo cấu thành tội phạm và đặc điểm về khách thể xâm phạm của tội phạm (các lĩnh vực quan hệ xã hội bị tội phạm xâm phạm) để phân định thẩm quyền điều tra vụ án hình sự giữa các CQĐT khác nhau thuộc các hệ thống cơ quan khác nhau hoặc giữa các cấp khác nhau của CQĐT trong cùng một hệ thống. Thẩm quyền điều tra theo loại tội thể hiện ở tội danh của tội phạm được quy định trong Phần các tội phạm của Bộ luật Hình sự. Ví dụ, PLTCĐTHS quy định TQĐT của CQĐT an ninh chủ yếu là các loại tội trong Chương XI và XXIV hoặc phân định thẩm quyến theo cấp điều tra giữa các cơ quan trong hệ thống Cảnh sát điều tra của Công an nhân dân từ cấp huyện đến cấp Bộ theo tính chất nguy hiểm cho xã hội của tội phạm. Tính chất tội phạm cũng là tiêu chí để phân biệt TQĐT của CQĐT không chuyên trách với CQĐT chuyên trách. Đối với những tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chỉ có CQĐT chuyên trách mới có quyền điều tra theo hình thức điều tra đầy đủ (không rút gọn). Chỉ có những vụ án ít nghiêm trọng và không phức tạp mới có thể điều tra theo hình thức rút gọn.
Thẩm quyền điều tra theo lãnh thổ: Được quy định nhằm phân định TQĐT giữa CQĐT ở các cấp khác nhau hoặc ở các hệ thống khác nhau tùy thuộc vào địa điểm thực hiện tội phạm (khoản 4 Điều 110 BLTTHS hoặc các Điều 19, 20, 22 PLTCĐTHS). Địa điểm thực hiện tội phạm là nơi thực hiện hành vi cuối cùng trong mặt khách quan của cấu thành tội phạm, không phụ thuộc vào nơi phát sinh hậu quả của tội phạm. Trên thực tế, tại thời điểm bắt đầu của vụ án, việc xác định chính xác TQĐT theo nơi thực hiện tội phạm chỉ có tính tương đối. Đối với sự việc có dấu hiệu phạm tội mà chưa xác định rõ TQĐT thì CQĐT nào phát hiện tội phạm phải áp dụng ngay các biện pháp điều tra theo quy định của BLTTHS; khi đã xác định được TQĐT thì chuyển vụ án cho CQĐT có thẩm quyền theo quy định của BLTTHS (khoản 2 Điều 26 PLTCĐTHS).
Thẩm quyền điều tra theo chủ thể: Thẩm quyền này dựa trên tiêu chí đặc thù về nhân thân chủ thể tội phạm làm căn cứ phân định TQĐT. Ví dụ như, quy định về TQĐT của CQĐT Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) - các tội xâm phạm hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ thuộc các cơ quan tư pháp khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân. Nếu những tội này thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự thì TQĐT thuộc CQĐT của Viện kiểm sát quân sự Trung ương.
Phân tích các quy định của BLTTHS về chế định TQĐT cho thấy có nhiều vấn đề chưa được BLTTHS năm 2003 giải quyết hoặc chưa giải quyết triệt để. Cụ thể là:
- Các quy định về TQĐT còn tản mạn, không tập trung thống nhất trong BLTTHS. Thực tế, PLTCĐTHS vừa có những quy định lặp lại BLTTHS năm 2003, vừa có những quy định bổ sung mới (Điều 18 của PLTCĐTHS về thẩm quyền điều tra của VKSNDTC).
- Chưa đề cập đến những tình huống xung đột về TQĐT. Cụ thể là các tình huống sau đây: Trong một vụ án có nhiều tội thuộc TQĐT của các CQĐT khác nhau thì CQĐT nào có TQĐT vụ án?; trường hợp trong một vụ án trong đó bị can phạm nhiều tội ở các địa phương khác nhau thì cơ quan nào có TQĐT?; trường hợp trong một vụ án có nhiều tội với nhiều bị can hoặc nhiều người làm chứng ở các địa phương khác nhau thì cơ quan nào có TQĐT?; trường hợp trong quá trình điều tra phát hiện hành vi phạm tội còn có dấu hiệu của tội mới hoặc có tình tiết chuyển khung thuộc TQĐT của CQĐT khác thì lúc này xử lý thế nào?; chưa đề cập đến những tình huống, trong đó chủ thể là những đối tượng có dấu hiệu đặc thù như người được hưởng quy chế miễn trừ truy cứu trách nhiệm hình sự (nhân viên ngoại giao), người có khuyết tật về thể chất, tâm thần.
