Trong dịp trước, trong và sau Tết nguyên đán, tình hình vi phạm, tội phạm thường diễn biến phức tạp, nghiêm trọng và có xu hướng tăng, nhất là một số loại tội phạm như: Giết người, Cướp tài sản, Cố ý gây thương tích, trộm cắp, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm…gây mất trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng không khí vui xuân, đón Tết của nhân dân.
Để đảm bảo phục vụ tốt công tác đấu tranh phòng vi phạm, tội phạm trong dịp Tết nguyên đán Ất Mùi, ngày 04-02-2015, Lãnh đạo Viện KSND tỉnh Phú Yên đã ban hành Công văn số 109/VKS-P2 yêu cầu Viện trưởng Viện KSND huyện, thị xã, thành phố, Trưởng phòng 1, 2 Viện KSND tỉnh tăng cường trách nhiệm công tố trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi, tập trung chỉ đạo thực hiện một số giải pháp cụ thể, theo đó:
- Chủ động phối hợp với các cấp, các ngành, các cơ quan bảo vệ pháp luật trong đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh các hành vi phạm tội xảy ra trên địa bàn, đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
- Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra, kiểm sát chặt chẽ hoạt động điều tra nhằm chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Tiếp tục thực hiện các giải pháp đột phá trong công tác kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố, đảm bảo việc khởi tố, không khởi tố vụ án có căn cứ, đúng pháp luật.
- Phối hợp với Cơ quan điều tra kịp thời phân loại các trường hợp bắt quả tang, bắt theo lệnh truy nã, đầu thú chuyển tạm giữ trong thời hạn 24 giờ, đảm bảo các trường hợp bắt tạm giữ theo tố tụng chuyển xử lý hình sự đạt từ 97% trở lên, bắt khẩn cấp có phê chuẩn của Viện kiểm sát chuyển xử lý hình sự 100%.
- Nâng cao trách nhiệm trong việc ban hành, phê chuẩn các lệnh, quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam, quyết định thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn…Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ hồ sơ, kiểm tra đầy đủ tài liệu chứng cứ trước khi đề xuất lãnh đạo Viện phê chuẩn, nếu chưa rõ cần yêu cầu cơ quan điều tra bổ sung tài liệu, chứng cứ bằng văn bản, đảm bảo việc phê chuẩn, từ chối phê chuẩn có căn cứ, chính xác, không để xảy ra oan, sai.
- Kiểm sát chặt chẽ việc khởi tố, điều tra và lập hồ sơ vụ án của cơ quan điều tra, chủ động đề ra yêu cầu điều tra bằng văn bản. Đối với vụ án phức tạp, Kiểm sát viên phối hợp với Điều tra viên trong các hoạt động điều tra, thu thập chứng cứ như: hỏi cung bị can, lấy lời khai người làm chứng, tiến hành thực nghiệm điều tra, dựng lại hiện trường, nghiên cứu kỹ hồ sơ, yêu cầu điều tra làm rõ những vấn đề còn mâu thuẫn, khó khăn, vướng mắc trong hồ sơ, đảm bảo việc điều tra thu thập đầy đủ chứng cứ, thủ tục tố tụng, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhân thân, lý lịch bị can…trước khi kết thúc điều tra, nhằm giảm tỷ lệ trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tố tụng.
- Nâng cao chất lượng xây dựng hồ sơ kiểm sát án hình sự, cáo trạng truy tố, đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra việc việc lạm dụng khoản 1, Điều 25 BLHS để đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ điều tra vụ án, bị can do không có sự việc phạm tội, hành vi không cấu thành tội phạm hoặc người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự.
- Nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án hình sự mà trọng tâm là nâng cao chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa, đảm bảo việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra các trường hợp Viện kiểm sát truy tố Tòa án xét xử tuyên bị cáo không phạm tội, xét xử khác tội danh, khung hình phạt Viện kiểm sát truy tố hoặc bản án bị sửa, hủy có liên quan trách nhiệm của kiểm sát viên.
- Phân công Lãnh đạo đơn vị, Kiểm sát viên trực nghiệp vụ 24/24 giờ trong những ngày nghỉ Tết để giải quyết công việc, kịp thời tham gia kiểm sát khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi khi có yêu cầu. Đối với những vụ việc đột xuất, phức tạp, có khó khăn, vướng mắc cần báo cáo kịp thời với Lãnh đạo Viện KSND tỉnh để xin ý kiến chỉ đạo…
MINH NGỌC