Theo quy định tại Điều 1 Bộ luật hình sự: “ BLHS có nhiệm vụ bảo vệ chế độ XHCN, quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ quyền bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật XHCN, chống mọi hành vi phạm tội; đồng thời giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm. Để thực hiện nhiệm vụ đó, Bộ luật quy định tội phạm và hình phạt đối với người phạm tội”.
Thực tiễn thi hành BLHS thời gian qua cho thấy, BLHS là một công cụ sắc bén trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo dảm quyền làm chủ của nhân dân, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, góp phần tích cực và công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đặc biệt là việc cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, quá trình thực hiện BLHS cũng cho thấy còn có những quy định bất cập, gây khó khăn, vưỡng mắc trong khi áp dụng. Bài viết này, chúng tôi xin được trao đổi một số suy nghĩ về sự bình đẳng trong BLHS. Tại Điều 3 BLHS còn quy định về nguyên tắc xử lý đã nêu rõ: “…Mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt nam, nữ, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội…”. Điều đó thể hiện rõ tính công bằng trong việc xử lý người phạm tội. Sự bình đẳng ở đây chính là “ sự bình đẳng trong việc vận dụng các dấu hiệu cấu thành tội phạm đối với một hành vi phạm tội, đối với hình phạt cũng như các biện pháp tư pháp khác về người phạm tội, chống những biểu hiện phân biệt đối xử giữa những người phạm tội có địa vị xã hội khác nhau…”1 . Thế nhưng, nghiên cứu các điều khoản của BLHS trong phần các tội phạm, chúng tôi thấy ngay chính BLHS lại có những quy định xem ra lại chưa được bình đẳng.
Theo khoản 1 Điều 165 BLHS quy định về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng: “ Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng…thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ một năm đến ba năm”.… Xem xét về các yếu tố cấu thành tội của tội này, cho thấy: Mặt khách quan của tội phạm thể hiện ở hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế. Hành vi cố ý làm trái có thể được thực hiện bằng hành động ( thực hiện không đúng ) hoặc không hành động ( không thực hiện ) và phải gây hậu quả nghiêm trọng. Như vậy, người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là trái với quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, là nguy hiểm cho xã hội , thấy trước hậu quả xảy ra và mong muốn cho hậu quả xảy ra, hay nói cụ thể hơn là người phạm tội đã cố ý làm trái… ( tức là có lỗi cố ý ) và hậu quả phải gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên thì mới phạm tội ( trừ trường hợp dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng ).
Trong khi đó, theo Điều 144 BLHS quy định về tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản Nhà nước, thì: “ Người nào có nhiêm vụ trực tiếp trong công tác quản lý tài sản của Nhà nước, vì thiếu trách nhiệm mất mát, hư hỏng, lãng phí gây thiệt hại cho tài sản nhà nước có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm” … Mặt khách quan của tội phạm này thể hiện ở hành vi thiếu trách nhiệm. Đó là hành vi của người có trách nhiệm đã vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng, bảo vệ tài sản của Nhà nước để mất mát, hư hỏng, lãng phí. Tội phạm được thực hiện do lỗi vô ý ( do cẩu thả hoặc quá tự tin ). Như vậy, ở đây, người phạm tội không cố ý gây ra thiệt hại mà chỉ vì thiếu trách nhiệm nên đã để xảy ra thiệt hại, tức là đã vô ý gây ra hâu quả… ( với lỗi vô ý ) và thiệt hại có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên là đã phạm vào tội này.
Như vậy, xét về yếu tố lỗi và hậu quả gây ra thì người phạm tội cố ý làm trái (…) với “ lỗi cố ý” sẽ nguy hiểm cho xã hội hơn so với người phạm tội thiếu trách nhiệm (…) với “ lỗi vô ý”. Vậy mà không hiểu sao Luật lại quy định một người phạm tội với lỗi cố ý và phải gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên mới bị truy cứu trách nhiêm hình sự, trong khi đó, một người chỉ mới gây thiệt hại từ 50 triệu đồng trở lên với lỗi vô ý cũng đã bị xử lý hình sự ? Rõ ràng ở đây đã có sự bất bình đẳng ?!
Sự bất bình đẳng càng thể hiện rõ ở chỗ: Đối với tội cố ý làm trái (…) còn có trường hợp cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại dưới 100 triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì cũng bị coi là tội phạm. Vậy, trường hợp một người cố ý làm trái (…) gây thiệt hại đến 99 triệu đồng sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu người này chưa bị xử lý kỷ luật hoặc đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm nhưng không gây hậu quả nghiêm trọng. Trong khi đó, trong tội thiếu trách nhiệm (…) thì cứ gây thiệt hại từ 50 triệu đồng trở lên thì đã phạm tội rồi.
Tương tự, tại Điều 145 BLHS quy định về tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản, theo đó: người nào vô ý gây thiệt hại cho tài sản của người khác có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên cũng phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Người phạm tội theo Điều 145 BLHS không cần phải có chức vụ, quyền hạn gì, phạm tội với lỗi vô ý… Trong khi đó, người phạm tội cố ý làm trái (…) là người có chức vụ, quyền hạn; phạm tội với lỗi cố ý… Rõ ràng, việc một người có chức vụ, quyền hạn mà phạm tội thì phải nguy hiểm cho xã hội hơn so với người bình thường thế nhưng các yếu tố cấu thành tội cố ý làm trái… xem ra lại mâu thuẫn so với các điều luật khác như đã nói ở trên và mâu thuẫn so với nguyên tắc mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật.
Vẫn biết, mọi sự so sánh chỉ là tương đối, nhất là trong lĩnh vực pháp luât hình sự. Tuy nhiên, pháp luật phải được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Vì thế, chúng tôi nghĩ rằng, việc Bộ luật hình sự có những quy định bất hợp lý như nói ở trên cần sớm được nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp.
HỒ NGỌC THẢO