- Nguyên tắc giải quyết tranh chấp TQĐT chưa triệt để: Điều 28 PLTCĐTHS chỉ nói về VKS là chủ thể có quyền giải quyết tranh chấp TQĐT giữa các CQĐT thuộc các hệ thống khác nhau, nhưng không quy định VKS cần dựa vào những nguyên tắc nào khi giải quyết tranh chấp đó. Theo quan điểm của chúng tôi, khi giải quyết tranh chấp về TQĐT thì VKS cần áp dụng nguyên tắc ưu tiên về TQĐT cho CQĐT nào có TQĐT các vụ án nghiêm trọng hơn, khi có xung đột giữa thẩm quyền theo loại tội và thẩm quyền theo chủ thể thì ưu tiên thẩm quyền theo chủ thể.
- Thủ tục tố tụng trong trường hợp chuyển vụ án theo TQĐT chưa chặt chẽ (Điều 116 BLTTHS năm 2003). Điều luật này chỉ quy định về thẩm quyền của VKS ra quyết định chuyển vụ án cho CQĐT có thẩm quyền và Thông tư liên tịch 05/2005/TTLT-VKSTC-BCA-BQP ngày 07/9/2005 chỉ quy định về việc lập biên bản giao nhận hồ sơ, vật chứng của vụ án giữa CQĐT tiếp nhận vụ án theo thẩm quyền và CQĐT chuyển giao, chưa đề cập đến quyết định chấm dứt TQĐT và quyết định phân công điều tra mới. Theo tinh thần của BLTTHS năm 2003 thì khi chấm dứt quyền hạn điều tra, sự kiện này cũng phải được thể hiện rõ ràng trong hình thức văn bản tố tụng, ví dụ như quyết định chuyển vụ án cho VKS để giải quyết theo TQĐT hoặc quyết định kết thúc điều tra và chuyển hồ sơ sang VKS. Việc tiếp nhận, thực hiện TQĐT phải bảo đảm chặt chẽ về thủ tục và phải được thể hiện trong quyết định tố tụng độc lập. Điều tra viên được phân công tiếp tục điều tra cũng phải có quyết định. Vụ án được điều tra bởi người không có quyết định phân công điều tra cũng được xem là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và dẫn đến hậu quả Tòa án không công nhận các kết quả điều tra. Nếu không có những quy định chặt chẽ về hình thức tố tụng này thì có thể dẫn đến hệ quả là trên thực tế trong cùng một vụ án có sự tham gia của nhiều CQĐT, của nhiều Điều tra viên thuộc các CQĐT khác nhau nhưng lại không phân định được trách nhiệm một cách rõ ràng.
- Thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra VKSNDTC chưa được quy định rõ ràng, cụ thể. Vì vậy, Viện trưởng VKSNDTC đã phải ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của Cục Điều tra VKSNDTC kèm theo Quyết định số 1169/2010/VKSTC-C6 ngày 19/8/2010 (Quy chế số 1169) để giải thích rõ hơn về nội dung này.
