Nhận thức đầy đủ ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác khiếu nại, tố cáo nói chung, công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp nói riêng, Lãnh đạoViện KSND tỉnh Phú Yên, Lãnh đạo các Viện KSND huyện, thị xã, thành phố, các phòng nghiệp vụ đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo làm tốt công tác này. Phòng khiếu tố của Viện KSND tỉnh và các đơn vị nghiệp vụ trong ngành kịp thời thông tin cho nhau các trường hợp khiếu nại, tố cáo bức xúc, kéo dài thuộc thẩm quyền giải quyết của Ngành để có sự phối hợp giải quyết nhanh chóng đáp ứng phần nào nguyện vọng của nhân dân, không để xảy ra các điểm nóng về khiếu nại, tố cáo.
Ảnh minh họa
Năm 2013 trên địa bàn tỉnh Phú Yên tình hình khiếu nại, tố cáo không giảm mà có chiều hướng gia tăng; đặc biệt là đơn khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tư pháp, chủ yếu là các đơn khiếu nại không đồng ý với quyết định không khởi tố vụ án hình sự; khiếu nại Kết luận điều tra của Cơ quan điều tra, Cáo trạng truy tố của Viện kiểm sát, việc chậm giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, kháng cáo các bản án quyết định dân sự, hình sự, yêu cầu xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm các bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật, khiếu nại về thi hành án dân sự…Nguyên nhân: Do việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan tư pháp cũng như trong Ngành kiểm sát chưa tuân thủ đúng trình tự, thủ tục; trong lĩnh vực dân sự còn nhiều vụ án để kéo dài quá thời hạn xét xử; một lượng không nhỏ đơn khiếu nại bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án chưa được giải quyết triệt để…
Từ thực tế nguyên nhân, tình hình khiếu nại trên đây, năm qua Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân nhân dân 2 cấp tỉnh và huyện đã thường xuyên quan tâm, trực tiếp chỉ đạo, cùng với sự nố lực cố gắng của các cán bộ làm công tác Khiếu tố. Do đó, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền và kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân 2 cấp đã có nhiều chuyển biến tích cực; đơn khiếu nại, tố cáo về hoạt động tư pháp của công dân được Viện KSND hai cấp tỉnh và huyện xem xét giải quyết kịp thời đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân theo đúng quy định của pháp luật.
Năm 2013, Viện KSND hai cấp tỉnh Phú Yên đã tiếp 340 lượt công dân đến KNTC (Viện KSND tỉnh trực tiếp tiếp 221 lượt công dân; VKSND các huyện, thị xã, thành phố tiếp 119 lượt công dân). Trong đó: Lãnh đạo Viện tiếp 63 lượt người; KSV, cán bộ tiếp 277 lượt người. Việc tiếp công dân đảm bảo thực hiện đúng các quy định của Luật khiếu nại, Luật tố cáo năm 2011 và Điều 3, 4, 5, 6, 7 Quy chế 59 ngày 06/02/2006 của Viện trưởng VKSND tối cao về công tác Khiếu tố: Hàng ngày phòng phân công cán bộ trực, tiếp công dân, tiếp nhận đơn khiếu nại tố cáo; mở sổ sách ghi chép, theo dõi đầy đủ đơn khiếu nại, tố cáo cũng như những nội dung công dân trình bày, phản ánh. Khi tiếp công dân, cán bộ tiếp công dân luôn có thái độ đúng mực, nắm chắc các quy định của pháp luật nói chung và các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo nói riêng để hướng dẫn cho công dân một cách có căn cứ, tạo điều kiện để công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo của mình.
Công tác tiếp nhận, phân loại, xử lý và giải quyết đơn thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Viện KSND thực hiện đúng theo quy định của Quy chế và các văn bản pháp luật khác có liên quan; mọi nguồn đơn khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Viện KSND tập trung vào một đầu mối là Phòng khiếu tố Viện KSND tỉnh và bộ phận khiếu tố Viện KSND cấp huyện đ¬ể quản lý thống nhất vào sổ tiếp nhận đơn. Trong quá trình tiếp nhận, phân loại, xử lý đối với đơn khiếu nại, tố cáo về tư pháp đã kịp thời chuyển cho các đơn vị có trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết đúng quy định. Năm 2013, Viện KSND hai cấp tỉnh Phú Yên tiếp nhận, phân loại và xử lý: 648 ®¬n/648 việc(khiếu nại 238 đơn/238 việc; kiến nghị phản ánh 311 đơn/311 việc, tố cáo 29 đơn/29 việc và tin báo tố giác tội phạm 70 đơn/70 việc). Trong đó, thụ lý, giải quyết 50/52 đơn thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát, đạt tỷ lệ 96%.; thực hiện trách nhiệm kiểm sát 534 đơn/534 việc, thông báo chỉ dẫn theo quy định 62 đơn dokhông thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Viện kiểm sát.
