Để kịp thời thực hiện Nghị quyết số 109/2015/QH13 về việc thi hành Bộ luật Hình sự, ngày 18/01/2016, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có Văn bản số 172/VKSTC-V14 gửi các đơn vị trong toàn ngành Kiểm sát nhân dân yêu cầuthực hiện ngay các công việc phục vụ việc triển khai thi hành Nghị quyết số 109 nói trên. Theo đó, kể từ ngày Bộ luậtHình sự năm 2015 được công bố (ngày 18/12/2015), Viện kiểm sát quân sự Trung ương, các đơn vị trực thuộc VKSNDTC, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao 1, 2, 3 và Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tổ chức triển khai, quán triệt trong cơ quan, đơn vị mình để bảo đảm thi hành đúng Bộ luật Hình sự năm 2015 và Nghị quyết số 109/2015/QH13 những nhiệm vụ cụ thể sau:
Một là, khi thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm, phúc thẩm vụ án hình sự, không đề nghị áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội mà Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bỏ hình phạt tử hình (Điều 133. Tội cướp tài sản; Điều 157. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm; Điều 194. Tội tàng trữ trái phép, chiếm đoạt chất ma túy; Điều 231. Tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; Điều 316. Tội chống mệnh lệnh; Điều 322. Tội đầu hàng địch - Bộ luật Hình sự năm 1999) không đề nghị áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.
Hai là, phối hợp với Tòa án cùng cấp đã xét xử sơ thẩm rà soát đầy đủ, chính xác những trường hợp đã tuyên hình phạt tử hình đối với những người được nêu tại mục 1, Phần I Công văn này và bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa thi hành án để Tòa án báo cáo Chánh án Toà án nhân dân tối cao chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân cho người bị kết án.
Ba là, phối hợp với Toà án cùng cấp đã xét xử sơ thẩm rà soát đầy đủ, chính xác những trường hợp đã tuyên hình phạt tử hình nhưng chưa thi hành án mà có đủ các điều kiện quy định tại điểm c khoản 3 Điều 40 Bộ luật Hình sự năm 2015 (Người bị kết án tử hình về Tội tham ô tài sản, Tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn) để Tòa án báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân cho người bị kết án.
Bốn là, phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra, Toà án cùng cấp tiến hành rà soát đầy đủ, chính xác các trường hợp Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định là tội phạm nhưng Bộ luật Hình sự năm 2015 không quy định là tội phạm quy định tại các điểm d, đ khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13. Đối với trường hợp đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì xử lý như sau:
- Nếu vụ án đang điều tra thì Viện kiểm sát yêu cầu Cơ quan điều tra áp dụng điểm d, đ khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13, khoản 1 Điều 25 Bộ luật Hình sự năm 1999 và Điều 164 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án; trường hợp vụ án có nhiều bị can mà căn cứ để đình chỉ điều tra không liên quan đến tất cả các bị can, thì đình chỉ điều tra đối với từng bị can.
Trường hợp đã khởi tố bị can mà Viện kiểm sát chưa phê chuẩn thì Viện kiểm sát tự mình hoặc yêu cầu Cơ quan điều tra áp dụng điểm d, đ khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13, Điều 126, Điều 112 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 ra quyết định huỷ bỏ quyết định khởi tố bị can.
- Nếu vụ án đang trong giai đoạn truy tố thì Viện kiểm sát áp dụng điểm d, đ khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13, khoản 1 Điều 25 Bộ luật Hình sự năm 1999 và Điều 169 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 ra quyết định đình chỉ vụ án; trường hợp vụ án có nhiều bị can mà căn cứ để đình chỉ không liên quan đến tất cả các bị can, thì đình chỉ vụ án đối với từng bị can.