* Thực tiễn điều tra, truy tố các vụ án hình sự trong thời gian qua cho thấy việc áp dụng các quy định về TQĐT có những điểm đáng chú ý sau đây:
- Không thực hiện đúng quy định về TQĐT giữa các CQĐT của Công an nhân dân mà cụ thể là có tình trạng cơ quan An ninh điều tra khởi tố và tiến hành điều tra các vụ án thuộc TQĐT của cơ quan Cảnh sát điều tra hoặc CQĐT không có TQĐT vụ án, nhưng lại được giao nhiệm vụ điều tra. BLTTHS năm 2003 mới chỉ quy định về trường hợp CQĐT cấp trên rút vụ án thuộc TQĐT của cấp dưới lên để điều tra, mà chưa có quy định CQĐT này có thể lấy vụ án thuộc TQĐT của CQĐT khác để điều tra, trừ trường hợp quy định tại Điều 28 PLTCĐTHS năm 2004 (trong trường hợp cần thiết, CQĐT có thẩm quyền có quyền yêu cầu cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra chuyển ngay hồ sơ vụ án để trực tiếp điều tra). Có thể giải thích hiện tượng này bằng nhiều lý do, như lượng án thuộc TQĐT của cơ quan An ninh điều tra ít nên cơ quan này phải chia sẻ với cơ quan Cảnh sát điều tra để giảm tải công việc, giảm án tồn hoặc do tính chất vụ án có yếu tố nước ngoài, yếu tố tôn giáo cần bảo đảm khách quan trong điều tra. Thực trạng này đã ảnh hưởng đến VKS trong việc tổ chức thực hiện chức năng kiểm sát điều tra. Theo quan điểm của chúng tôi, dù với lý do nào, khi luật không cho phép điều tra vượt thẩm quyền như là ngoại lệ từ các quy định chung về TQĐT thì hiện tượng trên là vi phạm nghiêm trọng các quy định của BLTTHS và vô hiệu hóa ý nghĩa các quy định của luật về TQĐT.
- Bộ luật Tố tụng hình sự cho phép CQĐT cấp trung ương điều tra những vụ án hình sự về những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thuộc TQĐT của CQĐT cấp tỉnh nhưng xét thấy cần trực tiếp điều tra. Do chưa có giải thích chính thức những trường hợp nào là “cần thiết”, do vậy có xu hướng lạm dụng quyền điều tra từ phía các CQĐT cấp trung ương hơn so với hiện tượng Tòa án cấp trên lấy vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp dưới lên để xét xử. Trong trường hợp này, VKS cấp trung ương tiến hành kiểm sát điều tra và khi kết thúc điều tra phải ra quyết định truy tố và ủy quyền cho VKS cấp dưới thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm. Thực trạng lạm dụng quyền điều tra của CQĐT cấp trung ương có thể dẫn đến hệ quả là các cơ quan tiến hành tố tụng cấp trung ương bị cuốn hút nhiều thời gian vào việc giải quyết án trong khi những việc khác như tổng kết, hướng dẫn nghiệp vụ, tham mưu cho lãnh đạo lại không được chú trọng. Đối với VKS thì thực trạng này còn dẫn đến hệ quả là sự đứt quãng, không có liên thông giữa kiểm sát điều tra và thực hành quyền công tố và điều này không thể không ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của VKS cấp dưới khi thực hiện ủy quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm (trên thực tế tỷ lệ Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong trường hợp này rất cao). Có ý kiến cho rằng, việc ủy quyền của VKS cấp trên cho VKS cấp dưới là chưa có căn cứ pháp luật.
- Sự khác biệt về dân số, điều kiện kinh tế xã hội của các địa phương theo đơn vị hành chính - lãnh thổ, tình hình tội phạm đã dẫn đến sự khác biệt, không đồng đều về số lượng vụ án điều tra ở các CQĐT thuộc các địa phương khác nhau, có nơi quá tải gây tồn đọng án trong khi ở địa phương khác lại không đủ việc. Theo quan điểm chúng tôi, thực trạng này luôn có tính khách quan, không tránh khỏi và hoàn toàn có thể khắc phục bằng những giải pháp về tổ chức.
Trong điều kiện cải cách tư pháp ở nước ta ngày càng đi vào chiều sâu, BLTTHS năm 2003 đang được xem xét sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng ngày càng cao những yêu cầu của cải cách tư pháp, chúng tôi cho rằng cần thiết phải hoàn thiện chế định TQĐT theo hướng sau đây:
- Tập trung các quy định về TQĐT vào trong BLTTHS, mà không quy định tản mạn trong pháp lệnh.
- Bổ sung các quy định về giải quyết xung đột TQĐT trong một số tình huống đã nêu trên; về nguyên tắc giải quyết tranh chấp TQĐT; về thủ tục khi chuyển vụ án theo TQĐT; về TQĐT của VKS theo hướng mở rộng hơn và rõ ràng hơn.
Ngoài ra, các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương cần có các quy định hướng dẫn, giải thích những trường hợp nào thì CQĐT cấp trên lấy án thuộc thẩm quyền của CQĐT cấp dưới để điều tra nhằm hạn chế xu hướng lạm dụng thẩm quyền trong hoạt động điều tra./.
Nguồn: Kiểm sát Online