Công tác kiểm sát trực tiếp việc giải quyết KNTC về tư pháp: Hai cấp kiểm sát đã thực hiện 10 cuộc kiểm sát trực tiếp việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo về tư pháp đối với các cơ quan tư pháp cùng cấp và cấp dưới. Kết thúc các cuộc kiểm sát đều có ban hành kiến nghị yêu cầu các đơn vị được kiểm sát khắc phục các vi phạm về trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc lập và lưu giữ hồ sơ giải quyết khiếu nại, tố cáo. Các kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân hai cấp đều được các cơ quan tư pháp tiếp thu thực hiện.
Thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH13 ngày 23-11-2012 của Quốc hội và Hướng dẫn số 02/HD-VKSTC-VP ngày 09-01-2013 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác quản lý, báo cáo tình hình chấp hành pháp luật trong hoạt động tư pháp; trogn năm Phòng Khiếu tố đã tham mưu Lãnh đạo Viện ban hành 01 kiến nghị Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên khắc phục vi phạm và ra Quyết định giải quyết khiếu nại đúng trình tự thủ tục, thẩm quyền và thời hạn theo quy định của pháp luật; được cơ quan Tòa án có văn bản trả lời và tiếp thu thực hiện. Ban hành 11 văn bản yêu cầu các cơ quan tư pháp ra văn bản giải quyết khiếu nại, tố cáo; yêu cầu kiểm tra và thông báo kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo (trong đó: Cục điều tra- Viện KSND tối cao 01; Cơ quan điều tra Công an tỉnh 2; Tòa án nhân dân tỉnh 03 việc,Tòa án nhân dân Tx. Sông cầu, Phú Hòa 02 việc, Tây Hòa 01 việc, Chi cục thi hành án huyện Phú Hòa 02 việc). Kết quả, được các cơ quan tư pháp trên tiếp thu thực hiện theo yêu cầu, đề nghị của Viện kiểm sát.
Trên cơ sở phát huy những thành tích đã đạt được của những năm trước, năm 2013 công tác tiếp công dân, tiếp nhận, thụ lý, phân loại, xử lý, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo và công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của hai cấp kiểm sát tỉnh Phú Yên luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo đặc biệt của Lãnh đạo Viện, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ngành kiểm sát Phú Yên.
Việc tiếp công dân, tiếp nhận, phân loại, vào sổ thụ lý, theo dõi và quản lý đơn khiếu nại, tố cáo đều được tập trung về một đầu mối là phòng Khiếu tố, bộ phận khiếu tố của các VKSND các huyện, thị xã, thành phố; các phòng nghiệp vụ, các VKSND cấp huyện đều mở sổ thụ lý theo dõi đối với các đơn KNTC thuộc thẩm quyền và thuộc trách nhiệm kiểm sát theo từng lĩnh vực được phân công; phòng Khiếu tố thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nắm kết quả giải quyết đơn của toàn ngành, tổng hợp báo cáo, tham mưu cho Viện trưởng tổ chức thực hiện những nội dung quản lý Nhà Nước về công tác khiếu tố theo đúng quy định của pháp luật.
Việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của các phòng nghiệp vụ, các Viện KSND cấp huyện về cơ bản là đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục, nội dung giải quyết đơn (hai cấp kiểm sát đã ban hành 28 quyết định giải quyết đơn, 22 văn bản giải quyết). Có được kết quả nêu trên là nhờ có sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Lãnh đạo Viện, sự phối kết hợp chặt chẽ giữa phòng Khiếu tố và các đơn vị nghiệp vụ trong Ngành. Ngoài ra VKSND tỉnh Phú Yên luôn thực hiện tốt mối quan hệ phối hợp công tác với các cơ quan tư pháp trong giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp bằng nhiều hình thức khác nhau, từ trao đổi thông tin, tài liệu, xác minh, kiểm sát trực tiếp, đối thoại tại Hội nghị liên ngành…nhằm tập trung tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn để có sự thống nhất chung, đưa công tác này ngày đi vào nề nếp và đạt hiệu quả cao.