- Nếu vụ án đang trong giai đoạn chuẩn bị xét xử thì Viện kiểm sát áp dụng điểm d, đ khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13, khoản 1 Điều 25 Bộ luật Hình sự năm 1999 và Điều 181 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 rút quyết định truy tố trước khi mở phiên toà và đề nghị Toà án đình chỉ vụ án;
- Tại phiên toà sơ thẩm, Kiểm sát viên áp dụng điểm d, đ khoản 2 Điều 1 của Nghị quyết số 109/2015/QH13, khoản 1 Điều 25 Bộ luật Hình sự năm 1999 rút toàn bộ quyết định truy tố; trong trường hợp vụ án có nhiều bị cáo, bị cáo phạm nhiều tội thì sau khi đọc cáo trạng, Kiểm sát viên trình bày việc rút quyết định truy tố đối với bị cáo hoặc rút quyết định truy tố đối với hành vi của bị cáo thuộc trường hợp quy định tại các điểm d, đ khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13.
- Tại phiên toà phúc thẩm, Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm d, đ khoản 2 Điều 1 của Nghị quyết số 109/2015/QH13 và Điều 251 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 đình chỉ vụ án đối với bị cáo, đình chỉ vụ án.
- Đối với các đối tượng được quy định tại các điểm d, đ khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 mà đang bị truy nã thì Viện kiểm sát yêu cầu Cơ quan điều tra đã ra quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can ra quyết định đình nã; trong trường hợp Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can thì yêu cầu cơ quan đã ra quyết định truy nã ra quyết định đình nã; thông báo cho Tòa án yêu cầu Cơ quan điều tra (trong giai đoạn xét xử); yêu cầu Giám thị Trại giam, Trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh (trong giai đoạn thi hành án) ra quyết định đình nã trừ trường hợp họ bị truy nã về hành vi phạm tội khác.
- Việc không khởi tố vụ án, không khởi tố bị can và việc đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án được nêu tại Mục 4 Phần I của Công văn này chỉ là đình chỉ việc xử lý hình sự đối với các trường hợp quy định tại các điểm d, đ khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13, còn các vấn đề khác như trách nhiệm bồi thường thiệt hại, xử lý vật chứng, trả lại tài sản...(kể cả xử lý hành chính, xử lý kỷ luật) hoặc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về các tội phạm khác, các bị can,bị cáo khác trong vụ án (nếu có) thì vẫn được giải quyết theo quy định của pháp luật.
- Khi Viện kiểm sát huỷ bỏ quyết định khởi tố bị can do mình ban hành, đình chỉ vụ án đối với bị can hoặc đình chỉ vụ án thì Viện kiểm sát phải giải thích cho người được huỷ bỏ quyết định khởi tố bị can, người được đình chỉ vụ án biết việc đình chỉ là do thay đổi chính sách hình sự của Nhà nước ta theo hướng nhân đạo hơn, chứ không phải là bị oan và họ không có quyền được yêu cầu bồi thường thiệt hại theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Năm là, khi kiểm sát việc thi hành án, phải kiểm sát chặt chẽ việc miễn chấp hành hình phạt; đồng thời phối hợp chặt chẽ với Toà án cùng cấp rà soát đầy đủ, chính xác các trường hợp được miễn chấp hành hình phạt (kể cả hình phạt chính và hình phạt bổ sung) quy định tại điểm d, đ khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13. Đối với người bị xử phạt tù đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt, đang được hoãn chấp hành hình phạt hoặc chưa chấp hành hình phạt thì Viện kiểm sát nơi Tòa án ra quyết định thi hành án phạt tù đề nghị Tòa án cùng cấp ra quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại hoặc miễn chấp hành toàn bộ hình phạt.
Lưu ý: Khi kiểm sát việc miễn chấp hành hình phạt: Đối với các trường hợp quy định tại các điểm d, đ khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 chỉ quy định việc miễn chấp hành hình phạt (cả hình phạt chính và hình phạt bổsung); những vấn đề khác như trách nhiệm bồi thường thiệt hại, xử lý vật chứng, trả lại tài sản... thì người được miễn chấp hành hình phạt vẫn phải thi hành.
Sáu là, phối hợp với Cơ quan điều tra, Tòa án cùng cấp rà soát những vướng mắc phát sinh trong giai đoạn chuyển tiếp từ khi Bộ luật Hình sự năm 2015 được công bố, báo cáo Lãnh đạo liên ngành Trung ương để chỉ đạo thống nhất.
Nguồn: Kiểm sát Online