Vừa qua, Viện KSND thị xã Sông Cầu phối hợp với TAND cùng cấp tổ chức phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm đối với vụ án dân sự “Tranh chấp di sản thừa kế” giữa nguyên đơn ông Phạm Văn Lai, SN 1996 với bị đơn bà Lê Thị Lợt, SN 1946 và 24 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Tất cả cùng trú tại thôn Phú Dương, xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn có Luật sư Lưu Ngọc Cư.
Tham dự phiên tòa có các đồng chí Lãnh đạo, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên Viện KSND thị xã Sông Cầu.
Quang cảnh phiên tòa
Nội dung vụ án: Trong thời kỳ hôn nhân hợp pháp, ông Phạm Văn Trung và bà Lê Thị Lợt được UBND huyện Sông Cầu (nay là UBND thị xã Sông Cầu) cấp giấy chứng nhận QSDĐ số G147390 đối với diện tích 15.240m2 đất, bao gồm thửa đất số 37, 47, 47B tờ bản đồ số 7-TTg, thửa số 159, 666, 116 tờ bản đồ số 11, tọa lạc tại Thôn Phú Dương, xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu, đứng tên ông Phạm Văn Trung.
Ông Trung và bà Lợt có tất cả 06 người con, gồm: Phạm Văn Lượm (chết năm 2017), Phạm Văn Khanh, Phạm Văn Rê, Phạm Văn Châu, Phạm Văn Thành, Phạm Thị Hiền. Năm 2000, ông Trung chết không để lại di chúc, khoảng thời gian từ năm 2001 đến 2012, bà Lợt đã chuyển nhượng một phần diện tích quyền sử dụng đất cho các ông Nguyễn Văn Hổ, Nguyễn Văn Cư, Lê Tân, bà Lê Thị Phấn (viết giấy tay không có công chứng, chứng thực) và các con Phạm Văn Khanh, Phạm Văn Rê, Phạm Văn Châu, Phạm Văn Thành (chuyển nhượng bằng lời nói) mà không có sự đồng ý của ông Phạm Văn Lượm. Do đó, ông Phạm Văn Lai (thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông Lượm) yêu cầu tuyên bố vô hiệu tất cả các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà bà Lợt đã xác lập và chia đều các thửa đất trên cho 06 người. Ông Lai được thừa kế phần di sản mà ông Lượm được hưởng.
Những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan yêu cầu Tòa án công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với bà Lợt.
Sau khi được phân công, Kiểm sát viên đã nghiên cứu hồ sơ và ban hành 01 yêu cầu xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ, được Tòa án chấp nhận thực hiện trước khi phiên tòa diễn ra. Kiểm sát viên đã kiểm sát chặt chẽ việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử, của đương sự và những người tham gia phiên tòa, tham gia hỏi các đương sự để làm rõ nội dung tranh chấp. Đồng thời, trong quá trình xét hỏi đã tích cực giải thích pháp luật để các đương sự hiểu và có cách nhìn nhận sự việc theo đúng quy định pháp luật.
Tại phiên tòa, nguyên đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện về chia di sản đối với thửa số 159, 666, 116 tờ bản đồ số 11 và rút yêu cầu đề nghị tuyên vô hiệu đối với các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà Lợt với ông Nguyễn Văn Hổ, Nguyễn Văn Cư, Lê Tân, bà Lê Thị Phấn.
Xét thấy việc rút một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là tự nguyện nên Kiểm sát viên đề nghị và HĐXX đã tuyên đình chỉ xét xử một phần yêu cầu khởi kiện đã rút của nguyên đơn; Chấp nhận yêu cầu chia di sản thừa kế của của nguyên đơn đối với thửa đất số 37, 47, 47B tờ bản đồ số 7-TTg; Chấp nhận yêu cầu công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Nguyễn Văn Hổ, Nguyễn Văn Cư, Lê Tân, bà Lê Thị Phấn với bà Lợt, tuy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các đương sự vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực nhưng bên nhận chuyển nhượng đã giao đủ tiền, sử dụng lâu dài và thời điểm lúc còn sống ông Lượm biết nhưng không phát sinh tranh chấp gì; Không chấp nhận yêu cầu công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của ông Phạm Văn Khanh, Phạm Văn Rê, Phạm Văn Châu, Phạm Văn Thành vì không cung cấp được chứng cứ chứng minh.
Sau khi kết thúc phiên tòa, Lãnh đạo, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên Viện KSND thị xã Sông Cầu tổ chức cuộc họp để rút kinh nghiệm. Với tinh thần trách nhiệm, các đồng chí tham dự phiên tòa đã phát biểu đóng góp nhiều ý kiến nêu rõ những ưu điểm cần phát huy và những vấn đề còn tồn tại, thiếu sót của Kiểm sát viên tại phiên tòa để rút kinh nghiệm chung.
Việc tổ chức phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm được xem là hình thức tự đào tạo hiệu quả, giúp các Kiểm sát viên trẻ học hỏi, nâng cao được trình độ, kỹ năng nghiên cứu hồ sơ, xử lý các tình huống tại phiên tòa, tích lũy kinh nghiệm trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ, đảm bảo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị được giao, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.
Bảo Pháp