Ngày 03/11/2016, ông Trần Ân ở thôn Phong Niên, xã Hòa Thắng đang lùa bò qua sông Ba thì bị nước lũ cuốn trôi mất 01 con bò cái tơ loại bò lai Pháp, có màu xám mốc, cao khoảng 1,2 mét, có lang dưới nách hai chân trước, đầu có sừng, vú có đốm. Đến ngày 04/11/2016, nhờ bà con đi tìm báo tin ông Đỗ Cao Trí ở thôn Đông Phước, xã Hòa An vớt được 01 con bò do nước lũ cuốn trôi. Biết tin, gia đình ông Ân đến nhà ông Trí xin nhận lại bò, nhưng ông Trí không đồng ý, do đó ông Ân làm đơn khởi kiện đến TAND huyện Phú Hòa để yêu cầu giải quyết.
Ngày 05/01/2017, TAND huyện Phú Hòa thụ lý vụ án tranh chấp đòi lại tài sản giữa nguyên đơn ông Trần Ân và bị đơn ông Đỗ Cao Trí. Quá trình giải quyết, Tòa án đã thành lập Hội đồng định giá tài sản, xác định giá trị con bò mà ông Trí vớt được là 13.150.000 đồng và tiến hành hòa giải nhưng không thành vì ông Trí cho rằng con bò mà ông Ân mô tả không giống toàn bộ đặc điểm con bò mà ông Trí nhặt được.
Ngày 20/3/2017, TAND huyện Phú Hòa có công văn chuyển hồ sơ đến VKSND huyện Phú Hòa để giải quyết theo thẩm quyền vì cho rằng hành vi của ông Trí có dấu hiệu của tội “Chiếm giữ trái phép tài sản” theo quy định tại Điều 141 BLHS. Sau khi nhận hồ sơ vụ án, VKSND huyện Phú Hòa chuyển hồ sơ đến Cơ quan CSĐT Công an huyện Phú Hòa để thụ lý, giải quyết tin báo về tội phạm.
Quá trình thụ lý, giải quyết tin báo, ông Trí đồng ý giao nộp con bò cho UBND xã Hòa An để xử lý theo pháp luật. Xét thấy vụ việc không có dấu hiệu của tội “Chiếm giữ trái phép tài sản” theo quy định tại Điều 141 BLHS nên Cơ quan CSĐT chuyển hồ sơ đến Tòa án huyện để xét xử dân sự.
Đến ngày 03/5/2017, ông Trí giao nộp con bò cho UBND xã Hòa An để thông báo công khai xác định chủ sở hữu, trong thời gian này tạm thời giao con bò cho ông Ân trông coi. Về chi phí nuôi dưỡng, chăm sóc bò trong thời gian 04 tháng, hai bên thống nhất ông Ân trả cho ông Trí 4.500.000đ. Sau đó, UBND xã Hòa An đã trả con bò cho ông Ân. Ngày 08/5/2017, ông Ân rút đơn khởi kiện nên TAND huyện Phú Hòa đã ra quyết định đình chỉ vụ án.
Như vậy, do chưa nhận thức đầy đủ các quy định của BLDS và BLHS trong việc nhặt được gia súc bị thất lạc mà suýt nữa ông Trí đã trở thành người … phạm tội.
Điều 232 BLDS năm 2015 quy định về việc xác lập quyền sở hữu đối với gia súc bị thất lạc: “1. Người bắt được gia súc bị thất lạc phải nuôi giữ và báo ngay cho Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại. Sau 06 tháng, kể từ ngày thông báo công khai hoặc sau 01 năm đối với gia súc thả rông theo tập quán thì quyền sở hữu đối với gia súc và số gia súc được sinh ra trong thời gian nuôi giữ thuộc về người bắt được gia súc.
2. Trường hợp chủ sở hữu được nhận lại gia súc bị thất lạc thì phải thanh toán tiền công nuôi giữ và các chi phí khác cho người bắt được gia súc. Trong thời gian nuôi giữ gia súc bị thất lạc, nếu gia súc có sinh con thì người bắt được gia súc được hưởng một nửa số gia súc sinh ra hoặc 50% giá trị số gia súc sinh ra và bồi thường thiệt hại nếu có lỗi cố ý làm chết gia súc”.
Điều 141 BLHS năm 1999 quy định về tội chiếm giữ trái phép tài sản: “1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội chiếm giữ tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng trở lên hoặc cổ vật, vật có giá trị lịch sử, văn hoá có giá trị đặc biệt, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm”.
Trung Hậu - Ngọc Hân