Tuy nhiên, từ thực tiễn khâu công tác này cũng còn nhiều tồn tại như: Sau khi tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của Ngành, phòng Khiếu tố thường xuyên theo dõi, đôn đốc các đơn vị nghiệp vụ giải quyết đơn đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật. Song thực tiễn công tác giải quyết đơn cho thấy: Các quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo còn nhiều bất cập, cụ thể tại Điều 329 Bộ luật tố tụng hình sự qui định về thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng Cơ quan điều tra và VKSND thấy rằng: Luật qui định thời hạn giải quyết (cùng cấp là 7 ngày, cấp trên là 15 ngày) là quá ngắn nên trong thực tiễn không thể thực hiện được, dẫn đến vi phạm thời hạn giải quyết đơn; đồng thời cũng chưa có văn bản thống nhất hướng dẫn các danh mục khiếu nại trong hoạt động tố tụng hình sự thuộc thẩm quyền của Thủ trưởng các cơ quan tiến hành tố tụng phải giải quyết mà chỉ nêu chung chung. Trong thực tế việc khiếu nại Kết luận điều tra của Cơ quan điều tra, khiếu nại Cáo trạng của VKSND xảy ra rất nhiều, nhưng việc giải quyết các khiếu nại này đang gặp khó khăn cho công tác theo dõi, đôn đốc từ phía cơ quan đầu mối (phòng Khiếu tố) như trong trường hợp khiếu nại Kết luận của Cơ quan điều tra mà hồ sơ đã chuyển cho VKSND, hoặc khiếu nại Cáo trạng của VKSND nhưng hồ sơ đã chuyển cho Tòa án thì có thuộc thẩm quyền giải quyết của Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát nữa hay không? Trình tự thủ tục giải quyết như thế nào?...
Việc thực hiện chức năng kiểm sát đối với đơn thuộc trách nhiệm kiểm sát của Ngành: Kết quả theo dõi cho thấy các đơn vị nghiệp vụ chỉ mới làm tốt công tác xử lý đơn (chuyển đơn cho các cơ quan tư pháp xem xét, giải quyết), còn việc thực hiện chức năng kiểm sát và theo dõi kết quả giải quyết của các cơ quan tư pháp cùng cấp còn nhiều hạn chế.
Cán bộ làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo chủ yếu là kiêm nhiệm (VKSND cấp huyện), thời gian đầu tư cho việc nghiên cứu, nắm bắt các quy định của pháp luật cũng như các văn bản hướng dẫn của Ngành về công tác khiếu tố còn hạn chế nên ít nhiều cũng ảnh hưởng đến chất lượng công việc.
Văn bản hướng dẫn nghiệp vụ đối với khâu công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của các ngành, cơ cấu tổ chức bộ máy liên quan đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan tư pháp không thống nhất (Tòa án không có cán bộ chuyên trách hoặc đơn vị đầu mối trực tiếp tham mưu cho Lãnh đạo đơn vị trong việc tiếp nhận, thụ lý, phân loại, xử lý giải quyết đơn như Viện kiểm sát), điều này ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng công tác khiếu tố và quá trình thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Viện kiểm sát đối với các cơ quan tư pháp.
Từ thực trạng trên, Viện KSND tỉnh Phú Yên có những giải pháp và kiến nghị cụ thể như sau:
Một là, tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo nói chung và giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp nói riêng. Bố trí cán bộ chuyên trách, cán bộ có năng lực, trình độ chuyên môn trực tiếp tham mưu cho Lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ trong ngành tổ chức thực hiện tốt những nội dung quản lý Nhà Nước về công tác khiếu tố.
Hai là, tăng cường hơn nữa mối quan hệ phối hợp giữa phòng Khiếu tố và các đơn vị nghiệp vụ trong ngành, mối quan hệ phối hợp công tác giữa Viện KSND với các cơ quan tư pháp (Liên ngành tư pháp) trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Ba là, Kiến nghị Liên gành tư pháp Trung ương hoàn thiện hệ thống pháp luật về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; đảm bảo việc triển khai thực hiện đồng bộ giữa các ngành, các cấp.
Bốn là, đề nghị VKSND tối cao phối hợp với Liên ngành tư pháp Trung ương rà soát lại hệ thống các văn bản pháp luật liên quan đến công tác khiếu nại, tố cáo để kiến nghị sửa đổi, bổ sung kịp thời và ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật; hệ thống các biểu mẫu văn bản nghiệp vụ, biểu mẫu thống kê trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp một cách thống nhất.
Năm là, quan tâm và tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và đội ngũ công chức làm khâu công tác khiếu tố nhằm đáp ứng với yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoan hiện nay.
HỮU TIẾN- BÍCH TRÂM