Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 18 tháng 6 năm 2009, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2010; quy định về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án; thủ tục giải quyết bồi thường thiệt hại; quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại; kinh phí bồi thường và trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại. Luật này thay thế Nghị quyết số 388/2003/NQ - UBTVQH11 ngày 17 tháng 3 năm 2003 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra và các văn bản hướng dẫn thi hành; thay thế Nghị định số 47/CP ngày 03 tháng 5 năm 1997 của Chính phủ về việc giải quyết bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra và các văn bản hớng dẫn thi hành.
Hình minh họa
Việc Quốc hội ban hành Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân, nhất là trong giai đoạn cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay. Bởi lẽ, Hiến pháp năm 1992 đã quy định: “Người bị bắt, bị giam giữ, bị truy tố, bị xét xử trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất và phục hồi danh dự”; “Mọi hành vi xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể và của công dân phải được kịp thời xử lý nghiêm minh. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất và phục hồi về danh dự”. Tại các Điều 619 và Điều 620Bộ luật Dân sự quy định về trách nhiệm bồi thường do cán bộ, công chức; do người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các quy định nói trên chưa thực sự đi vào cuộc sống. Bên cạnh đó, các văn bản dưới luật như Nghị định số 47/CP ngày 03 tháng 5 năm 1997 của Chính phủ... còn nhiều hạn chế, bất cập như: trong nhiều trường hợp chưa xác định cụ thể cơ quan có trách nhiệm bồi thường; những thiệt hại nào thì được bồi thường, mức bồi thường…chưa được quy định thống nhất, gây khó khăn cho cả cơ quan giải quyết bồi thường lẫn người bị thiệt hại; trách nhiệm hoàn trả cũng chưa được quy định cụ thể, rõ ràng…
Ngay sau khi Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có hiệu lực thi hành, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-VKSTC ngày 15-01-2010, chỉ đạo VKSND các cấp quán triệt kịp thời, toàn diện và đầy đủ về nội dung, tinh thần của Luật ; đồng thời tổ chức tổng kết việc thực hiện trách nhiệm bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự và triển khai thi hành Luật trong phạm vi toàn ngành.
Thực hiện sự chỉ đạo của VKSNDTC, VKSND tỉnh Phú Yên đã xây dựng Kế hoạch và tổ chức cho cán bộ, Kiểm sát viên ở VKSND tỉnh và các VKSND huyện, thị xã, thành phố nghiên cứu, quán triệt, nắm vững các quy định của Luật, nhất là các quy định có liên quan đến VKSND. Qua đó, đã làm chuyển biến nhận thức về mối quan hệ bình đẳng trước pháp luật giữa cán bộ, công chức Nhà nước với công dân và các tổ chức trong xã hội, nâng cao nhận thức về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nói chung, trách nhiệm bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, trong hoạt động tố tụng hình sự, trong hoạt động thi hành án dân sự, hình sự nói riêng…Trong đó, VKSND là một trong những cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong 06 trường hợp Luật đã cụ thể là:
1. Đã phê chuẩn quyết định gia hạn tạm giữ của cơ quan điều tra có thẩm quyền nhưng người bị tạm giữ không có hành vi vi phạm pháp luật;
Luật quy định cụ thể như vậy, nhưng việc thực hiện bồi thường thiệt hại trước hết thuộc trách nhiệm của Nhà nước, mà cụ thể là các cơ quan quản lý cán bộ, công chức đã gây thiệt hại, nhưng sau đó người thi hành công vụ có lỗi gây ra thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, đồng thời tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm người thi hành công vụ đó còn phải bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
VKSND là cơ quan duy nhất được Hiến pháp, pháp luật quy định có chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Do đó, VKSND vừa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật nếu để xảy ra oan, sai, vừa có nhiệm vụ, quyền hạn kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết việc bồi thường theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Chính vì vậy, bên cạnh việc quán triệt, nghiên cứu Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, trong thời gian qua VKSND tỉnh Phú Yên đã chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; không ngừng nâng cao chất lượng cán bộ. Mỗi cán bộ, Kiểm sát viên đều không ngừng phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, nâng cao về chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm; thực hiện tích cực cuộc vận động, xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “ Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương về trách nhiệm”; tiếp tục thực hiện cuộc vận động “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, gắn với việc thực hiện Nghị quyets Trung ương 4 ( khóa XI) và làm tốt lời Bác dạy đối với người cán bộ Kiểm sát “ Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn ”.
VKSND tỉnh Phú Yên xác định: Thực hiện tốt các quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước là trách nhiệm của mỗi cán bộ, KSV; gắn việc thực hiện Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước với việc thực hiện có chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Do đó, VKSND tỉnh Phú Yên và các VKSND huyện, thị xã, thành phố đã tập trung làm tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
- Phải tổ chức quán triệt cho toàn thể cán bộ, Kiểm sát viên nhận thức đầy đủ, sâu sắc các chủ trương, các quy định mới của Đảng và Nhà nước về tổ chức và hoạt động của VKSND trong giai đoạn mới.
- Công tác kiểm sát phải bám sát đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương.
- Phải nắm vững và quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân.
- Không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành.
- Đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ.
Chính vì vậy, trong thời gian qua, bằng việc thực hiện linh hoạt, sáng tạo nhiều giải pháp, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự của VKSND tỉnh Phú Yên và các VKSND huyện, thị xã, thành phố đã không ngừng được nâng cao về chất lượng, hiệu quả, trong đó nổi bật nhất là bảo đảm việc điều tra, truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm và người phạm tội; việc xét xử đúng pháp luật, nghiêm minh, kịp thời. Kể từ khi có Nghị quyết số 388/2003/NQ - UBTVQH11 ngày 17 tháng 3 năm 2003 của Ủy ban thường vụ Quốc hội đến khi Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có hiệu lực thi hành đến nay, VKSND tỉnh Phú Yên không để xảy ra trường hợp nào oan sai phải bồi thường thiệt hại theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
HỒ NGỌC THẢO.